27/12/2019 - 19:27

Lo Tết 

Tết, hàng trăm thứ cần phụ nữ giải quyết. Từ việc mua sắm quần áo, vật dụng, chi tiêu; đến sắp xếp đi lại thăm hỏi, hiếu hỷ với hai bên nội ngoại; lại thêm lo sức khỏe các thành viên gia đình… Lúc này, họ cần sự chia sẻ, cảm thông từ người bạn đời và các thành viên trong gia đình.

Trăm việc không tên

Trước và sau Tết, rất nhiều thứ đến tay phụ nữ: dọn dẹp, trang trí nhà cửa, mua sắm, quà cáp, nấu nướng, cúng kiếng… khiến không ít chị em cảm thấy mệt mỏi, thậm chí là "ngán" Tết.

Việc nấu nướng, lo 3 bữa cơm ngày Tết "ngốn" mất nhiều thời gian của chị em. Chị Hồng Đẹp, ở quận Cái Răng, chia sẻ: "Mẹ là dâu út, ở nhà thờ nên hằng năm con cháu về ăn Tết rất đông. Việc nấu nướng món gì, bao nhiêu, quà cho sắp nhỏ đều được mẹ tôi tính toán từ trước. Tôi thấy thương bà nhưng không biết cách nào san sẻ. Mấy năm nay sức khỏe mẹ giảm, các con cháu rủ nhau mua đồ chế biến sẵn và tổ chức nấu ăn mấy ngày Tết gọn để mẹ đỡ vất vả. Riêng gia đình nhỏ của tôi thì chỉ mua đủ thức ăn cần thiết, không cần phải dự phòng nhiều thức như trước".

Các thành viên cùng dọn dẹp nhà đón Tết vừa là dịp gắn kết, vừa giảm vất vả cho người phụ nữ.  (Ảnh chỉ có tính chất minh họa, nguồn: internet)

Các thành viên cùng dọn dẹp nhà đón Tết vừa là dịp gắn kết, vừa giảm vất vả cho người phụ nữ.  (Ảnh chỉ có tính chất minh họa, nguồn: internet)

Chị Kim Vân (quê ở Tiền Giang) lập gia đình, sống cùng ba mẹ chồng tại Cần Thơ, kể: Do làm dâu nên việc quán xuyến nhà cửa, lo ba ngày Tết là việc đều đặn 10 năm nay. Mong ước được ăn Tết nhà ngoại trọn vẹn là điều xa xỉ đối với chị. Chị Kim Vân bộc bạch: "Gia đình chồng chỉ có mỗi chồng là con trai nên tôi hầu như đảm nhận hết mọi việc từ dọn dẹp, sắp xếp nhà cửa, đồ ăn mấy ngày Tết. Tuy vậy, ở nhà ngoại tôi là con gái út, được ba mẹ và anh chị thương yêu. Tết nào mấy anh chị về trước cũng giục gia đình tôi về. Tuy nhiên, sớm nhất cũng phải sáng mùng 3 tôi mới về tới Tiền Giang".

Ngày nay, điều kiện kinh tế khá hơn trước nên việc mua sắm quần áo hay vật dụng cần thiết đối với nhiều gia đình không là mối bận tâm lớn. Tuy nhiên, với nhiều gia đình nông thôn, phụ nữ luôn phải tính toán, cân nhắc và chắt chiu. Chị Cẩm Châu, quê ở An Giang, lập gia đình về Cần Thơ, nói: "Tôi gom góp tiền làm công để mua sắm quần áo Tết cho 2 đứa nhỏ. Ngoài ra, còn phải dự phòng tiền đi lại về quê tôi ở An Giang, mua quà cho ông bà ngoại. Tính toán cũng ngót hơn 3 triệu đồng, bằng tháng tiền gia công hàng của tôi". Tương tự, hoàn cảnh của chị Kim Lan cũng rất khó khăn, xa quê Hậu Giang lên Cần Thơ bán vé số và nước cam ép tại quận Ninh Kiều. Chị tâm sự: "Đến khoảng 27, 28 tháng Chạp tôi mới về quê, khi về cũng phải mua quà cho 2 bên nội ngoại. Tôi lên kế hoạch kỹ lưỡng từ trước bởi tiền bạc eo hẹp".

Để Tết trọn vui

Chị Mộng Tuyền, ở Ô Môn, chia sẻ: "Hằng năm, cứ khoảng 3 tuần nữa đến Tết thì cả nhà tôi sẽ cùng nhau làm vệ sinh nhà cửa, giặt giũ màn, rèm cửa. Có năm còn trang hoàng thêm hoa vải, "đèn chớp" cho sinh động. Đến ngày 28, 29 Tết, vợ chồng tôi rủ nhau đi mua hoa tươi như mai, hạnh, cúc chưng Tết nữa thì coi như trọn bộ. Nếu mình biết sắp xếp thì việc nhà cũng nhàn, chỉ cần các thành viên cùng san sẻ công việc với nhau".

Bên cạnh nỗi lo nhà cửa, cúng bái, thăm hỏi hiếu hỷ, phụ nữ còn mối lo liên quan sức khỏe các thành viên trong gia đình. Cô Kim Lợi (Cái Răng) lo con cháu vui chơi ngày Tết quá chén, đi lại xe cô đông đúc dễ xảy ra tai nạn. Cô kể, mình có 2 con, 1 trai, 1 gái; hiện cô sống cùng con trai út ở Cần Thơ, còn con gái lớn thì lập gia đình sinh sống ở thành phố Hồ Chí Minh. Năm nào cũng vậy, gia đình con gái từ thành phố về Cần Thơ ăn Tết cùng mẹ. "Hễ các con lên xe đi là tôi bắt đầu lo cho đến khi tụi nhỏ về tới nơi. Tết nhất xe cộ đông đúc, vừa kẹt xe, lại hay xảy ra tai nạn. Rồi tôi còn lo các cháu ăn uống bên ngoài không đảm bảo vệ sinh nên phải mua đồ về tự nấu ăn, mua thuốc men dự phòng nếu lỡ tụi nhỏ chột bụng, ấm đầu, sổ mũi". Còn con trai út của cô Lợi, hiện là tài xế, ngày thường rất hiền lành, chí thú làm ăn. Tuy nhiên, hễ được dịp nghỉ lễ Tết là nhậu "bất chấp". "Tôi căn dặn kỹ, anh em có muốn vui thì tổ chức ăn uống tại nhà, không kéo nhau đi quán. Nếu lỡ say, tôi yêu cầu con không chạy xe máy mà gọi taxi về. Chứ Tết mà ai cũng có tiệc này nọ phải uống chút rượu, mình cấm cũng không được, nhưng tôi dặn con phải biết chừng mực và đảm bảo an toàn, để gia đình đỡ lo" - cô Lợi chia sẻ.

Theo chia sẻ của các chị, các cô, để ngày Tết trọn vui, phụ nữ cần khéo léo trong việc "gắn kết" các thành viên trong gia đình. Từ việc tổ chức dọn dẹp, sắp đặt bữa cơm, đến thăm hỏi, chúc Tết hai bên nội ngoại. Có như vậy thì ngày Tết mới thực sự ý nghĩa - là dịp sum vầy và để mỗi khi Tết đến, các chị không còn ngán ngại, vì phải lo toan quá nhiều việc...

Tâm Khoa

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Lo Tết