17/03/2023 - 08:59

Lợi ích từ việc cải thiện quan hệ Nhật - Hàn MAI QUYÊN (Theo NYT, Bloomberg) 

 MAI QUYÊN (Theo NYT, Bloomberg)​

Nỗ lực của Hàn Quốc và Nhật Bản trong vài tuần gần đây để giải quyết những mâu thuẫn lịch sử cho thấy sự công nhận giữa 2 đồng minh của Mỹ ở Ðông Bắc Á, rằng an ninh của họ trong thế kỷ 21 có thể phải phụ thuộc vào nhau.

Thủ tướng Nhật  Kishida (phải) và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol. Ảnh: AP

Ngày 16-3, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol bắt đầu chuyến thăm Nhật Bản 2 ngày. Mục tiêu là thúc đẩy hợp tác song phương về các vấn đề khu vực cùng quan tâm, chẳng hạn như chuỗi cung ứng và mối đe dọa an ninh từ CHDCND Triều Tiên. Ðây là chuyến thăm Nhật đầu tiên của Tổng thống Yoon từ khi lên nắm quyền năm 2022 và là chuyến thăm Tokyo đầu tiên của một lãnh đạo Hàn Quốc, sau chuyến đi của cựu Tổng thống Lee Myung-bak năm 2011. Cựu Tổng thống Moon Jae-in từng thăm thành phố Osaka nước láng giềng hồi năm 2019, nhưng để tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) mà không phải chuyến thăm song phương.

Nói với tờ Nikkei, Tổng thống Yoon cho biết ông mong đợi sự hợp tác đáng kể giữa Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và Ðài Loan - những quốc gia và vùng lãnh thổ dẫn đầu ngành công nghiệp bán dẫn, góp phần đảm bảo chuỗi cung ứng toàn cầu. Riêng Nhật Bản, ông Yoon cho biết Seoul và Tokyo đang thảo luận đưa thương mại trở lại bình thường bằng cách dỡ bỏ kiểm soát xuất khẩu vật liệu công nghệ cao. Có nguồn tin còn cho biết các cuộc “thỏa thuận ngầm” đang diễn ra về khả năng hủy bỏ biện pháp kiểm soát vốn. Trong thời gian ở Tokyo, Tổng thống Yoon cũng tìm cách đảm bảo tăng cường hợp tác an ninh với Nhật trước thách thức từ chương trình tên lửa và hạt nhân gây tranh cãi của Triều Tiên. Với mục tiêu trên, lãnh đạo Nhà Xanh được dự đoán thúc đẩy khôi phục thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo quân sự song phương.

Nội dung quan trọng khác mà Tổng thống Hàn Quốc muốn thảo luận cùng Thủ tướng nước chủ nhà Fumio Kishida là kế hoạch bồi thường nạn nhân lao động cưỡng bức thời chiến. Mặc dù cả 2 nền dân chủ Ðông Bắc Á là đồng minh kiên định của Mỹ, quan hệ song phương từ lâu bị cản trở bởi bất đồng liên quan việc Nhật Bản chiếm đóng Bán đảo Triều Tiên từ năm 1910 đến 1945. So với những người tiền nhiệm, Tổng thống Yoon từ khi nhậm chức đã coi hàn gắn quan hệ rạn nứt này là nền tảng trong chính sách đối ngoại. Theo ông, Nhật Bản đã thay đổi từ “kẻ xâm lược” thành đối tác. Vì lợi ích an ninh, chính trị gia này từ bỏ yêu cầu Tokyo bồi thường cho một số nạn nhân của chế độ thuộc địa. Thay vào đó, khoản tiền đó sẽ trích từ một quỹ công do Seoul hậu thuẫn.

Tầm nhìn của Hàn Quốc

Phe đối lập ở Hàn coi kế hoạch bồi thường trên là “sự sỉ nhục lớn”, ngược lại, các nhà ngoại giao đánh giá đó là bước đi “khôn ngoan” với một người mới làm chính trị như Tổng  thống Yoon. Bởi đặt trong bối cảnh mối đe dọa hạt nhân ngày càng lớn từ Triều Tiên, Seoul ngoài lợi ích về kinh tế mà Nhật Bản đáp lại thì còn được hưởng lợi từ hợp tác quốc phòng và chia sẻ thông tin tình báo với Tokyo.

Việc Hàn Quốc chủ động “gác lại quá khứ” còn khiến Washington hài lòng khi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang nỗ lực gắn kết các đồng minh đối phó Trung Quốc, quốc gia đang đảo lộn các tính toán địa chính trị của Nhà Trắng không chỉ ở châu Á mà trên toàn cầu. Sự ủng hộ của Mỹ đồng thời báo hiệu một chương mới cho vị thế của Hàn Quốc trên thế giới. Ðiều đó phù hợp với chủ trương của Tổng thống Yoon, chấm dứt cái gọi là “tầm nhìn đường hầm” trong vấn đề Triều Tiên để hướng ra ngoài khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương.

Chiến thắng chiến lược cho Nhật Bản

Tuy khó đạt tiến bộ ngay tức thời, nhưng chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc tới Nhật Bản cho thấy 2 nước giờ đây đã sẵn sàng hợp tác khi đối mặt các mối đe dọa từ chương trình hạt nhân của Triều Tiên và tham vọng quân sự của Trung Quốc trong khu vực. Trước mắt, đây là chiến thắng ngoại giao và chiến lược cho Nhật Bản khi nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới chuẩn bị tổ chức hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) vào tháng 5 tới.

Theo các chuyên gia, quan hệ an ninh chặt chẽ với Hàn Quốc sẽ mang lại cho Tokyo vị thế vững chắc hơn khi các nhà lãnh đạo G7 tìm cách giải quyết thách thức ngày càng tăng và một tương lai không chắc chắn khi nói đến an ninh khu vực. Ðiều này cũng gửi thông điệp quan trọng đến Mỹ. Trong đó, chính quyền Thủ tướng Kishida muốn trấn an Washington, rằng họ vẫn có thể dựa vào Tokyo với tư cách đồng minh chủ chốt cũng như bên trung gian quyền lực ở một khu vực đầy biến động và có xu hướng ngày càng bất ổn.

Sáng 16-3, Hội đồng An ninh quốc gia Hàn Quốc (NSC) đã triệu tập cuộc họp khẩn sau vụ phóng tên lửa cùng ngày trước đó của Triều Tiên. Theo Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, Tổng thống Yoon Suk-yeol tham dự cuộc họp này trước khi ông tới Tokyo để dự hội nghị thượng đỉnh với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, với trọng tâm thảo luận là thúc đẩy hợp tác song phương và các chương trình phát triển vũ khí của Triều Tiên.

Trong khi đó, phát biểu với giới truyền thông, Thủ tướng Kishida khẳng định Nhật Bản sẽ hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các đồng minh để đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực.

Chia sẻ bài viết