14/02/2020 - 14:03

Lợi-hại khi Philippines hủy hiệp ước quân sự với Mỹ 

Tổng thốnng Mỹ Donald Trump hôm 12-2 khẳng định ông “không bận tâm” nếu Philippines hủy hiệp ước quốc phòng với Washington, trong khi các chuyên gia quân sự cảnh báo đây là “hướng đi sai lầm” và tạo cơ hội để Trung Quốc giành lợi thế trong khu vực.

Binh sĩ Mỹ và Philippines trong một cuộc tập trận chung. Ảnh: AFP

Xác nhận trên Twitter, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin cho biết Manila đã chính thức khởi động thủ tục chấm dứt Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA) với Mỹ. Tiến trình sẽ có hiệu lực sau 180 ngày và đại sứ quán Mỹ tại Philippines cũng đã nhận thông báo.

Mỹ “tiết kiệm” được ngân sách

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã gửi thông báo chính thức đến Washington về việc hủy VFA. Hồi cuối tháng 1, ông Duterte từng cảnh báo bãi bỏ VFA sau khi Mỹ hủy thị thực của cựu cảnh sát trưởng, chỉ huy chiến dịch truy quét tội phạm ma túy ở Philippines Ronald dela Rosa. Trong suốt 3 năm làm tổng thống, ông Duterte liên tục cáo buộc Washington “đạo đức giả” và đối xử tệ với Philippines. Ông còn lên án Mỹ lợi dụng các hiệp ước quân sự để tiến hành hoạt động gián điệp và tàng trữ vũ khí hạt nhân, khiến Philippines trở thành mục tiêu xâm lược tiềm năng.

Lấy làm tiếc trước quyết định của Tổng thống Philippines, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết Washington vẫn đang tìm cách hiểu rõ hàm ý từ Manlia. Dù vậy, lãnh đạo Lầu Năm Góc cho đây là “động thái sai lầm” của đồng minh khi Mỹ đang nỗ lực tăng cường sự hiện diện, phối hợp với các đối tác khác trong khu vực nhằm buộc Trung Quốc tuân thủ chuẩn mực và trật tự quốc tế. Ngược lại, Tổng thống Trump tỏ ra “không bận tâm” khi được hỏi có thuyết phục lãnh đạo Philippines nhằm cứu vãn thỏa thuận hay không. Chẳng những vậy, chủ nhân Nhà Trắng cho biết việc Manila hủy bỏ VFA còn giúp Mỹ “tiết kiệm” ngân sách.

Tuy nhiên, giới chuyên môn cho rằng VFA đóng vai trò hết sức quan trọng trong liên minh hai nước. Mối quan hệ Mỹ và Philippines ràng buộc bởi Hiệp ước Phòng thủ chung (MDT) ký năm 1951 và Thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng (EDCA) đạt được năm 2014. Trong khi đó, VFA ký năm 1998 thiết lập quy chế pháp lý cho phép hàng ngàn binh sĩ Mỹ đồn trú luân phiên ở Philippines để tham gia khoảng 300 cuộc tập trận hàng năm cũng như hỗ trợ nhân đạo. 

Hiện tại, nhiều quan chức Philippines lo ngại chấm dứt VFA có thể buộc Mỹ sửa đổi, thậm chí hủy bỏ nhiều thỏa thuận quân sự song phương bao gồm hai hiệp ước quân sự lớn cùng nhiều hoạt động tập trận, huấn luyện chung. Còn các chuyên gia quốc phòng cảnh báo hủy bỏ VFA cũng sẽ gây tổn hại lợi ích của Washington tại châu Á-Thái Bình Dương khi hiện diện của quân Mỹ tại Nhật Bản và Hàn Quốc đang vấp phải phản đối giữa lúc mối lo ngại về tham vọng của Trung Quốc và chương trình hạt nhân, tên lửa của CHDCND Triều Tiên ngày càng gia tăng.

Philippines “xoay trục” sang Nga

Nói đến căng thẳng Mỹ-Philippines hiện nay, các chuyên gia quân sự đều chung nhận định Trung Quốc là bên được lợi nhất khi mối quan hệ này đổ vỡ. Giới quan sát cho rằng Manila cũng có thể “cậy” vào Nga để củng cố chính sách đối ngoại độc lập, đa dạng hóa quan hệ đối tác chiến lược với các đồng minh phi truyền thống.

Dẫn nguồn tin nhà ngoại giao Nga ở Philippines, tờ Bloomberg tiết lộ giới chức hai nước đang bàn thảo thỏa thuận hợp tác kỹ thuật quân sự chung. Theo nhà phân tích Chester Cabalza, đây có thể là chiến lược của Manila khi Mát-xcơ-va từng ủng hộ phán quyết của tòa trọng tài quốc tế chống lại yêu sách “đường lưỡi bò” của Bắc Kinh trên Biển Đông. Tuy nhiên, chuyên gia quốc phòng Jose Antonio Custodio tỏ ra hoài nghi khả năng Điện Kremlin sẽ chống lại Trung Quốc cũng như việc Philippines tăng cường hợp tác với Nga có thể bị Mỹ phản đối và từ đồng minh biến thành thù địch. 

MAI QUYÊN (Theo Reuters, USNI)

 

Chia sẻ bài viết