02/01/2008 - 09:23

Luồng Định An có thể "tự nuôi mình" để phục vụ vận tải biển vào Sông Hậu?

Nhiều năm qua, việc thông luồng tàu biển ở cửa Định An để khai thông cảng biển Cần Thơ đã được nhiều cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Chính phủ, các Bộ, ngành, chính quyền các địa phương, nhiều nhà khoa học và người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) quan tâm. Đã có nhiều phương án, quy hoạch về việc nạo vét nhưng đến nay luồng Định An vẫn chưa thông. Trong khi đó, hiện tại, Dự án (DA) nạo vét, mở rộng và đào mới kênh Quan Chánh Bố để khai thông cảng biển Cần Thơ vẫn còn nhiều ý kiến tranh cãi về sự bền vững, tính khả thi, cũng như những hệ lụy có thể xảy ra nếu thực thi dự án này trước mắt và lâu dài.

Sau khi Báo Cần Thơ số ra ngày 7-12-2007 đăng bài “Về dự án mở thông luồng Định An vào cảng Cần Thơ – Đâu là giải pháp khả thi bền vững?”, Tòa soạn đã nhận được bài viết của Gs.Ts Nguyễn Ngọc Trân, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội khóa XI về vấn đề này. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc.

Trong quá trình trao đổi với Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) từ
hơn hai năm nay về tính bền vững và tác động lên môi trường của DA luồng tàu biển trọng tải trên 10.000 tấn vào sông Hậu theo kênh Quan Chánh Bố, tôi có nêu câu hỏi: “Giả sử đã có luồng tàu biển vào sông Hậu theo kênh Quan Chánh Bố (như DA nêu trên) thì việc nạo vét cửa Định An có tiếp tục làm hay không?”.

Bốc dỡ và chuyển hàng container lên tàu tại Cảng Cần Thơ. Ảnh: Đ.C.T 

Sở dĩ cần nêu lên vấn đề này là vì cho tới nay, việc nạo vét cửa Định An do ai tiến hành, ai giám sát việc thực hiện và bùn cát nạo vét đưa đi đâu, là những vấn đề vô cùng quan trọng nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Hơn thế nữa, giả dụ Chính phủ có cho tiến hành DA, chí ít cũng phải 6 đến 8 năm thì luồng qua kênh Quan Chánh Bố mới hoàn thành. Trong thời gian này, tàu vào sông Hậu để lấy hàng và đổ hàng tại 14 cảng biển dọc sông Hậu sẽ theo luồng nào, trọng tải tới mức nào? Xuất nhập khẩu hàng hóa bằng đường thủy vào ĐBSCL sẽ ra sao? Cho đến nay vẫn chưa có sự trả lời chính thức có sức thuyết phục từ Bộ GTVT và từ cơ quan được Bộ giao làm báo cáo nghiên cứu khả thi. Chỉ biết là DA kênh Quan Chánh Bố sẽ chính thức được khởi công vào đầu năm 2008, nghĩa là chỉ trong vài tuần tới đây với tổng kinh phí vào khoảng 200 triệu USD (khoảng 3.230 tỉ đồng).

Không thể ngồi yên chờ đến khi DA luồng kênh Quan Chánh Bố hoàn thành, trong khi đó hoạt động ngoại thương của cả ĐBSCL bằng đường biển qua sông Hậu vẫn còn nhiều khó khăn, một số bến cảng đang sống lay lắt. Hãy nhìn lại việc nạo vét luồng Định An cho đến nay ra sao để từ đó tìm ra một phương án giải quyết tình trạng này.

Báo cáo nghiên cứu khả thi DA luồng theo kênh Quan Chánh Bố cung cấp các số liệu nạo vét cho thấy: Từ khi quyết định mở luồng Định An, công tác nạo vét được tiến hành lần đầu tiên năm 1983. Sau đó, gián đoạn trong 8 năm đến năm 1991. Sau đó, lại gián đoạn trong 6 năm, đến năm 1997 mới bắt đầu trở lại nạo vét hàng năm cho đến năm 2007. Khối lượng nạo vét hàng năm không nhiều, tối đa là 582.000 m3 (năm 2001), tối thiểu là 154.000 m3 năm 2000, ngoại trừ lần nạo vét lần đầu năm 1983 là 145.200 m3 và lần nạo vét thứ hai năm 1991 là 700.000 m3. Lý do là khối lượng nạo vét của hai năm 1983 và 1991 là để đạt độ sâu luồng âm 4,5 mét, các năm khác chỉ nhằm đạt độ sâu từ âm 3,2 mét đến âm 4 mét trong khu vực cạn, dài khoảng 5 km, cách cửa sông Hậu khoảng 18 km, vừa đủ để tàu trên dưới 5.000 tấn có thể vào đến các cảng trên sông Hậu.

Kinh phí nạo vét nhiều nhất là 14 tỉ đồng năm 2004 và ít nhất là 2 tỉ đồng năm 2007. Rõ ràng kinh phí nạo vét không tương xứng với nhiệm vụ phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa của ĐBSCL bằng đường biển mà Nhà nước có ý định giao cho luồng Định An, nhất là khi chi phí điều động tàu nạo vét hút bụng mà Việt Nam có, từ Hải Phòng vào mỗi lần đã tốn từ 1 đến 2 tỉ đồng.

Một vấn đề quan trọng khác cần xem xét là bùn cát nạo vét rồi được chuyển tới đâu. Với kinh phí hạn hẹp, với phương tiện nạo vét hạn chế được huy động, theo thông tin tôi có được, lượng bùn cát nạo vét chưa được mang ra khỏi khu vực. Do đó, việc bồi lắng trở lại là không tránh khỏi.

Từ những nhận xét trên, có thể khẳng định rằng cách nạo vét luồng Định An trong thời gian qua là không căn cơ, dẫn đến tình trạng mà có ý kiến dựa vào đó cho là nạo vét luồng Định An chỉ là “dã tràng xe cát biển Đông”. Nói cách khác, cần thận trọng khi kết luận luồng Định An không thể sử dụng cho tàu biển trọng tải trên dưới 10.000 tấn vì bị bồi lắng không phương cứu chữa ở cửa sông.

Bị gián đoạn từ lần nạo vét trước (1983) mà luồng vẫn sử dụng được cho đến lần nạo vét sau (1991) có nghĩa là được nạo vét khu vực bị bồi lắng theo chuẩn tắc luồng (B: 100 mét; H: - 4,5 mét; M: 15) thì luồng Định An đã phục vụ được 8 năm. Khối lượng nạo vét khoảng 1,45 triệu m3. Tương tự, bị gián đoạn từ lần nạo vét trước (1991) mà luồng vẫn sử dụng được cho đến lần nạo vét sau (1997), có nghĩa là sau lần nạo vét khu vực bị bồi lắng theo chuẩn tắc (B: 80 mét; H: -4,5 mét; M: 15) thì luồng Định An cũng đã phục vụ được 6 năm. Khối lượng nạo vét chỉ có 700.000 m3.

Từ các nhận xét trên đây, người viết bài này có mấy câu hỏi xin được nêu lên với Chính phủ và Bộ chủ quản:

1- Nếu Bộ GTVT cho nạo vét luồng Định An đúng chuẩn tắc (B: 100 mét; H: -6,5 mét - như độ sâu của luồng qua kênh Quan Chánh Bố; M: 15) theo các kịch bản nạo vét hàng năm, 2 năm, 3 năm một lần, thì với cách làm như vậy luồng sẽ phục vụ ổn định trong bao nhiêu năm; kinh phí nạo vét là bao nhiêu trong từng kịch bản, hiểu rằng bùn cát nạo vét phải được đổ ra xa ngoài vùng bồi lắng ?

2- Trước dự báo gần như chắc chắn về mực nước biển dâng, vùng ven biển Trà Vinh, Sóc Trăng nhiều nơi sẽ bị ngập, bờ biển bị xâm thực, Bộ GTVT phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các tỉnh thấy có cách nào khác sử dụng lượng bùn cát nạo vét được có lợi hơn là đem đi đổ ra biển không?

3- Cũng trong suy nghĩ tích cực khai thác lượng bùn cát bồi lắng, một thứ “của cải trời cho” hàng năm, nếu có thể bán được lượng bùn cát nạo vét này lấy tiền sắm thêm tàu hút và trang trải chi phí đo đạc, tính toán, nạo vét để biến luồng Định An thành một luồng tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu ổn định, thì liệu Chính phủ có cho phép thực hiện phương án “Luồng Định An tự nuôi mình” này không?

Thiết nghĩ, việc thực hiện Dự án đào kênh Quan Chánh Bố cần phải được nghiên cứu, khảo nghiệm, cân nhắc kỹ càng, thận trọng cả về chi phí tốn kém, hiệu quả sử dụng, sự bền vững lâu dài, tính khả thi và những hệ lụy về môi trường, kinh tế - xã hội sau này. Suy cho cùng, mục đích đặt ra vẫn là mở luồng cho tàu biển trọng tải 10.000 đến 20.000 tấn thuận lợi ra vào được cảng Cần Thơ. Tôi rất muốn rộng đường dư luận để cân nhắc các biện pháp cải tiến, quản lý, giám sát, tổ chức lại cho hợp lý và làm thường xuyên việc nạo vét cửa Định An đúng chuẩn tắc luồng, vừa nhanh chóng khai luồng tàu biển cho cảng Cần Thơ, vừa tiết kiệm chi phí mà vẫn đạt mục đích, hiệu quả.

Rất mong nhận được hồi âm về một vấn đề mà tôi trăn trở không kém gì những cân nhắc về chi phí đầu tư, sự bền vững, tính khả thi và tác động lên môi trường của DA luồng qua kênh Quan Chánh Bố.

GS.TS NGUYỄN NGỌC TRÂN

Chia sẻ bài viết