Công ty hậu cần máy bay không người lái MissionGO và mạng lưới những người hiến tạng Nevada Donor Network gần đây đã thực hiện thành công chuyến bay không người lái dài nhất từ trước tới nay để vận chuyển nội tạng người. Các bác sĩ và kỹ sư Mỹ cho rằng đây là giải pháp khả thi nhằm ngăn tình trạng vận chuyển nội tạng cấy ghép chậm trễ gây lãng phí.
Các chuyên gia chuẩn bị cho chuyến bay. Ảnh: Daily Mail
Theo đó, MissionGO và Nevada Donor Network đã vận chuyển giác mạc từ một bệnh viện đến một bệnh viện khác cách nhau 3,2km, sau đó vận chuyển thận nghiên cứu từ một sân bay đến một thị trấn ở giữa sa mạc của tiểu bang Nevada cách xa tới 16km. Thận và giác mạc không được dùng cấy ghép mà chủ yếu để nghiên cứu, nhưng chúng hoàn toàn nguyên vẹn và đảm bảo chất lượng để cấy ghép cho người. Sự kiện này đã lập kỷ lục về vận chuyển nội tạng bằng máy bay không người lái - xa hơn 5 lần so với chuyến bay lịch sử hồi năm ngoái.
Các chuyên gia cho biết, để một ca ghép tạng thành công cần rất nhiều điều kiện, gồm người cho và người nhận phải cùng nhóm máu, thể trạng tương đương, thời điểm thích hợp… và quan trọng nhất là nội tạng đến được với người nhận kịp thời.
Trên thực tế, khoảng 1,5% lượng nội tạng không đến được nơi cần đến, đồng nghĩa có khoảng 1.710 trong số 114.000 người đang chờ ghép tạng tại Mỹ bị mất nội tạng. Năm ngoái, 2.700 quả thận bị vứt bỏ đơn giản vì hết hạn sử dụng. Theo các chuyên gia, nội tạng tồn tại không lâu bên ngoài cơ thể con người. Một quả thận có thể “sống” từ 36 đến 48 giờ, trong khi tim hoặc phổi chỉ có thể tồn tại từ 4 đến 6 giờ, do đó, vận chuyển chậm trễ 1 giờ có thể tạo ra sự khác biệt giữa một nội tạng dùng được và không dùng được.
Matthew Scassero, giám đốc chương trình hệ thống máy bay không người lái của Ðại học Maryland (UMD) tiết lộ đó là lý do ông và trưởng dự án, Tiến sĩ Joseph Scalea, muốn giải quyết sự chậm trễ này bằng cách sử dụng máy bay không người lái. Nói về chuyến vận chuyển nội tạng bằng máy bay không người lái thành công năm ngoái, Scassero cho biết hệ thống sử dụng hộp vận chuyển nội tạng tiêu chuẩn, trang bị thêm hệ thống giám sát do họ phát triển từ “ruột của điện thoại di động” để theo dõi từ xa, không chỉ vị trí mà còn “tình trạng sức khỏe” của nội tạng. Họ cũng đã thiết kế một máy bay không người lái hoàn toàn mới, tuân thủ các hướng dẫn của Cục Hàng không Liên bang, kết hợp nhiều yếu tố dự phòng - như một chiếc dù - để đảm bảo nội tạng vẫn sống được cho dù có chuyện gì xảy ra. Nó đã chuyên chở một quả thận bay khoảng 4,5km chỉ trong 10 phút, từ trung tâm phân phối nội tạng Living Legacy Foundation đến Trung tâm Y tế UMD.
Máy bay của MissionGO trên hành trình bay. Ảnh: USA Today
Ông Scassero cho biết: “Chúng tôi nhận thấy nó ít rung động và biến đổi nhiệt độ hơn so với khi chúng tôi đặt quả thận vào các phương tiện khác”, như xe cứu thương hoặc máy bay chở thuê. Sau khi máy bay hạ cánh trơn tru, quả thận được cấy ghép thành công cho một bệnh nhân 44 tuổi từng chạy thận 8 năm.
Tiếp nối thành tựu trên, chuyến bay kỷ lục vận chuyển nội tạng bằng máy bay không người lái do MissionGO và Nevada Donor Network thực hiện ngày 17-9 chứng minh chỉ 2-3 năm nữa, đây sẽ là phương tiện vận chuyển nội tạng phổ biến cho những khoảng cách ngắn.
Joe Ferreira, Giám đốc điều hành kiêm Chủ tịch Nevada Donor Network, cho biết thành công của cuộc thử nghiệm mới nhất đưa chúng ta tiến tới thời kỳ của vận chuyển nội tạng bằng máy bay không người lái. Phương tiện này sẽ trở thành “cầu nối” cần thiết và kịp thời cho người cần ghép tạng và người hiến tạng, nhất là ở những nơi không có sẵn phương tiện vận chuyển thích hợp.
HOÀNG ĐIỂU (Theo Daily Mail)