26/09/2011 - 09:31

Lợi ích là trên hết !

Bảng quảng cáo của Trung Quốc Ngân Hàng tại Lusaka. 

Cuối tuần rồi, Michael Sata đã tuyên thệ nhậm chức tổng thống Zambia sau khi Ủy ban Bầu cử Quốc gia tuyên bố ông giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu ngày 20-9. Cụ thể, ông được 43% số phiếu ủng hộ, trong khi Tổng thống Rupiah Banda chỉ khoảng 36%.

Chuyện “lạ”là việc thay đổi lãnh đạo tại quốc gia châu Phi này lại thu hút sự quan tâm đặc biệt từ hai cường quốc ở cách đó rất xa là Trung Quốc và Mỹ.

Bắc Kinh tỏ ra dè dặt trong việc công nhận kết quả cuộc bầu cử. Điều đó cũng dễ hiểu bởi trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Sata không tiếc lời công kích chính sách thân Trung Quốc của Tổng thống Banda. Dưới thời ông này, các nhà đầu tư Trung Quốc được ưu ái và chỉ riêng trong ngành khai thác khoáng sản, họ đã đổ 2 tỉ USD vào quốc gia có trữ lượng đồng lớn nhất châu Phi (họ còn cam kết đầu tư thêm 5 tỉ USD nữa trong vài năm tới). Các doanh nghiệp Trung Quốc cũng chiếm thị phần đáng kể trong lĩnh vực bán lẻ và các ngành công nghiệp khác. Hiện Trung Quốc có 6 đặc khu kinh tế ở lục địa đen thì 2 trong số đó tọa lạc tại Zambia. Chưa hết, cách đây vài tháng, Thủ đô Lusaka đã trở thành thành phố đầu tiên ở châu Phi cho phép chi nhánh của Trung Quốc Ngân Hàng cung cấp dịch vụ gởi và rút tiền bằng nhân dân tệ- bước đi nhằm làm giảm sự phụ thuộc vào đô-la Mỹ trong giao dịch của các doanh nghiệp hai nước. Năm ngoái, kim ngạch thương mại song phương lên tới 2,8 tỉ USD, gần gấp đôi so với năm 2009 và Trung Quốc đã thay thế Mỹ trong vai trò đối tác mậu dịch hàng đầu của Zambia. Những bước tiến dài như vậy không khỏi khiến người ta đặt câu hỏi về vai trò của Trung Quốc trong cuộc bầu cử vừa qua. Trước những “lời ong tiếng ve”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi hồi đầu tuần rồi đã phải lên tiếng bác bỏ thông tin nói rằng Bắc Kinh tài trợ cho chiến dịch tái tranh cử của ông Banda.

Không như người tiền nhiệm, tân Tổng thống Sata chỉ trích điều kiện làm việc và lương bổng tại các công ty khai khoáng của Trung Quốc rất tệ. Ngoài ra, dân địa phương còn chịu tổn thất do không cạnh tranh nổi với các doanh nghiệp Trung Quốc, chẳng hạn như trong ngành chăn nuôi gà. Nói nôm na là ông Sata cho rằng Trung Quốc bóc lột và vơ vét tài nguyên của Zambia. Trong bài phát biểu nhậm chức, tuy khẳng định rất chú trọng đầu tư nước ngoài, nhưng ông cho biết sẽ tái áp dụng mức thuế 25% đối với các công ty khai khoáng, vốn bị bãi bỏ dưới thời ông Banda. Động thái này đương nhiên tác động không nhỏ tới các công ty Trung Quốc.

Trái với thái độ của Bắc Kinh, Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 23-9 đã chúc mừng ông Sata và ca ngợi cuộc bầu cử vừa qua là “mang tính lịch sử”. Thật ra, quan hệ Mỹ- Zambia dưới thời ông Banda được đánh giá là tốt (ông này từng làm đại sứ tại Mỹ hồi những năm 1967-1969). Nhưng Washington chắc không khỏi sốt ruột trước ảnh hưởng không ngừng tăng của Trung Quốc lên nền kinh tế và chính trị Zambia trong hơn 3 năm cầm quyền của ông Banda. Trong chuyến thăm Zambia hồi tháng 6 năm nay, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã yêu cầu các nước châu Phi dỡ bỏ những rào cản trong buôn bán với Mỹ, đồng thời bày tỏ “quan ngại” cách thức Trung Quốc viện trợ, buôn bán và đầu tư ở châu Phi, mà theo bà là không phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về tính minh bạch và quản trị tốt. Tuy nhiên, bà hẳn không khỏi thất vọng khi Tổng thống Banda lại hồ hỡi “khoe” rằng Zambia “may mắn” vì Trung Quốc tiếp tục mua đồng của nước này bất chấp cuộc khủng hoảng tài chính thế giới.

Hai phản ứng khác xa nhau của Trung Quốc và Mỹ đối với kết quả cuộc bầu cử ở Zambia do vậy cho thấy lợi ích chi phối như thế nào tới chính sách ngoại giao.

LÊ DÂN

Bảng quảng cáo của Trung Quốc Ngân Hàng tại Lusaka. 

Chia sẻ bài viết