Na Uy đang khiến nhiều nước phải ngước nhìn khi có thể tái chế gần như toàn bộ chai nhựa trên toàn quốc. Chìa khóa của thành công này nằm ở hệ thống đặt cọc vốn vận hành khá trơn tru.
Một điểm quét mã vạch vỏ chai nhựa ở Na Uy. Ảnh: Guardian
Với tỷ lệ tái chế lên tới 97%, Na Uy hiện là quốc gia dẫn đầu Liên minh châu Âu (EU) trong cuộc chiến chống rác thải nhựa, qua mặt cả Pháp và Anh vốn có tỷ lệ tái chế rác thải nhựa gần 60%. Điều đó đồng nghĩa Na Uy đang đi trước 10 năm so với các thành viên EU trong nỗ lực đạt mục tiêu tái chế ít nhất 90% chai nhựa vào năm 2029.
Bí quyết giúp đất nước Bắc Âu này có được bước tiến vượt bậc như thế là nhờ áp dụng đồng bộ và rộng rãi hệ thống đặt cọc. Theo đó, người tiêu dùng sẽ phải trả thêm một ít tiền (khoảng 3.000-7.000 VNĐ) khi mua một chai thức uống (nước trái cây, soda…) và được hoàn lại số tiền này lúc trả vỏ chai. Có nhiều cách nhận lại tiền, chẳng hạn quét mã vạch vỏ chai tại các máy hoàn tiền tự động, tiền sẽ chuyển vào tài khoản. Ngoài ra, nhiều cửa hàng tiện lợi và trạm xăng dầu cũng áp dụng chương trình tặng tiền hoặc điểm thưởng khi khách hàng trả vỏ chai. Bản thân các cửa hàng cũng bỏ túi một khoản tiền nhỏ trên mỗi chai nhựa được tái chế.
“Khi đặt cọc vào các vỏ chai nhựa, bạn thông báo với khách hàng rằng họ mua nước uống, nhưng chỉ là đang mượn cái chai mà thôi”- Kjell Olav Maldum- Giám đốc điều hành Infinitum- giải thích. Infinitum, công ty điều hành chương trình đặt cọc, đã đặt 3.700 máy thu gom vỏ chai nhựa tại các siêu thị, cây xăng và cửa hàng trên khắp Na Uy. Năm 2018, có trên 1,1 tỉ chai nhựa và lon nhôm được người tiêu dùng trả lại, so với chỉ hơn 591 triệu chai nhựa thu về trong năm trước đó.
Nhờ vậy, Na Uy đạt tỷ lệ tái chế chai nhựa lên tới 97%. Đáng nói, 92% chai nhựa được tái chế chứa vật liệu chất lượng cao, nên có thể tiếp tục được dùng để sản xuất chai uống nước. Thậm chí trong một số trường hợp, hệ thống đã tái sử dụng cùng một vật liệu tới hơn 50 lần. Mỗi chai nhựa mới chứa khoảng 10% vật liệu tái chế và Na Uy hy vọng có thể nâng tỷ lệ này lên thông qua chính sách tăng thuế nhằm khuyến khích các nhà sản xuất sử dụng nhựa tái chế thay cho nhựa mới hiện có giá thành rẻ hơn.
Nếu chỉ hướng đến người tiêu dùng, tỷ lệ tái chế 97% sẽ không bao giờ thành hiện thực. Kể từ năm 2014, Chính phủ Na Uy còn đánh thuế môi trường lên các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu nhựa. Dù vậy, công ty tái chế càng nhiều thì thuế càng được giảm. Nếu tỷ lệ tái chế đạt trên 95%, doanh nghiệp sẽ được miễn thuế.
Với thành tựu ấn tượng trên, Na Uy được xem là hình mẫu lý tưởng để nhiều quốc gia khác cân nhắc học tập, bao gồm Pháp và Anh. Riêng Litva đã bắt đầu triển khai hệ thống tương tự, chứng kiến tỷ lệ hoàn trả chai nhựa ở nước này tăng từ 34% ở thời điểm chưa áp dụng chương trình lên 92% hồi cuối năm 2019.
Tổ chức môi trường “Zero Waste Europe” đánh giá hệ thống đặt cọc là “giải pháp duy nhất” để EU có thể hoàn thành mục tiêu giảm rác thải nhựa. Họ cũng muốn các nước mở rộng chương trình này đối với các loại bao bì nhựa khác. Được biết, 91% nhựa trên thế giới không được tái chế. Theo Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF), mỗi phút trên thế giới có khoảng 15 tấn rác thải nhựa đổ ra biển. Nếu xu hướng này tiếp diễn, dự báo đến năm 2050 rác thải nhựa trong đại dương sẽ nhiều hơn cả cá.
HẠNH NGUYÊN (Theo AFP, Guardian)