28/02/2022 - 21:11

Mở cửa ngoại giao cho xung đột Nga - Ukraine? 

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

Ngày 28-2, phái đoàn Nga và Ukraine đồng ý gặp nhau “vô điều kiện” tại biên giới giữa Ukraine và Belarus. Ðây là kết quả của cuộc điện đàm trước đó giữa Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko.

Trẻ em Ukraine di tản tới biên giới Ba Lan. Ảnh: Getty Images

Dẫn các nguồn tin, Kênh ABC News cho biết phái đoàn Nga gồm các quan chức của bộ ngoại giao, quốc phòng cũng như phủ tổng thống. Trong khi đó, báo chí Ukraine đưa tin dẫn đầu phái đoàn nước này là Thứ trưởng Ngoại giao Mykola Tochytskyi. Cuộc gặp diễn ra sau hơn 4 ngày kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhắm vào Ukraine. Theo Văn phòng Tổng thống Ukraine, bản thân ông Zelensky không quá kỳ vọng đối với cuộc họp nói trên nhưng khẳng định ông cần tận dụng mọi cơ hội để đảm bảo hòa bình cho Ukraine.

Trước đó, Ðiện Kremlin phát tín hiệu muốn thảo luận với Ukraine về “quy chế trung lập”. Về phần mình, chính quyền Tổng thống Zelensky muốn đối thoại để chấm dứt tình trạng đổ máu ở Ukraine nhưng khẳng định không nhượng bộ. “Nếu cuộc đàm phán giúp chấm dứt giao tranh và thiết lập lại hòa bình, đây là điều đáng hoan nghênh. Nhưng chúng tôi cũng muốn nói rõ rằng, Ukraine sẽ không đầu hàng và không từ bỏ một tấc lãnh thổ nào” - Ngoại trưởng Dmytro Kuleba tuyên bố.

Đột phá ngoại giao hay “màn trình diễn” chính trị

Chủ tịch Ủy ban châu Âu vẫn muốn Ukraine là thành viên EU

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ngày 27-2 vẫn bày tỏ sự ủng hộ đối với việc Ukraine trở thành thành viên của khối. Trả lời phỏng vấn của Hãng tin Euronews, bà von der Leyen cho biết: “Ukraine thuộc về chúng tôi. Họ là một trong số chúng tôi và chúng tôi muốn Ukraine gia nhập khối”.

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi 27 quốc gia Liên minh châu Âu (EU) lần đầu tiên trong lịch sử quyết định cung cấp vũ khí cho Ukraine. Một nguồn tin cho biết EU sẽ gửi 450 triệu euro (507 triệu USD) vũ khí cho Ukraine.

Khả năng Ukraine gia nhập EU và NATO là một trong các nguyên nhân khiến Nga lo ngại về an ninh. Mát-xcơ-va và phương Tây đã tiến hành nhiều cuộc đàm phán về các lo ngại an ninh của Nga song chưa thể đi đến thỏa thuận.

Theo các nhà chuyên môn, còn quá sớm để xác định tín hiệu đối thoại giữa Nga - Ukraine là bước đột phá ngoại giao hay chỉ là màn trình diễn chính trị khi quân Nga tiếp tục tiến vào Ukraine. Nhưng tiến trình đàm phán ít nhất mở ra cơ hội để Mát-xcơ-va củng cố mục tiêu ban đầu thay vì “sa lầy” ở Ukraine, đó là buộc chính quyền Ukraine cam kết không gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO).

Hiện quân đội Nga theo báo cáo tiếp tục tiến vào nhiều thành phố lớn và hình ảnh vệ tinh ngày 27-2 cho thấy một đoàn xe thuộc lực lượng mặt đất Nga đang cách thủ đô Kiev khoảng 64km. Cùng ngày, Tổng thống Vladimir Putin ra lệnh cho bộ trưởng quốc phòng và tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang duy trì các lực lượng răn đe hạt nhân Nga ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu ở mức cao nhất.

Tuyên bố từ Ðiện Kremlin vấp phải chỉ trích từ Mỹ cùng các cường quốc phương Tây. Ðặc biệt, Hãng tin BBC cho biết động thái từ Nga còn khiến Ðức quyết định bổ sung 113 tỉ USD cho ngân sách quốc phòng và trở thành một trong những quốc gia đi đầu trong trang bị vũ khí cho Ukraine. Ðây được cho là một trong những thay đổi lớn nhất từng thấy trong chính sách đối ngoại thời hậu chiến của Ðức.

Châu Âu mở cửa biên giới đón người tị nạn Ukraine

Nhiều quốc gia tại châu Âu đã công bố kế hoạch đón người tị nạn từ Ukraine, trong số này có nhiều nước vốn duy trì lập trường cứng rắn với người nhập cư từ Syria và Afghanistan. Ðơn cử như Hungary, Thủ tướng Viktor Orban tuyên bố Budapest “đã chuẩn bị để chăm sóc” người dân chạy nạn từ Ukraine. Trước đây, chính ông Orban từng miêu tả người nhập cư đến châu Âu là “chất độc”.

Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc (LHQ), đến nay có hơn 360.000 người đã chạy trốn khỏi giao tranh ở Ukraine. Giới chức trách Ukraine dự báo hơn 4,5 triệu người nữa sẽ phải rời bỏ nhà cửa nếu xung đột lan rộng. Ngoài tìm kiếm an toàn ở các nước chung biên giới như Ba Lan, Romania, Hungary, Slovakia hoặc Moldova, người tị nạn Ukraine cũng đang cố gắng tìm đường đến họ hàng trên khắp châu Âu.

Trong diễn biến liên quan, hai cơ quan lớn của LHQ gồm Ðại Hội đồng và Hội đồng Bảo an trong ngày 28-2 tổ chức các cuộc họp riêng để thảo luận về chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine. Ðây cũng là phiên họp khẩn cấp đầu tiên của Ðại hội đồng trong nhiều thập kỷ.

Trong đánh giá tác động của tình hình Ukraine đến thị trường năng lượng, Chủ tịch Ngân hàng thế giới David Malpass ngày 27-2 cho rằng thế giới có đủ nhà cung cấp năng lượng để thay thế Nga trên thị trường khí đốt trong vòng 5 năm tới. Tuy nhiên, ông Malpass dự báo trong ngắn hạn, thị trường năng lượng toàn cầu sẽ phải đối mặt với áp lực gia tăng do tình hình ở Đông Âu.
Hiện tại, Mỹ và châu Âu đã áp đặt các hình phạt mới nghiêm ngặt lên kinh tế Nga nhưng vẫn đang tránh nhắm mục tiêu vào lĩnh vực năng lượng vốn có thể khiến giá dầu và khí đốt tăng cao hơn nữa sau nhiều tháng. Theo giới quan sát, tình hình này phản ánh sự phụ thuộc của toàn cầu vào nguồn cung năng lượng từ Nga và đây được coi là trở ngại lớn đối với Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng các đồng minh trong nỗ lực gây áp lực lên Mát-xcơ-va, thậm chí làm suy yếu sự thống nhất trong liên minh xuyên Đại Tây Dương về cách họ phản ứng trước cuộc giao tranh hiện nay ở Ukraine

 

Chia sẻ bài viết