18/10/2019 - 15:02

Lợi ích đặc biệt từ những thứ “bỏ đi” của thực phẩm 

Chúng ta thường vứt bỏ vỏ trứng, hạt dưa hấu hoặc vỏ trái cây họ cam quýt. Nhưng bạn có biết những thứ được coi là phế phẩm này không những cung cấp cho cơ thể các vitamin và khoáng chất quan trọng, mà còn giúp phòng tránh bệnh tật nếu được tái chế và sử dụng đúng cách.

Vỏ trứng. Vỏ trứng chứa hàm lượng cao canxi, cần thiết cho phát triển xương, răng và móng. Nghiên cứu năm 2013 của các chuyên gia Argentina cho thấy, nửa vỏ trứng lớn có thể cung cấp toàn bộ lượng canxi được khuyến nghị tiêu thụ mỗi ngày, khoảng 700mg, trong khi một ly sữa chỉ chứa khoảng 1/3 số này.

Lưu ý, vỏ trứng phải được vô trùng trước khi ăn nhằm ngăn ngừa nguy cơ nhiễm khuẩn salmonella gây ngộ độc thực phẩm. Cách làm là chần vỏ trứng trong nước sôi hoặc nung trong lò nướng, sau đó nghiền thành bột để dùng dần. Bạn có thể thêm bột vỏ trứng này vào bánh mì, pizza, mì spaghetti... để tăng cường canxi cho cơ thể.

Hạt và vỏ dưa hấu. Chỉ 2 muỗng canh hạt dưa chứa tới 10g đạm trong khi 1 quả trứng chỉ chứa khoảng 6g đạm, dưỡng chất cần thiết để phát triển cơ. Theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Hóa học Nông nghiệp và Thực phẩm, không giống như các loại đạm thực vật khác, hạt dưa hấu cung cấp hàng loạt axít amin, vitamin B tốt cho máu cũng như magiê giúp tăng cường kết nối tế bào thần kinh trong não và làm giảm nguy cơ chuột rút. Trong khi đó, vỏ dưa hấu chứa hàm lượng cao chất xơ và kali, rất quan trọng đối với chức năng của thận.

Bạn dễ dàng tìm mua hạt dưa được chế biến sẵn hoặc có thể tự rang để dùng sao cho hợp với khẩu vị của mình. Trong khi đó, vỏ dưa có thể làm dưa chua - món ăn chứa nhiều lợi khuẩn lactobacilli có lợi cho sức khỏe đường ruột.

Lá bông cải xanh, bông cải trắng và các loại củ. Phần lá bên ngoài của bông cải trắng, bông cải xanh và bắp cải tí hon rất giàu chất dinh dưỡng, nên thêm vào các món ăn để giúp cơ thể tăng cường vitamin và khoáng chất. Nhà thực vật học Susanne Masters tại Trung tâm Đa dạng sinh học của Hà Lan giải thích rằng lá thường tiếp xúc ánh nắng nhiều nhất, do đó chúng tạo ra nhiều hợp chất có lợi hơn so với các bộ phận khác ở bên trong.

Tương tự, lá của các loại củ cũng giàu dưỡng chất. Một muỗng củ dền chứa khoảng 130g axít folic, rất tốt cho sức khỏe thần kinh và thai nhi, nhưng phần lá vốn thường bị bỏ đi lại chứa lượng axít folic nhiều hơn. Lá cà rốt, lá cần tây và lá củ cải cũng chứa lượng axít folic tương đương.

Với các loại lá nói trên, bạn có thể làm món xào chứ không nên luộc hoặc nấu canh bởi hai cách chế biến này có thể làm giảm dưỡng chất của lá.

Vỏ trái cây họ cam quýt. Vỏ bưởi, cam, chanh, quýt có hàm lượng hợp chất flavonoid lành mạnh cao hơn so với các loại trái cây khác. Đây là dưỡng chất thực vật giúp tăng cường hệ miễn dịch cũng như giúp các tế bào cơ thể chống lại bệnh tật. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, mỗi muỗng vỏ cam chứa lượng vitamin C và chất xơ lần lượt cao gấp 3 và 4 lần so với phần ruột quả cam. Ngoài ra, vỏ cam quýt còn chứa nồng độ cao các hợp chất tăng cường hương vị và sức khỏe.

Ngoài làm mứt, vỏ trái cây họ cam quýt còn được sấy khô, xay thành bột để thêm vào các món ăn.

Lõi quả táo. Lõi táo chứa rất nhiều lợi khuẩn tốt cho sức khỏe tiêu hóa và miễn dịch. Nhiều người ngại ăn lõi táo, bởi chúng có chứa hợp chất hóa học amygdalin được cho có thể phân hủy thành chất độc xyanua trong cơ thể. Nhưng theo nhà thực vật học Masters, ăn lõi táo sẽ không gây hại cho cơ thể, bởi xyanua chỉ xuất hiện khi hạt táo bị nghiền hoặc nhai nát và ăn quá nhiều hạt cùng lúc. Bà Masters cho biết một người trưởng thành nhai nát khoảng 150 hạt táo/lần (tương đương 20 quả táo) mới có thể bị ngộ độc xyanua.

Hạt ớt. Nghiên cứu mới đây cho thấy ớt có tác dụng tích cực trong điều trị chứng đau nửa đầu, nhờ khả năng gây tê các dây thần kinh ở đầu và làm giảm nồng độ calcitonin gene-related peptide (CGRP), hóa chất trong não liên quan đến chứng đau đầu và các triệu chứng đau nửa đầu khác. Qua thử nghiệm, 12/18 bệnh nhân cho biết đã giảm đau nửa đầu trong vòng 1 phút sau khi sử dụng thuốc xịt mũi chứa chiết xuất từ hạt ớt.

TRÍ VĂN (Theo Daily Mail)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
thực phẩm