12/02/2020 - 09:35

Linh hoạt huy động, phân bổ nguồn lực xây dựng nông thôn mới 

Trong bối cảnh nguồn vốn từ ngân sách hạn hẹp, những năm qua Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) của TP Cần Thơ vẫn đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Thành công này đến từ sự linh hoạt, uyển chuyển trong khâu huy động và phân bổ nguồn vốn thực hiện Chương trình. Hướng đi này được thành phố xác định tiếp tục duy trì và phát huy trong thời gian tới.

Đầu tư xây dựng cầu giao thông trên địa bàn huyện Cờ Đỏ.

►Chưa đáp ứng yêu cầu

Năm 2019, tổng nguồn vốn phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM trên địa bàn TP Cần Thơ trên 1.852 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước (địa phương) gần 645,89 tỉ đồng, vốn tín dụng trên 890 tỉ đồng, vốn doanh nghiệp hơn 237,6 tỉ đồng và nhân dân đóng góp gần 79 tỉ đồng. Ông Lê Văn Tính, Phó Chánh chuyên trách Văn phòng điều phối XDNTM Cần Thơ, cho biết: “Việc phân bổ, sử dụng các nguồn lực được thực hiện trên tất cả các nhóm tiêu chí trong XDNTM. Trong đó, tập trung chủ yếu cho hai nhóm tiêu chí xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội nông thôn và tổ chức, phát triển sản xuất. Sự đầu tư hợp tình, hợp lý đã góp phần tạo động lực phát triển và làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Đặc biệt, đến cuối năm 2019, trên địa bàn thành phố không ghi nhận trường hợp nợ đọng xây dựng cơ bản thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM”.

Quá trình triển khai thực hiện XDNTM tại các huyện của thành phố luôn nhận được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận cao của nhân dân. Tuy nhiên, do phát triển kinh tế tại các địa phương chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn nên sức đóng góp còn hạn chế. Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, chia sẻ: “XDNTM là Chương trình cần huy động sức mạnh của toàn hệ thống chính trị và xã hội tham gia, trên cơ sở huy động xã hội hóa nguồn lực đầu tư. Tuy nhiên, một số công trình phúc lợi, an sinh xã hội (đường giao thông, hệ thống thủy lợi, trạm y tế, nhà văn hóa, công trình nước sạch...) cần sự hỗ trợ từ Nhà nước. Thực tế, huyện cũng đã tập trung và ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn nhưng do nguồn ngân sách hạn chế nên không đáp ứng yêu cầu. Hiện nay, hầu hết các tuyến đường trên địa bàn các xã được đầu tư có bề rộng từ 2-3,5m giờ trở nên lạc hậu, không theo kịp sự nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội”.

Theo Văn phòng điều phối XDNTM Cần Thơ, việc huy động nguồn vốn để thực hiện các tiêu chí cần có nguồn vốn lớn và lồng ghép nhiều nguồn, liên quan đến nhiều đơn vị nên đã làm chậm tiến độ các công trình XDNTM theo kế hoạch được giao. Trong khi đó, nhiều địa phương phản ánh, việc huy động vốn từ doanh nghiệp và tín dụng không hề đơn giản do các chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn hiện nay chưa thật sự hấp dẫn. Một số cơ chế, chính sách thực hiện chương trình (huy động vốn, tổ chức bộ máy và quy định thực hiện một số tiêu chí...) chưa đồng bộ, chưa phù hợp với địa phương làm ảnh hưởng rất lớn đến công tác huy động vốn trong XDNTM. Mặt khác, một bộ phận người dân vẫn còn tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước nên nguồn lực trong dân chưa được phát huy tối đa…

►Đa dạng hóa nguồn lực

Theo Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia TP Cần Thơ, tổng nhu cầu vốn dự kiến phục vụ XDNTM giai đoạn 2019-2020 trên địa bàn thành phố ước trên 2.802 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách địa phương gần 1.559 tỉ đồng, vốn tín dụng 1.000 tỉ đồng, huy động doanh nghiệp khoảng 147 tỉ đồng và người dân đóng góp trên 96,6 tỉ đồng. Ông Lê Văn Tính, Phó Chánh chuyên trách Văn phòng điều phối XDNTM Cần Thơ, cho biết: “Từ năm 2016 đến nay, Cần Thơ không nằm trong danh mục địa phương được Trung ương hỗ trợ nên nguồn lực tài chính từ ngân sách địa phương là nguồn chủ đạo để thực hiện XDNTM. Trong khi đó, nguồn ngân sách địa phương còn hạn chế nên việc xây dựng hạ tầng nông thôn để đáp ứng các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới”.

Nhà vườn Phong Điền nhân giống dâu Hạ Châu.

Để tiếp tục thực hiện các mục tiêu XDNTM theo lộ trình đề ra, Ban Chỉ đạo thành phố chỉ đạo các sở ngành hữu quan và các địa phương tập trung thực hiện các giải pháp vận động, huy động nguồn lực ngoài xã hội, nhất là nguồn lực từ cộng đồng dân cư, từ các doanh nghiệp tại địa bàn, trực tiếp hưởng lợi từ các dự án, công trình được đầu tư. Việc huy động, cơ cấu nguồn lực ngân sách đầu tư XDNTM tập trung ưu tiên cho các công trình phục vụ trực tiếp sản xuất và đời sống dân sinh. Bên cạnh đó, các địa phương chú ý ưu tiên đầu tư, hỗ trợ các xã xây dựng hoàn thành xã nông thôn mới nâng cao, hướng tới xã nông thôn mới kiểu mẫu trong giai đoạn 2019-2020.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, khẳng định: Huyện tiếp tục phát huy nội lực trong việc nâng chất các tiêu chí; bám sát phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”.  Bên cạnh đó, linh hoạt lồng ghép các chương trình, dự án khác trên địa bàn để đa dạng hóa nguồn; ưu tiên phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân làm tiền đề đóng góp XDNTM.

Ông Đoàn Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, chia sẻ: “Quá trình XDNTM cần phát huy dân chủ rộng rãi, từ đó tạo được sự đồng thuận, nhất quán sẽ khuyến khích được người dân tham gia, đóng góp tích cực trong dân công cuộc XDNTM tại địa phương. Mặt khác, việc quản lý, sử dụng nguồn vốn cũng cần được công khai, minh bạch, hiệu quả, tránh lãng phí để tạo niềm tin trong nhân dân”.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết