|
Theo các chuyên gia, để vực dậy nền kinh tế, Việt Nam cần dồn sức cho tái cấu trúc nền kinh tế, nâng cao năng lực điều hành và quản lý vĩ mô. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất của Công ty Cổ phần May Tây Đô, quận Ninh Kiều,
TP Cần Thơ. Ảnh: MỸ THANH |
Ngày 24-7, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại TP Cần Thơ tổ chức Hội thảo “Kinh tế Việt Nam qua 6 tháng đầu năm, nhận định về những tháng còn lại trong năm 2012”. Các chuyên gia kinh tế hàng đầu của Việt Nam đã phân tích diễn biến tình hình kinh tế trong nước thời gian qua, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, tiếp tục thực hiện kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng trong những tháng còn lại của năm 2012.
Thực trạng
Theo phân tích của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, tình hình kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục trì trệ và còn trong giai đoạn nguy cấp. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chủ yếu dựa vào vốn đầu tư và vốn đầu tư hàng năm rất cao, nhưng đầu tư càng nhiều mà hiệu quả lại thấp, khiến tốc độ tăng trưởng giảm (đặc biệt là 10 năm gần đây), lạm phát tăng vọt. Việt Nam đang rơi vào vòng xoáy lạm phát cao, tăng trưởng giảm và nếu không thay đổi mô hình tăng trưởng thì sẽ không chữa được căn bệnh của nền kinh tế. Từ 2007 đến nay, tăng trưởng GDP của Việt Nam giảm, biên độ dao động của lạm phát càng lớn chứng tỏ tính bất ổn của nền kinh tế càng cao.
Theo Viện Kinh tế Việt Nam, thanh khoản có xu hướng tốt lên trong hệ thống ngân hàng nhưng vẫn gay go cho nền kinh tế. Nội lực của nền kinh tế suy giảm nghiêm trọng và ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp (DN). Tính đến tháng 6-2012, cả nước có 468.000 DN đang hoạt động/658.700 DN thành lập, 190.700 DN giải thể, dừng hoạt động chiếm tỷ lệ 28,9%. Mặc dù đầu ra sản phẩm của DN đang bắt đầu khởi sắc nhưng vẫn còn khó khăn; hàng tồn kho trong 6 tháng có xu hướng giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. Cụ thể, trong tháng 3 tỷ lệ hàng tồn kho chiếm 34,9% và giảm xuống 32,1% vào tháng 4, 29,4% vào tháng 5 và sang tháng 6 giảm còn 26%. Theo các chuyên gia kinh tế, đang có ách tắc lớn giữa thanh khoản ngân hàng và dòng tiền lưu thông trong nền kinh tế. Việc điều hành lãi suất đầu vào đã làm tốt nhưng DN vẫn khó tiếp cận vốn vay lãi suất thấp từ các ngân hàng.
Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài Chính quốc gia, cho rằng: Nợ xấu kéo dài ít nhiều làm rạn nứt mối quan hệ vốn có giữa người vay và người cho vay, mất lòng tin giữa DN và ngân hàng. Ngân hàng có vốn không dám cho vay và DN cần vốn cũng không dám vay.
Tìm giải pháp khả thi
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng: Từ nay đến cuối năm 2012, tình hình kinh tế được xác định sẽ còn khó khăn. Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng của năm 2012 đạt 8-10% so cuối năm 2011 và tỷ lệ tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2012 chỉ đạt 0,76% thì hạn ngạch tín dụng những tháng còn lại tăng trong khoản 7,4-9,4%. Như vậy, bình quân mỗi tháng, tín dụng phải tăng từ 1,23-1,56%. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện tại, mục tiêu này khó có khả năng đạt được. Để thúc đẩy tăng trưởng, việc tập trung giải ngân vốn đầu tư công được chọn lựa, tiến độ giải ngân đầu tư công 6 tháng đầu năm đạt 13.000 tỉ đồng/tháng thì dự kiến, 6 tháng cuối năm, nguồn vốn cần giải ngân là 130.000 tỉ đồng (trung bình mỗi tháng sẽ giải ngân 21.000 tỉ đồng). Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, bên cạnh việc thực hiện những mục tiêu đề ra trong ngắn hạn thì cần nhìn vào thực trạng của nền kinh tế để đưa ra những giải pháp dài hạn thay cho những chính sách ngắn hạn và nhất thời như hiện nay. Dồn sức cho tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng lực điều hành và quản lý vĩ mô. Đặc biệt là chú ý tháo gỡ các nút thắt phát triển lớn liên quan đến ngân sách nhà nước, lĩnh vực đất đai, tái cơ cấu DN nhà nước.
Theo Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, những mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô được đặt ra theo Nghị quyết 11 đã cơ bản được giải quyết, những bất ổn của nền kinh tế được xử lý khá thành công. Vấn đề còn lại là giải quyết mặt yếu kém từ phía các ngân hàng: trong xử lý tình trạng nợ xấu, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng... Theo Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, hiện nay mức lãi suất huy động ngắn hạn 9%/năm là phù hợp với mức lạm phát của nền kinh tế. Hiện nay, nguồn cung tiền vào nền kinh tế không thiếu nhưng vòng quay thấp, hiệu quả sử dụng vốn thấp. Vì vậy, việc xúc tiến thành lập các công ty mua bán nợ cần tiến hành để giải quyết nhanh chóng vấn đề nợ xấu, vực dậy nền kinh tế. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có giải pháp để thu hút đầu tư nước ngoài, huy động nguồn lực đầu tư tư nhân để góp phần vào tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt đề án tái cấu trúc hoạt động của DN nhà nước giai đoạn 2011- 2015. Theo đề án sẽ phân loại DN nhà nước thành 3 nhóm và lộ trình tái cấu trúc phải được trình Chính phủ duyệt trong quý III/2012. Nội dung đề án còn hướng đến chấm dứt tình trạng đầu tư ra ngoài ngành của DN nhà nước trước năm 2015. Nếu lộ trình này được thực hiện bài bản cùng với việc thực hiện tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thì tăng trưởng kinh tế vĩ mô sẽ vững chắc hơn.
MINH HUYỀN-MỸ THANH