05/07/2019 - 08:40

Liên minh cầm quyền Đức lung lay vì ghế Chủ tịch EC 

Thủ tướng Đức Angela Merkel đang phải đối mặt với làn sóng chỉ trích tại quê nhà sau khi đề cử Bộ trưởng Quốc phòng Ursula von der Leyen (ảnh) giữ chức Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) - động thái được cho sẽ khiến liên minh cầm quyền chia rẽ và làm dấy lên những nghi ngại về tương lai của bà vào thời kỳ hoàng hôn sự nghiệp.

Việc đề cử bà Leyen làm người Đức đầu tiên lãnh đạo EC dường như là một chiến thắng cho Berlin nhưng đó lại là lựa chọn gây tranh cãi dữ dội tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đối tác liên minh,  nổi đóa khi bà Merkel từ bỏ nguyên tắc người đứng đầu EC nên là một trong những ứng viên hàng đầu từ cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP).

Theo tờ Telegraph, SPD tuyên bố phản đối việc bà Leyen nắm giữ chức Chủ tịch EC, cho rằng điều này là “sự nhạo báng đối với nỗ lực dân chủ hóa Liên minh châu Âu (EU)”. Sigmar Gabriel, cựu thủ lĩnh SDP, xem động thái trên là “hành động lừa đảo chính trị chưa từng có”, đồng thời kêu gọi SPD rút khỏi “đại liên minh” cầm quyền của bà Merkel. Martin Schulz, một cựu thủ lĩnh khác của SPD và từng là Chủ tịch EP, thậm chí xem bà Leyen là “Bộ trưởng tồi tệ nhất ở Đức”, bởi dưới sự lãnh đạo của bà, nền quốc phòng Đức phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt kinh phí nghiêm trọng đến nỗi binh sĩ nước này có lúc buộc phải sử dụng chổi thay cho súng trong một cuộc tập trận của Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO).

Ngay cả thủ lĩnh Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) Markus Soeder, đảng đồng minh thân thiết của Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của bà Merkel, cũng cho rằng hành động trên của Thủ tướng là không công bằng. Theo ông Soeder, nhà lãnh đạo đảng Nhân dân châu Âu (EPP) Manfred Weber, dẫn đầu trong cuộc bầu cử EP, mới là người đủ tư cách thay thế ông Jean-Claude Juncker. Ba nhà lãnh đạo lâm thời CSU trong một tuyên bố chung tối hôm 2-7 cũng bác đề cử bà Leyen làm lãnh đạo EC, bởi theo họ việc làm này vi phạm tinh thần thỏa thuận liên minh với CDU hồi năm 2018.

Ngay cả trong nội bộ CDU cũng xuất hiện những lời chỉ trích xung quanh đề cử của Thủ tướng Merkel. Cánh bảo thủ trong một tuyên bố nhấn mạnh, việc một “bộ trưởng thất bại” được đề cử giữ chức Chủ tịch EC là “dấu hiệu cho thấy một thất bại khác trong chính sách đối ngoại của bà Thủ tướng”.

Tuy nhiên, Thủ tướng Merkel tỏ ra lạc quan trước quyết định của mình. Bà Merkel cho biết, Bộ trưởng Leyen nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các nhà lãnh đạo EU. Họ đánh giá cao vai trò của bà trong nhiệm vụ của NATO tại Biển Aegean nhằm giúp giảm thiểu cuộc khủng hoảng tị nạn ở châu Âu, cũng như trong việc NATO triển khai tiểu đoàn đa quốc gia tới Litva như là một phần của sự hiện diện của NATO tại nước này. Các cam kết mạnh mẽ của bà đối với châu Âu cũng được giới lãnh đạo EU ca ngợi. 

Vấn đề là sự phản đối quyết liệt trên báo hiệu một tương lai không tốt đối với “đại liên minh” yếu ớt của bà Merkel. Chính phủ của bà có thể vấp phải sự chống đối bên trong về những vấn đề khác như thuế, chính sách hưu trí hay xuất khẩu vũ khí. Một khả năng xảy ra là bà Merkel buộc phải giải tán quốc hội và tổ chức bầu cử trước thời hạn, trong khi bà từng tuyên bố sẽ không tái ứng cử vào năm 2021 sau 4 nhiệm kỳ thủ tướng từ năm 2005.

TRÍ VĂN (Theo Telegraph, AFP, FT)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Chủ tịch EC