 |
Tình trạng mua bán lấn chiếm vỉa hè còn khá phổ biến ở trung tâm TP Cần Thơ. (Ảnh chụp tại đường Đề Thám quận Ninh Kiều). Ảnh: LÊ DÂN |
Chỉ một góc vỉa hè, buổi sáng là nơi bán thức ăn còn buổi trưa được bán nước giải khát, cóc ổi, buổi chiều thì bán vài món nhậu bình dân
Đó là hình ảnh đã trở thành quen thuộc rất dễ bắt gặp ở nhiều ngã đường, con phố. Nhưng ai cũng biết vỉa hè là nơi dành cho người đi bộ, tạo ra vẻ mỹ quan cho một đô thị phát triển hiện đại. Vậy bao giờ mới trả lại đúng “tên”, đúng chức năng của nó? Thông tư hướng dẫn quản lý đường đô thị (Thông tư 04/2008/TT-BXD) mới ban hành ngày 20-2-2008 của Bộ Xây dựng, hy vọng sẽ thêm một “liều thuốc” để trật tự vỉa hè sẽ được chấn chỉnh
* TÍCH CỰC QUẢN LÝ, NHƯNG CHƯA CHẶT
Trong những năm gần đây, công tác quản lý trật tự, kỷ cương và thực hiện nếp sống văn minh đô thị ở TP Cần Thơ đang dần đi vào nề nếp. Trong đó, công tác lót gạch vỉa hè đã được triển khai ở khắp các quận, huyện trong thành phố. Chỉ tính riêng trên địa bàn quận Ninh Kiều đã có hơn 146.000m2 gạch vỉa hè được lót, khoảng 20.000m gờ bó vỉa được cải tạo, xây dựng mới góp phần làm phố phường thêm khang trang, sạch đẹp. Ông Bùi Hữu Nhơn, Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, chia sẻ: “Việc lót gạch vỉa hè được nhân dân ủng hộ, họ đóng góp rất tích cực để có thêm nhiều tuyến đường con phố khang trang. Trong quá trình xây dựng thành phố văn minh - hiện đại trong lĩnh vực đô thị, đây được coi là sự đồng thuận, tìm được tiếng nói chung giữa nhân dân và chính quyền địa phương...”.
Công tác lập lại trật tự, kỷ cương đô thị cũng được thực hiện thường xuyên, UBND TP Cần Thơ đã có quyết định số 36 “Qui định về sử dụng tạm thời một phần phía trong hè phố tại nội ô các quận, huyện thuộc địa bàn TP Cần Thơ”. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Thành, Phó Trưởng Phòng Quản lý đô thị quận Ninh Kiều, quận cũng đã có văn bản qui định về sử dụng một phần phía trong hè phố tại 30 tuyến đường trên địa bàn quận để quản lý. Phần lớn, phần vỉa hè dành cho người đi bộ được quản lý tương đối tốt, nhưng phần vỉa hè bên trong vẫn còn bị lấn chiếm. Tại các khu chợ, trung tâm thương mại chưa có qui định về việc cho phép sử dụng vỉa hè, nên nhiều nơi cứ vô tư lấn chiếm. Điển hình như tình trạng mua bán lấn chiếm vỉa hè vẫn tồn tại ở nhiều tuyến đường như: Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Đề Thám, Trần Văn Khéo... Ngoài việc vỉa hè bị lấn chiếm để mua bán, giữ xe... một số tuyến đường có vỉa hè quá nhỏ như đường Hoàng Văn Thụ, Xô Viết Nghệ Tĩnh không còn chỗ dành cho người đi bộ. Do nhiều tuyến đường được lót gạch vỉa hè khang trang nhưng người dân phải đi xuống lòng đường vừa gây nguy hiểm cho người đi bộ, vừa bất hợp lý trong quản lý đô thị... Đây cũng là thực tế đang diễn ra ở các trung tâm quận, huyện trên địa bàn thành phố hiện nay. Có quản lý, nhưng chưa chặt và chưa đủ tính răn đe người vi phạm.
