02/08/2009 - 19:56

Măng cụt Chợ Lách trúng mùa, được giá

Thu hoạch măng cụt ở Chợ Lách - Bến Tre. 

Các nhà vườn ở Chợ Lách (Bến Tre) cho biết, do thời tiết năm nay thuận lợi, năng suất măng cụt đạt gần 2 tấn/ha. Nhờ ứng dụng kỹ thuật cho trái nghịch mùa, măng cụt bán được giá cao như hiện nay, người trồng măng cụt ở đây không chỉ trúng mùa mà còn được giá…

Ông Lê Văn Dũ ở ấp An Thạnh (xã Long Thới) phấn khởi nói: Gia đình tôi trồng được 3.000m2 măng cụt, trong đó có 120 gốc từ 20 năm trở lên và 250 gốc hơn 10 năm, tất cả đều cho trái khá ổn định. Năm nay, tôi ước tính thu hoạch gần 5 tấn, giá bán đầu mùa được gần 60.000 đồng/kg, hiện tại còn 12.000 đồng/kg, thu về gần 90 triệu đồng.

Ở Long Thới có khoảng 4.000 hộ thì trong đó gần 2.000 hộ trồng măng cụt. Chị Dương Thị Hoàng Dung, ấp Tân An (Long Thới), không giấu được niềm vui trúng mùa măng cụt: Gia đình tôi được 1.000m2 đất trồng măng cụt, trong đó có 20 gốc trên 30 năm và 60 gốc trên 10 năm. Thu hoạch từ tháng 4 âm lịch đến giờ gần 2 tấn trái, đến cuối vụ chắc được 3 tấn nhờ thời tiết tốt, bón nhiều phân chuồng hoai và thường xuyên diệt trừ sâu hại trong lúc măng cụt mang trái.

Để trồng măng cụt đạt hiệu quả, theo ông Lê Văn Dũ, phải trồng ở vùng đất giàu chất hữu cơ, phù sa nhiều, đất thấp, độ ẩm cao. Ông Dũ nói: “Người xưa có câu: Trồng cây không đụng lá, nuôi cá không đụng đuôi. Áp dụng kinh nghiệm này, tôi trồng cây măng cụt cách nhau từ 7m đến 10m, để khi cây lớn lên tàn cây không chạm vào nhau. Bên cạnh đó, việc tỉa cành tạo tán là rất cần thiết, giúp cho cây thông thoáng, lá cây quang hợp tốt, hạn chế sự phát triển rong rêu trên thân cây. Cây còn nhỏ phải tỉa bỏ những cành dày đặt, cành đan chéo để sau này cây lớn lên có tàn cân đối. Khi cây cho trái sau mỗi vụ thu hoạch, tôi tỉa bỏ cành bị sâu, cành già không khả năng cho trái nên nhớ phải tỉa cành trước khi bón phân”.

Ông Lê Đình Mười ở xã Tân Thiềng, người có nhiều năm kinh nghiệm trồng măng cụt, cho biết: “Măng cụt thường có giá cao (gần 70.000 đồng/kg) vào đầu vụ do lúc này trước mùa mưa, trái măng cụt không bị sượng, bị mủ. Mưa xuống, giá măng cụt rẻ dần do bị sượng, xì mủ và do măng cụt Thái Lan tràn ngập thị trường. Cho nên năm tới tôi áp dụng xiết nước cho cây măng cụt, giống như xiết nước đối với cây sầu riêng để măng cụt ra hoa sớm hơn vào tháng 11 âm lịch. Nhiều năm nay, cứ thấy mưa xuống cây măng cụt bị thấm nước dưới gốc quá nhiều, có lẽ vì thế mà trái măng cụt dễ bị sượng, tôi áp dụng biện pháp đậy gốc để khắc phục trình trạng này”.

Ông Võ Quốc Bửu, Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách, cho biết: Hiện nay, toàn huyện có gần 1.300ha măng cụt, tập trung nhiều nhất ở các xã như Vĩnh Thành, Long Thới, Tân Thiềng, Vĩnh Hòa... trong đó cho trái ổn định hơn 530ha. Nhà vườn trồng măng cụt ở Chợ Lách đang từng bước sản xuất theo tiêu chuẩn GAP (thực hành nông nghiệp tốt), huyện đang được Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn tỉnh hỗ trợ kinh phí để xây dựng đê bao cho nông dân trồng măng cụt tại các xã Tân Thiềng, Long Thới, Vĩnh Thành. Đây cũng là chương trình nằm trong dự án của Sở phát triển 1.225ha măng cụt tại Chợ Lách. Do xác định măng cụt là cây ăn quả chủ lực của huyện, nên từ nay đến năm 2010, Chợ Lách phấn đấu đạt 2.150ha (trong đó Vĩnh Thành 416ha, Long Thới 370ha, Tân Thiềng 320ha, Vĩnh Hòa 225ha...).

Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam, nhấn mạnh: Măng cụt của Chợ Lách có chất lượng rất ngon và nên trồng chuyên canh. Hiện nay, măng cụt không đủ để phục vụ thị trường trong, ngoài nước do măng cụt chỉ thích hợp ở các nước thuộc vùng nhiệt đới gió mùa trong đó có Việt Nam. Nhưng ở Việt Nam, cây măng cụt chỉ thích hợp thổ nhưỡng ở các tỉnh miền Tây Nam bộ, nhất là ở Bến Tre.

Bài, ảnh: HOÀNG VŨ

Chia sẻ bài viết