14/07/2019 - 14:47

Liệu Mỹ có trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ? 

Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ ngày 12-7 thông báo đã nhận được lô thiết bị đầu tiên của hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga tại căn cứ không quân Murted, ngoại ô thủ đô Ankara, qua đó đưa Thổ Nhĩ Kỳ trở thành quốc gia đầu tiên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) mua sắm vũ khí chiến lược của Nga, bất chấp mọi sự cảnh báo của Mỹ.

 Tổng thống  Erdogan (trái) và Tổng thống Trump tại cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản. Ảnh: AP

Đài truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ quay cảnh 3 máy bay vận tải quân sự Nga chở lô thiết bị trên, trong khi giới truyền thông địa phương nói rằng phải cần 5 tháng để chuyển tất cả thiết bị hệ thống S-400  đến nước này. Riêng 128 quả tên lửa theo hợp đồng dự kiến sẽ được vận chuyển riêng bằng tàu biển. Cũng theo truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, cùng với lô thiết bị S-400 đầu tiên là sự hiện diện của các chuyên gia Nga hỗ trợ lắp ráp. 

► Tổng thống Trump vẫn úp mở

Tin tức về lô thiết bị S-400 đầu tiên của Nga tới Thổ Nhĩ Kỳ đã nhanh chóng nhận được sự phản ứng của dư luận Mỹ và NATO.  Một phát ngôn viên NATO bày tỏ: “Chúng tôi quan ngại về hậu quả tiềm tàng của việc Thổ Nhĩ Kỳ nhất quyết mua hệ thống S-400, một phần vì  nó không tương thích về mặt kỹ thuật với hệ thống phòng không của NATO”.  Lãnh đạo các ủy ban quân vụ và đối ngoại Thượng viện Mỹ ra tuyên bố chung nêu rõ: “Bằng việc chấp nhận lấy S-400, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã chọn đối tác nguy hiểm với Tổng thống Nga Vladimir Putin mà làm tổn hại an ninh, thịnh vượng kinh tế và hội nhập của Thổ Nhĩ Kỳ  trong liên minh NATO”. Tuyên bố thúc giục Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt cấm vận Ankara. 

Biện pháp trừng phạt khả dĩ nhất là Mỹ cấm Thổ Nhĩ Kỳ mua chiến đấu cơ tàng hình đa năng thế hệ mới F-35 theo thỏa thuận đã ký. Hồi đầu tháng 6, Lầu Năm Góc đã ngưng tiếp nhận đơn ứng cử tham gia huấn luyện bay F-35 của quân nhân Thổ Nhĩ Kỳ và yêu cầu tất cả nhân viên của nước này  liên quan đến chương trình F-35 tại Mỹ phải về nước vào ngày 31-7. Có thông tin cho biết Mỹ đã liệt 12 mục tiêu áp đặt trừng phạt nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ. 

Mỹ có nhiều lý do để quan ngại S-400 của Nga trên đất Thổ. Đây là hệ thống tên lửa phòng không tầm trung và xa, có hệ thống radar tiên tiến, dùng để tiêu diệt các phương tiện tấn công và do thám từ trên không cũng như mọi mục tiêu trên không khác trong điều kiện đối kháng hỏa lực và vô tuyến điện tử mạnh. Mỹ cho rằng S-400 có thể thu thập dữ liệu về khả năng của F-35, đồng thời việc các chuyên gia quân sự Nga tham gia lắp đặt hệ thống và huấn luyện thao tác sẽ do thám năng lực quân sự của NATO.  Bên cạnh đe dọa, Washington cũng cố thuyết phục Ankara từ bỏ hệ thống S-400 để mua hệ thống tên lửa đất đối không  Patriot của Mỹ. 

Bản thân Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều năm qua đã cố gắng mua được Patriot nhưng việc đàm phán với Mỹ chưa bao giờ mang lại kết quả. Tại cuộc gặp với Tổng thống Erdogan bên lề hồi hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản mới đây, Tổng thống Trump nói rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ không mua được Patriot là lỗi của cựu Tổng thống Barack Obama, chứ không phải của ông Erdogan. Vì vậy, ông Trump úp mở cho biết Nhà Trắng chưa có kế hoạch trừng phạt Ankara vì S-400, dù không loại trừ khả năng này. 

