04/09/2024 - 16:16

Mất tiền tỉ vì tin “bỏ vốn ít, nhận lời nhiều” 

Tình hình lừa đảo trên không gian mạng thời gian qua diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Có những vụ việc, người dân mất tiền tỉ do tin những lời ngon ngọt qua mạng xã hội...

Anh L bị lừa 30 triệu đồng vì tin người lạ trên mạng giúp hỗ trợ làm thủ tục đi lao động ở Hàn Quốc.

Anh L ở TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau, có em gái lấy chồng Hàn Quốc. Anh từng được em gái hỗ trợ làm thủ tục bảo lãnh đi lao động thời vụ ở Hàn Quốc. Sau khi hết hạn, anh về nước và tiếp tục tìm cách làm hồ sơ để qua Hàn Quốc lao động. Do gia đình em gái không đảm bảo điều kiện bảo lãnh trực tiếp nên đã tìm người môi giới giúp làm thủ tục. Qua tìm kiếm trên mạng, em gái anh L liên hệ với một người tự xưng chuyên làm môi giới qua Hàn Quốc. Ðợt này, anh L và vợ cùng đi. Tuy nhiên, sau khi đặt cọc 30 triệu đồng thì gia đình không liên lạc được với tài khoản Facebook của người môi giới nữa.

Anh L kể: “Lúc đầu người này giới thiệu chi phí 30 triệu đồng/người, không nhận cọc. Sau này hỏi lại tôi có đi chưa, nói có đi rồi thì họ nói vậy phải cọc trước; còn đi lần đầu thì chừng nào ra visa mới lấy tiền. Mới trao đổi buổi sáng thì buổi chiều họ đã hối thúc tôi nộp tiền để có chi phí hoàn thiện hồ sơ sớm. Vậy là tôi chuyển tiền cọc 2 vợ chồng là 30 triệu đồng. Thấy người ta nhắn tin thuyết phục lắm, trong vài ngày là ra visa, mình cũng tin tưởng, không ngờ bị lừa”.

Ngoài vợ chồng anh L còn có 3 người khác quen biết với anh bị lừa đảo tương tự.

Thời gian qua, Công an tỉnh Cà Mau tiếp nhận nhiều vụ trình báo bị thiệt hại tiền tỉ trên không gian mạng, như vụ việc của chị T ở TP Cà Mau. Tháng 11-2023, chị T kết bạn với tài khoản facebook tên Trần Gia Khang. Sau đó, tài khoản này giới thiệu sàn giao dịch chứng khoán và rủ chị T tham gia “đầu tư ít nhưng sinh lời cao”. Sau 2 lần đầu tư, chị T được chuyển trả tiền lãi đúng hạn, đến lần thứ 3, khi chị đã đầu tư số tiền lớn hơn thì tài khoản Trần Gia Khang và hệ thống sàn giao dịch điện tử lấy nhiều lý do để chị T nộp thêm tiền mới nhận được lãi. Suốt quá trình tham gia, chị T chuyển đầu tư hơn 7 tỉ đồng, đến nay không những không nhận được lãi mà tiền vốn cũng không cách nào lấy lại. 

Bà C ở TP Cà Mau, cũng trình báo đến cơ quan chức năng về việc tin vào những “lời có cánh” của người lạ trên Facebook và chuyển hơn 1,2 tỉ đồng để đầu tư vào đầu tháng 6-2024.

Công an tỉnh Cà Mau sau đó xác định 2 người phụ nữ này đã bị lừa đảo.

Một hình thức lừa đảo khác đang diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh Cà Mau là việc giả danh cán bộ, nhân viên các cơ quan công quyền, yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân để hoàn thiện hồ sơ, hoặc xác minh một vấn đề nào đó. Chị K ở TP Cà Mau đang làm hồ sơ để nhận trợ cấp thất nghiệp và rút bảo hiểm xã hội. Chị không biết vì sao những đối tượng lạ có được thông tin đó, xưng là người của Trung tâm Dịch vụ việc làm, gọi cho chị nói thông tin bị thiếu và yêu cầu cung cấp, bổ sung đầy đủ mới nhận được tiền. Nghi ngờ lừa đảo, chị K đã liên hệ Trung tâm và biết đây là chiêu trò lừa đảo. Chị K chia sẻ: “Họ gọi nói là thông tin của tôi chưa khớp, cần cung cấp lại số căn cước với tài khoản ngân hàng, điều chỉnh lại cho đồng bộ, rồi mới lãnh được tiền bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội, nếu không sẽ bị mất tiền. Họ còn hối tôi làm sớm chứ để lâu quá là không làm được, mất tiền”.

Thời gian qua, không chỉ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Cà Mau mà các đơn vị khác như: Cục Quản lý thị trường, Sở Thông tin và Truyền thông, Bảo hiểm xã hội Cà Mau… cũng bị mạo danh với “chiêu trò” tương tự. Các đơn vị này đã phải phát đi thông báo để người dân cảnh giác. Bà Quách Thanh Thoảng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Cà Mau, cho biết: “Tôi khẳng định với người lao động, bà con trên địa bàn là thông tin như vừa nêu không phải từ Trung tâm Dịch vụ việc làm. Do đó người lao động cần thật sự thận trọng về việc cung cấp thông tin, đặc biệt không nên cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân nào như: căn cước công dân, số tài khoản ngân hàng cho người lạ gọi đến. Hiện nay, tình hình lừa đảo phức tạp, có nhiều “chiêu trò” nên bà con cần cẩn thận, xác minh kỹ nội dung cũng như những đối tượng gọi cho mình yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân”.

Từ đầu năm 2023 đến nay, Công an Cà Mau đã thụ lý 51 vụ trình báo bị lừa đảo trên không gian mạng, với số tiền bị thiệt hại gần 60 tỉ đồng. Công an tỉnh Cà Mau cảnh báo người dân cần cảnh giác khi nhận được cuộc gọi tự xưng là cán bộ cơ quan công quyền, liên hệ để cung cấp thông tin; cảnh giác khi tham gia làm việc từ xa, đầu tư chứng khoán, đa cấp, tiền ảo… Ðồng thời nâng cao cảnh giác khi giao tiếp với người lạ trên mạng xã hội, tuyệt đối không chia sẻ thông tin cá nhân; không tin vào lời quảng cáo hỗ trợ lấy lại tiền đã bị lừa đảo.

Bài, ảnh: HIẾU NGHĨA

Chia sẻ bài viết