01/03/2015 - 08:38

Lùi chiến thuật

Trung Quốc vừa đưa ra lời đề nghị “hợp tác ba bên” với Ấn Độ và Sri Lanka vì cái mà người đứng đầu ngành ngoại giao nước này nói là “sự ổn định của khu vực” trong bối cảnh chính phủ mới ở Sri Lanka chủ trương “tái cân bằng” mối quan hệ với Bắc Kinh.

Trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Sri Lanka Mangala Samaraweera đang ở thăm Bắc Kinh hôm 27-2, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói: “Trung Quốc rất cởi mở trong việc thiết lập mối quan hệ hợp tác ba bên giữa Trung Quốc với Ấn Độ và Sri Lanka”. Ông nhấn mạnh: “Tôi muốn nói cả Ấn Độ và Sri Lanka đều là đối tác hợp tác của Trung Quốc ở khu vực Nam Á”. Tuy nhiên, ông Samaraweera chưa đưa ra lời bình luận nào về lời đề nghị ấy.

Samaraweera là quan chức Sri Lanka đầu tiên thăm Bắc Kinh kể từ sau thất bại bất ngờ của ông Mahinda Rajapaksa, một chính trị gia thân Trung Quốc cầm quyền ở Sri Lanka gần một chục năm, trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng Giêng năm nay. Trung Quốc đổ tiền của đầu tư vào Sri Lanka dưới thời lãnh đạo của Rajapaksa và đặt rất nhiều kỳ vọng vào nhân vật vốn “lạnh nhạt” với nước láng giềng Ấn Độ và cả phương Tây này.

Bắc Kinh không khỏi lo ngại khi Rajapaksa “gãy gánh giữa đường” trong cuộc đua tìm kiếm nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp trước Maithripala Sirisena, người bất ngờ tách ra khỏi hàng ngũ để trở thành đối thủ của ông với đường lối tranh cử “rất chỏi” đường lối tranh cử của Rajapaksa, tức là không quá nghiêng về Trung Quốc mà cân bằng hơn trong quan hệ với nước lớn, kể cả Ấn Độ và phương Tây.

Ngoại trưởng Samaraweera đã nêu rõ chính phủ của ông xây dựng chính sách ngoại giao “không liên kết” với tất cả các nước vì lợi ích của nhân dân Sri Lanka. Đây được coi là chính sách ngoại giao khôn khéo và hợp lý của Sri Lanka dưới thời Maithripala Sirisena khi mà ảnh hưởng của Trung Quốc vẫn còn rất lớn ở quốc gia Nam Á vốn có vị trí đắc địa trên Ấn Độ Dương này.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tin rằng với sự hợp tác của Ấn Độ và Sri Lanka, ý tưởng xây dựng “Con đường Tơ lụa trên biển (MSR)” mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng đề xuất sẽ khả thi hơn, hòa vào mạng lưới các dự án “Đường Tơ lụa” khác với một hệ thống các tuyến đường và hải cảng nối liền châu Á, châu Âu và châu Phi. Trung Quốc đã thông báo khoản ngân sách lên tới 40 tỉ USD để xúc tiến các dự án đầy tham vọng đó.

Ấn Độ từng được mời tham gia tuyến đường nối Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ và Myanmar (gọi tắt là BCIM) và các dự án nằm trong chuỗi MSR. New Delhi đang đàm phán về BCIM, nhưng đến nay vẫn chưa trả lời đề nghị tham gia MSR. Ngoại trưởng Ấn Độ Shuma Swaraj đã khẳng định Ấn Độ sẽ không ủng hộ một cách vô tư các dự án “Đường Tơ lụa”, bởi Ấn Độ hiểu rõ những lời đề nghị kiểu như “hợp tác ba bên” từ Trung Quốc, đối thủ nhiều duyên nợ của họ, chỉ là “một bước lùi mang tính chiến thuật” nhằm bảo vệ lợi ích của Trung Quốc mà thôi.

NHẬT QUANG

Chia sẻ bài viết