15/03/2012 - 21:58

Marine Le Pen - "Ẩn số" của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp

Bà Le Pen hứa hẹn sẽ gây nhiều bất ngờ trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp. Ảnh: CNN

Ái nữ của cựu ứng viên tổng thống Jean-Marie Le Pen hôm 14-3 đã tuyên bố chính thức gia nhập cuộc đua vào Điện Élysée.

Bà Marine Le Pen - Chủ tịch đảng Mặt trận Dân tộc theo đường lối cực hữu ở Pháp - đã vượt qua chướng ngại đầu tiên là có được sự ủng hộ của 500 quan chức được bầu chọn để đủ điều kiện đứng ra tranh cử tổng thống. “Tôi đã thu thập đủ 500 chữ ký và do đó, tôi sẽ trở thành ứng viên cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2012”- bà Le Pen tuyên bố.

Theo hãng tin Anh Reuters, nếu bà Le Pen không nhận được sự ủng hộ cần thiết trước thời hạn ngày 16-3, cuộc đua vào chiếc ghế tổng thống Pháp sẽ gay cấn hơn khi các cử tri cực hữu chuyển sang bỏ phiếu cho đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy. Theo một vài cuộc thăm dò dư luận gần đây, bà Le Pen đang nhận được 16% số phiếu ủng hộ, đứng thứ 3 sau ứng viên của Đảng Xã hội Francois Hollande (29%) và Tổng thống Sarkozy (28%). Ứng viên có đường lối ôn hòa Francois Bayrou đứng thứ 4 với 12% số phiếu ủng hộ.

Là con gái út của nhà sáng lập đảng Mặt trận Dân tộc Jean-Marie Le Pen, bà Marine Le Pen tham gia đảng Mặt trận Dân tộc năm 1986 và trở thành chủ tịch của đảng này sau khi cha bà từ nhiệm vào tháng 1-2011. Ở góc độ nào đó, cựu luật sư 43 tuổi cũng chịu ảnh hưởng bởi những quan điểm chính trị của cha mình. Tuy nhiên, khác với thân phụ có lối nói chuyện hơi khoa trương và quyết liệt, bà Le Pen là người nổi tiếng biết cân nhắc các phát ngôn, đặc biệt với những vấn đề nhạy cảm như di dân, và luôn biết tạo hình ảnh thân thiện, gần gũi.

Nữ chính khách và những người ủng hộ bà lạc quan rằng những phẩm chất đặc biệt trên sẽ bảo đảm cho bà có thể tối thiểu là về nhì trong vòng 1 của cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 22-4 tới. Đồng thời, bà cũng tin rằng sự ủng hộ của cử tri dành cho mình sẽ tích cực hơn so với thân phụ Jean-Marie Le Pen, người từng 5 lần tranh cử tổng thống nhưng đều thất bại.

Với vai trò lãnh đạo đảng Mặt trận Dân tộc, bà Le Pen được một bộ phận người dân Pháp yêu thích do những quan điểm cứng rắn đối với vấn đề nhập cư. Bên cạnh đó, bà cũng chống đối xu hướng nhất thể hóa các nước châu Âu như cách các lãnh đạo châu lục này đang làm. Theo bà, sự nhất thể hóa và việc sử dụng đồng tiền chung euro “đã tạo ra một nền kinh tế châu Âu yếu kém chưa từng có và ảnh hưởng đến cả nền kinh tế thế giới”. Ngoài ra, nữ chính trị gia đã trải qua 2 cuộc hôn nhân và có 3 người con này cũng theo đuổi những chính sách bảo vệ nền công nghiệp trong nước, chống đối việc tư nhân hóa ngành bưu điện và mạnh tay loại trừ những phần tử cực đoan ra khỏi đảng.

Trước mắt, bà Le Pen đối diện với không ít người chống đối và lên án đường lối của bà. Họ cho rằng nước Pháp không thể chấp nhận một lãnh đạo “lợi dụng sự suy thoái kinh tế để đưa ra những chính sách bài ngoại”. Hiện tại, số phiếu ủng hộ của bà Le Pen tương đối thấp và được cho là “không đe dọa lắm” đến cuộc đua của 2 ứng viên Hollande và Sarkozy. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng bà Le Pen hứa hẹn sẽ tạo ra nhiều bất ngờ trong chặng đường sắp tới. Bởi lẽ, ngày xưa ông Jean-Marie Le Pen cũng từng khiến nước Pháp bất ngờ khi đánh bại đối thủ nặng ký Lionel Jospin ở vòng một của cuộc bầu cử tổng thống năm 2002, dù không thể vượt qua được cựu Tổng thống Jacques Chirac ở vòng đua cuối cùng. Khi ấy, Jean-Marie Le Pen kiếm đủ 500 chữ ký cũng cận ngày hết hạn theo luật định.

TRIẾT VĂN (Theo CNN, Reuters)

Chia sẻ bài viết