22/01/2020 - 11:56

Liên minh cầm quyền Na Uy sụp đổ vì…IS 

Biến động trên chính trường Na Uy xuất phát từ mâu thuẫn trong liên minh cầm quyền sau quyết định của chính phủ cho phép hồi hương nữ công dân bị nghi có liên kết với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Các “cô dâu IS” đang trở thành gánh nặng đối với châu Âu. Ảnh: EPA

Tuần trước, chính quyền Thủ tướng Erna Solberg cho biết một phụ nữ Na Uy cùng 2 đứa con sẽ được giúp đỡ để trở về nước từ Syria bởi một trong hai đứa trẻ đang trong tình trạng cần điều trị y tế. Người phụ nữ này đã rời Na Uy vào năm 2013.

Theo Ngoại trưởng Ine Eriksen Søreide, quyết định của Oslo được đưa ra vì lý do nhân đạo. Vấn đề là mâu thuẫn trong liên minh cầm quyền giữa việc các đứa bé về nhà với mẹ hoặc mạo hiểm để đứa trẻ 5 tuổi vốn cũng là công dân Na Uy chết vì bệnh. Trước đó, đảng dân túy Tiến bộ (FRP) trong liên minh cầm quyền đã thỏa hiệp với đề nghị hỗ trợ trẻ nhỏ, nhưng bác bỏ mọi sự trợ giúp dành cho người lớn tìm cách trở về nhà khi đã gia nhập những nhóm vũ trang hoặc kết hôn với các tay súng nước ngoài. Tuy nhiên, theo lời của Thủ tướng Solberg, Oslo đã chọn giải pháp đưa hai đứa trẻ trở về nhưng nói thêm rằng người mẹ sẽ bị bắt và truy tố ngay khi đến Na Uy.

Trong tuyên bố hôm 20-1, lãnh đạo FRP Siv Jensen xác nhận đảng này sẽ rời liên minh và bà cũng từ chức Bộ trưởng Tài chính trong nội các sau “quá nhiều nhượng bộ”. Sự ra đi của FRP đồng nghĩa liên minh cầm quyền Na Uy tan rã, đẩy chính phủ của Thủ tướng Solberg vào thế khó khăn khi đánh mất thế đa số mong manh tại quốc hội. Trong tuyên bố, Erna Solberg cho biết bà vẫn sẽ lãnh đạo chính phủ thiểu số cho đến tổng tuyển cử năm sau. Hiến pháp Na Uy không cho phép bầu cử sớm và cuộc bỏ phiếu bầu quốc hội tiếp theo sẽ diễn ra vào tháng 9-2021.

Theo CNN, việc hồi hương các “cô dâu IS”, tức những phụ nữ từng đến Trung Đông để gia nhập và kết hôn với các tay súng IS đang trở thành vấn đề gây tranh cãi về mặt pháp lý lẫn đạo đức ở châu Âu. Áp lực ngày càng đè nặng khi Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu các đồng minh châu Âu nhận lại công dân của mình từ các nhà tù do Mỹ kiểm soát ở Trung Đông. Hiện chỉ một số ít quốc gia miễn cưỡng chấp nhận và cho phép những người theo IS trở về là Nga, Indonesia, Lebanon và Sudan.

Tiết lộ về thủ lĩnh mới của IS

Trong khi đó, giới chức tình báo Anh tiết lộ thủ lĩnh mới của IS được xác định là Amir Mohammed Abdul Rahman al-Mawli al-Salbi.

Báo The Guardian ngày 20-1 dẫn nguồn tin 2 quan chức tình báo Anh giấu tên cho biết al-Salbi là một trong những phần tử sáng lập IS, chịu trách nhiệm giám sát các hoạt động của lực lượng này trên toàn thế giới và đứng sau các vụ bắt giữ người thiểu số Yazidi ở Iraq làm nô lệ. Đối tượng này được phong làm thủ lĩnh mới của IS chỉ vài giờ sau khi Abu Bakr al-Baghdadi nổ bom tự sát trong lúc bị lực lượng đặc nhiệm Mỹ truy đuổi  hồi tháng 10-2019. 

IS khi đó tuyên bố Abu Ibrahim al-Hashimi al-Quraishi sẽ "kế nhiệm" thủ lĩnh al-Baghdadi. Tuy nhiên, một số chuyên gia phân tích cho rằng đây là một kẻ vô danh và danh tính thật của thủ lĩnh IS vẫn là một ẩn số.

Theo báo trên, al-Salbi sinh ra trong một gia đình gốc Thổ Nhĩ Kỳ ở thị trấn Tal Afar của Iraq và là một trong số ít thủ lĩnh IS không phải là người Arab. Hồi năm 2004, đối tượng này từng bị lực lượng Mỹ bắt giữ ở miền Nam Iraq, nơi hắn gặp al-Baghdadi.

MAI QUYÊN (Theo Reuters)

 

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Na UyIS