29/02/2008 - 09:37

Liechtenstein - “Thiên đường trốn thuế” của giới nhà giàu

Một góc Thủ đô Vaduz của Liechtenstein. Ảnh: Virtualtourist.com

10 ngày sau khi Đức thông báo bắt đầu tiến hành điều tra vụ hàng trăm công dân nước này trốn thuế thông qua ngân hàng LGT tại Liechtenstein, hơn chục nước khác như Mỹ, Anh, Pháp, Italia, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Canada, Australia, New Zealand ngày 26-2 cũng tuyên bố đang nghiên cứu những tài khoản và tiền gởi có liên quan ở Công quốc Liechtenstein, một trong 3 “thiên đường trốn thuế” trên thế giới (cùng với Andorra và Monaco) còn nằm trong “sổ bìa đen” của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) năm 2007. Bước đầu, cơ quan thuế vụ của Đức đã thu hồi được 27,8 triệu USD tiền thuế của hơn 160 người thừa nhận hành vi phạm pháp. Bên cạnh đó, 27 người khác cũng ra tự thú để được khoan hồng.

Liechtenstein là một quốc gia nhỏ ở Tây Âu với diện tích 160 cây số vuông, nằm giữa Thụy Sĩ và Áo, có dân số chỉ 35.000 người (năm 2006). Công quốc này rất yên bình. Thủ đô Vaduz thậm chí không có đường ray xe lửa và cả nước chẳng có một sân bay nào. Người đứng đầu Công quốc, Thái tử Alois, nếu muốn ra nước ngoài bằng máy bay phải lái xe hơi đến sân bay ở nước láng giềng Áo. Tuy nhiên, Liechtenstein lại nổi tiếng thịnh vượng và giàu có bậc nhất thế giới. Đây là một trung tâm tài chính toàn cầu với gần 74.000 doanh nghiệp đến từ khắp nơi trên thế giới đăng ký hoạt động. Ngân hàng và các dịch vụ tài chính “bí mật” chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế của Liechtenstein. Lĩnh vực này giải quyết việc làm cho 14,3% lực lượng lao động và đóng góp 30% vào GDP trị giá 2,7 tỉ euro. Hoàng gia sở hữu ngân hàng lớn nhất nước. Công quốc này có cả thảy 15 ngân hàng và hơn 300 người được ủy thác (thường là luật sư) điều hành hàng ngàn quỹ đầu tư. Các khách hàng ngoại quốc thích đổ tiền vào các quỹ đầu tư ở đây vì họ dễ dàng trốn thuế và có thể giữ bí mật danh tính của mình. Mức thuế tối đa ở Liechtenstein chỉ là 18%.

Chính vì hệ thống tài chính lỏng lẻo này mà hồi năm 2000, Liechtenstein bị các tổ chức quốc tế cáo buộc là tạo điều kiện để các băng nhóm mafia Nga, Italia và Colombia rửa tiền. Trước sức ép của quốc tế, Liechtenstein phải tiến hành cải cách luật, buộc các khách hàng mở tài khoản không được phép ẩn danh. Tuy nhiên, có lẽ do chiều theo ý “thượng đế” nên Liechtenstein vẫn bị OECD nhận xét là “bất hợp tác” trong khai báo tài chính quốc tế.

Lòng tin của khách hàng đối với hệ thống ngân hàng ở Liechtenstein bị sút giảm nghiêm trọng từ vụ xì-căng-đan do Hienz Kieber, cựu nhân viên LGT, gây ra. Sau khi rời bỏ Liechtenstein vào năm 2002 và mang theo nhiều bản sao dữ liệu tài khoản bí mật các khách hàng của LGT, Kieber đã cung cấp thông tin quan trọng này cho cơ quan thuế của Mỹ và Anh để lấy tiền thưởng hàng trăm triệu USD. Nhờ tài liệu này mà Mỹ tìm ra dấu vết của 50 người trốn thuế tại Liechtenstein. Đức có lẽ nhờ được chia sẻ thông tin trên nên đang bắt đầu tiến hành cuộc điều tra vụ trốn thuế lớn nhất trong lịch sử nước này.

• PHÚC NGUYÊN

(Theo AFP, Independent, BBC)

Chia sẻ bài viết