23/12/2021 - 09:14

Mịt mờ tương lai ISS 

Từ ồn ào liên quan Ukraine đến vụ phá bỏ vệ tinh gây phản ứng dữ dội, những hành động của Nga đang khiến giới lãnh đạo Mỹ lo ngại. Bất chấp tầm quan trọng mà Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) nhận thấy trong việc hợp tác với Nga trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), tương lai phối hợp giữa hai nước đang “nguy kịch”.

Các nhà du hành Mỹ và Nga làm việc trên ISS. Ảnh: NASA

Các nhà du hành Mỹ và Nga làm việc trên ISS. Ảnh: NASA

Trong hơn 20 năm qua, ISS không chỉ là phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu khoa học mà còn là phương tiện ngoại giao, tiếp đón nhiều nhà du hành đến từ 19 quốc gia khác nhau. Lớn bằng một sân bóng đá và quay quanh quỹ đạo Trái đất với vận tốc 28.000km/h, ISS được coi như biểu tượng của hợp tác quốc tế giữa Nga và Mỹ.

Tuy nhiên, sự hợp tác này đang bị đe dọa khi căng thẳng giữa Mát-xcơ-va và Washington, hai đối tác chính của ISS, leo thang lên mức chưa từng thấy trong những năm gần đây. Thậm chí, Scott Pace, Giám đốc Viện chính sách Không gian tại Đại học George Washington, khẳng định nếu dự án ISS bắt đầu vào hôm nay, Nga sẽ không được tham gia.

Hiện nay, Nga và Mỹ bất đồng về nhiều vấn đề, bao gồm nghi án Mát-xcơ-va sắp xâm lược Ukraine; chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden trừng phạt các lãnh đạo Nga liên quan cáo buộc đầu độc thủ lĩnh đối lập Alexei Navalny, can thiệp bầu cử xứ cờ hoa. Các công ty Nga cũng bị cấm vận do ủng hộ tin tặc nước này. Tháng rồi, Nga đã bắn tên lửa để phá hủy một vệ tinh dự báo thời tiết cũ, tạo ra hơn 1.500 mảnh vỡ và đe dọa ISS. Các phi hành gia trên ISS đã phải sơ tán vào “vỏ cứu sinh”, trong trường hợp xấu nhất có thể tách ra khỏi trạm để quay về Trái đất. NASA và Phó Tổng thống Mỹ kiêm Chủ tịch Hội đồng Không gian quốc gia Kamala Harris đã chỉ trích vụ phóng thử của Nga là “hành động vô trách nhiệm”. Giám đốc NASA Bill Nelson còn nói vụ tấn công là hành động quân sự mà nhiều thành viên trong Cơ quan Vũ trụ Nga Roscosmos không hay biết.

Ở chiều ngược lại, giới chức Nga hồi tháng 8 cáo buộc Serena Auñón-Chancellor, nữ phi hành gia của NASA, đã khoan một lỗ trên ISS do bị khủng hoảng cá nhân. Các quan chức hàng đầu NASA sau đó lên tiếng bảo vệ “lính” của mình, đồng thời không tin những cáo buộc trên.

Căng thẳng còn bị châm ngòi bởi việc Mỹ không tiếp tục thuê Nga đưa các nhà du hành lên ISS. Sau khi NASA cho “về hưu” các tàu con thoi năm 2011, Roscosmos đã nâng giá ghế trên tàu vũ trụ lên tới 85 triệu USD/ghế. Việc Công ty SpaceX của Mỹ năm ngoái đưa thành công phi hành gia lên ISS, khiến NASA bỏ rơi Roscosmos, đã làm xấu thêm quan hệ song phương.

Những hục hặc như thế sẽ làm phức tạp kế hoạch kéo dài tuổi thọ ISS, trong bối cảnh cỗ máy đang bộc lộ những dấu hiệu của tuổi tác. NASA đang cần sự hợp tác từ Nga để duy trì hoạt động của ISS đến năm 2030. NASA kỳ vọng đến thời điểm đó sẽ có trạm vũ trụ thương mại thay thế ISS. Thay vì xây dựng một trạm vũ trụ do chính phủ vận hành và sở hữu, NASA muốn giúp các công ty thương mại phát triển trạm riêng để sau đó cơ quan này có thể sử dụng. Gần đây, NASA đã trao 3 hợp đồng trị giá tổng cộng 415 triệu USD cho các công ty Blue Origin, Nanoracks và Northrop Grumman để phát triển các trạm vũ trụ thương mại.

Blue Origin hiện đang bắt tay với Công ty Sierra Space phát triển trạm vũ trụ Orbital Reef có sức chứa 10 người. Orbital Reef được mô tả là một khu “dịch vụ hỗn hợp trong không gian” hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu và sản xuất trong môi trường phi trọng lực. So với Orbital Reef, ISS có thể tích lớn hơn một chút, 916m3. Trong khi đó, Nanoracks đang phối hợp với các đối tác Voyager Space và Lockheed Martin xây trạm Starlab với sức chứa 4 người có module sinh hoạt 340m3 và dự kiến phóng nó lên không gian vào năm 2027.

HẠNH NGUYÊN (Theo Washington Post)

Chia sẻ bài viết