Chị Nguyễn Thị Tư nhà tại khu đô thị mới Phú An, quận Cái Răng (Nam Cần Thơ), cho biết: “Ở khu đô thị này hầu hết đều có vỉa hè rộng từ 5m trở lên, trong đó có 2m thuộc sở hữu của chủ nhà muốn đậu xe, trưng kiểng thì tùy ý thích. Phần còn lại 3m khá rộng nên hiện nay ít người lấn chiếm, thấy thông thoáng lắm. Nhưng không biết khi mua bán đông đúc hơn người ta có lấn chiếm làm nơi kinh doanh không thì chưa biết...”. Tuy nhiên, hiện tại đã có không ít nhà ở khu đô thị mới xây hàng rào trên phần đất vỉa hè được sử dụng, điều này gây mất thẩm mỹ cho các khu đô thị mới. Bởi khi xây hàng rào sẽ thu hẹp lại vỉa hè, chuyện lấn chiếm vỉa hè để sinh hoạt, để xe, mua bán về lâu dài sẽ rất dễ dẫn đến nếu ngay thời điểm này không có cách quản lý và ngăn chặn kịp thời...
* ĐÃ CÓ QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Trước đây, các ngành trung ương và địa phương đã rất nhiều lần tìm những giải pháp quản lý lòng lề đường. Nhưng rồi đâu cũng vào đấy như chuyện “bắt cóc bỏ dĩa”, mỗi khi lực lượng quản lý trật tự đô thị đi khỏi người dân lại tiếp tục lấn chiếm. Lần này, Thông tư số 04/2008/TT-BXD hướng dẫn hoạt động xây dựng và khai thác sử dụng đường bộ đô thị với mục đích mang lại sự thống nhất, đồng bộ trong xây dựng; quản lý và khai thác hệ thống đường trong đô thị (từ đô thị loại 5 trở lên), nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, sử dụng đúng mục đích vỉa hè, đảm bảo mỹ quan đô thị.
* Sử dụng lòng đường đô thị làm nơi để xe phải đảm bảo các yêu cầu sau:
- Đối với đường hai chiều: lòng đường tối thiểu là 10,5m thì cho phép để xe một bên; tối thiểu là 14m thì cho phép để xe 2 bên.
- Đối với đường một chiều: lòng đường tối thiểu là 7,5m thì cho phép để xe bên phải phần xe chạy.
- Việc để xe không gây cản trở cho các phương tiện giao thông khác, không ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của tổ chức, hộ gia đình hai bên đường phố. Phù hợp với qui hoạch bến, bãi đỗ xe được phê duyệt.
* Sử dụng tạm thời hè phố trong việc cưới, tang.
- Hộ gia đình, cá nhân phải xin phép chính quyền địa phương nơi cư trú. Thời gian sử dụng tạm thời không quá 48 giờ và phải bố trí lối đi cho người đi bộ, chiều rộng tối thiểu của lối đi cho người đi bộ là 1,5m.
(Theo Thông tư 04/2008/TT-BXD) |
Theo quy định mới này, sẽ không được phép sử dụng đường đô thị để họp chợ, kinh doanh ăn uống, bày hàng hóa vật liệu. Không được trông giữ xe máy, ô tô và các phương tiện cơ giới khác trên hè phố, lòng đường hoặc để xe không đúng nơi qui định. Không được lắp đặt bục, bậc tam cấp vào nhà gây ảnh hưởng đến hoạt động của phương tiện giao thông, mất mỹ quan đô thị. Việc lắp đặt biển quảng cáo cũng phải được phép của ngành xây dựng, giao thông công chính mới cho lắp dựng đúng nơi, đúng chỗ... Tất cả những vi phạm trong qui định này sẽ được xử lý nghiêm khắc, triệt để theo qui định của pháp luật, không ngoại trừ trường hợp nào, giống như qui định bắt buộc đội nón bảo hiểm khi đi xe gắn máy.
Đặc biệt, Thông tư 04 còn qui định cụ thể việc đào đường đô thị phục vụ xây dựng, lắp đặt các công trình ngầm... Tất cả các công trình này phải có phép của cơ quan có thẩm quyền, phải xây dựng đúng qui hoạch, dự án thiết kế đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Quá trình xây dựng đường đô thị phải đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật khác như thông tin liên lạc, cấp nước, thoát nước, cấp ga, cấp điện theo qui hoạch chuyên ngành đã được duyệt, tránh tình trạng đào lên, lấp xuống nhiều lần trên cùng một đoạn đường. Trong quá trình xây dựng các công trình này phải đảm bảo an toàn và sự hoạt động bình thường của giao thông đô thị, vệ sinh môi trường... Phía người dân có trách nhiệm tham gia giữ gìn, giám sát các hoạt động này để kịp thời phản ánh các trường hợp sai phạm...
Tuy nhiên, “liều thuốc” mới này có đặc hiệu hay không còn phải chờ đợi sự quyết tâm của ngành chức năng quản lý đô thị và ý thức tích cực hưởng ứng của người dân thành phố.
AN KHÁNH TRUNG DÂN