Trước đó, Tổng thống Erdogan cũng cảnh báo Mỹ đừng mạo hiểm leo thang căng thẳng vì vấn đề S-400 và khẳng định ông có lòng tin sẽ thuyết phục Tổng thống Trump thấu hiểu và tránh trừng phạt. Ông Erdogan cũng  cho biết đề xuất bán Patriot của Mỹ không đáp ứng yêu cầu về công nghệ so với S-400. 

Nếu Washington cấm vận kinh tế chống Ankara sẽ gây tác động mạnh đến nền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ vốn đang đối mặt với lạm phát hai con số và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Tuy nhiên, nếu Mỹ hành động mạnh tay có thể dẫn đến hậu quả  khó lường, khi Thổ Nhĩ Kỳ giữ vị thế địa chiến lược trọng yếu trong NATO và là nơi được cho là chứa vũ khí hạt nhân của Mỹ. 

   Biểu tượng quan hệ Nga-Thổ

S-400  được triển khai trên khắp lãnh thổ Nga, từ khu biệt lập Kaliningrad ở vùng Baltic đến thành phố Vladivostok thuộc vùng Viễn Đông. Đây là sản phẩm xuất khẩu thành công của Nga khi đã bán cho Trung Quốc và Ấn Độ. Saudi Arabia cũng đang đàm phán mua S-400. Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng S-400 là nhu cầu an ninh quốc gia mà Mỹ không có quyền can thiệp hay chỉ bảo.  Một cuộc thăm dò dư luận cho thấy có tới 44% người dân Thổ ủng hộ mua S-400, so với 24% người phản đối. 

Ruslan Pukhov, giám đốc trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ có trụ sở tại Mát-xcơ-va, nhận định thương vụ S-400 đã trở thành biểu tượng của ông Erdogan và Putin chống lại vị thế độc tôn của phương Tây. Nó phản ánh mối quan hệ hợp tác ngày càng tăng giữa Mát-xcơ-va và Ankara, bao gồm việc Nga hỗ trợ xây dựng nhà máy năng lượng nguyên tử đầu tiên ở Thổ Nhĩ Kỳ và đường ống khí đốt thiên nhiên từ Nga qua Thổ. Thương vụ này còn cho thế giới thấy rằng Nga là một đối tác đáng tin cậy, mở ra những hợp đồng quốc phòng “bom tấn” khác trong tương lai. Ông Erdogan đã nêu ra ý tưởng hợp tác với Nga phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa S-500 từ phiên bản S-400. Nga thì đề xuất Thổ Nhĩ Kỳ mua chiến đấu cơ thế hệ mới Su-57 nếu  Mỹ không  bán F-35. 

Phương Tây cho rằng thương vụ trên là “nhát dao” đâm vào trái tim NATO, rằng Nga sử dụng con bài S-400 để gây chia rẽ và làm suy yếu khối liên minh quân sự này. Tuy nhiên,  chính Thổ Nhĩ Kỳ đã bất mãn Mỹ vì chính sách hỗ trợ phiến người Kurd ở Syria và có mối quan hệ quá thân thiết với các vương triều A-rập. Mỹ và châu Âu cũng  tỏ ra hờ hững và thiếu hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ sau âm mưu đảo chính lật đổ nhà lãnh đạo Erdogan năm 2016. Washington  thậm chí đã trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ  vì bắt giữ một mục sư người Mỹ liên quan đến vụ đảo chính. Ngược lại, Nga hỗ trợ nhiệt tình Thổ Nhĩ Kỳ trong vụ việc. Cho nên không có ngạc nhiên khi Mát-xcơ-va và Ankara ký thỏa thuận cho vay để cung cấp các hệ thống tên lửa S-400 trị giá 2,5 tỉ USD hồi tháng 12-2017, dù trước đó binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một máy bay quân sự và sát hại cả phi công của Nga ở Syria năm 2015.

KIẾN HÒA

Chia sẻ bài viết