24/08/2011 - 08:52

Libye trong cảnh rối ren

Con trai ông Gadhafi, Saif al-Islam (phía trên) xuất hiện trước những người ủng hộ ở Tripoli. Ảnh: AP

Lực lượng chống đối tại Libye đã kiểm soát phần lớn Thủ đô Tripoli, nhưng giới quan sát cho rằng tương lai của nước này chưa thể ổn định, khi giao tranh bắt đầu nhen nhóm. Trong lúc này, các nước phương Tây lại toan tính chia chác nguồn dầu của Libye.

Các con trai Gadhafi không bị bắt

Sự vui mừng của lực lượng chống đối tại Libye đang chuyển sang băn khoăn lo lắng, sau khi có nhiều thông tin về các vụ đấu súng ở Tripoli suốt ngày 22-8. Các tay súng trung thành với nhà lãnh đạo Muammar Gadhafi đã chiếm giữ các vị trí trọng yếu ở một số khu vực cận thủ đô. Theo Nhật báo Phố Wall ngày 23-8, trong vòng 90 phút nỗ lực dọn dẹp một viện cảnh sát cũ làm căn cứ quân sự, lực lượng chống đối đã hứng chịu cuộc tấn công từ các tay súng bắn tỉa trung thành với Gadhafi. Theo giới quan sát, lực lượng của Gadhafi có thể đang vận dụng chiến thuật “bắn tỉa, đánh lẻ” nhằm gây tổn thương lực lượng nổi dậy. Quảng trường Xanh tại trung tâm Tripoli, nơi lực lượng chống đối tiến vào mà không vấp phải sự kháng cự quyết liệt nào ngày hôm trước, thực tế là “vùng đất không có người”.

Sau khi lực lượng nổi dậy tự tuyên bố nắm quyền điều hành đất nước và thông báo bắt giữ một số thành viên trong gia đình của ông Gadhafi, trong đó có Saif al-Islam, người được coi là có thể thay thế ông Gadhafi. Tuy nhiên, đến sáng 23-8, Saif đã bất ngờ xuất hiện tại khách sạn Rixos ở Tripoli, theo hãng tin Mỹ AP. Sau đó, Saif còn mời một số phóng viên nước ngoài đang trú ở khách sạn này lên xe đi một vòng thành phố, cùng với đoàn hộ tống. Saif nói với hãng tin Mỹ Fox News rằng lực lượng nổi dậy đã bị “sập bẫy” và các lực lượng thân ông Gadhafi sẽ tiêu diệt họ. Saif cũng cho biết ông Gadhafi vẫn ở Tripoli và ông đang giúp phối hợp bảo vệ thành phố.

Người con cả của ông Gadhafi là Mohammed, cũng có thể đã thoát khỏi sự giam giữ của lực lượng nổi dậy. Trong khi đó, thông tin về người con thứ ba Saadi bị bắt cũng không được xác nhận, còn một người con khác của Gadhafi tên là Mutassim có thể đã trốn thoát một ngày sau khi quân nổi dậy tràn vào thủ đô.

Các cuộc đọ súng đã nổ ra xung quanh khu vực Bab al-Azzizziya, nơi có dinh thự của ông Gadhafi, khi xe tăng của quân chính phủ Tripoli xuất hiện tấn công các tay súng chống đối đang nỗ lực tiến vào khu vực này.

Mustafa Abdul Jalil, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp (NTC) của phe nổi dậy, cho rằng: “Thắng lợi chỉ khi nào bắt được Gadhafi”. Những diễn biến trên cho thấy việc kết thúc chế độ của ông Gadhafi có thể dẫn tới cuộc chiến đẫm máu.

Libye có thể bị chiếm đóng?

Mặc dù tuyên bố nhiều tháng qua rằng sẽ không “đặt chân vào Libye”, nhưng Mỹ có thể đã chuẩn bị kế hoạch cho việc này. Các nước khác đang nói về “vai trò thế giới” nhằm hỗ trợ lực lượng chống đối ở Libye thành lập chính phủ, mặc dù người phát ngôn Lầu Năm Góc Dave Lapan nói với hãng tin Anh Reuters rằng: “Nếu có thực hiện nhiệm vụ chuyển giao liên quan tới quân đội nước ngoài, Mỹ sẽ không có phần trong đó”. Tuy nhiên, thực tế, có nhiều dạng quân nhân không mang danh nghĩa “binh sĩ”, như các điệp viên của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã và đang hoạt động ở Libye từ tháng 3. Qatar là nước công khai cung cấp binh sĩ huấn luyện, vũ khí và tài chính trực tiếp cho NTC, mà quốc gia Vùng Vịnh này thực chất tiếp nhận hầu hết vũ khí từ Mỹ.

Hãng tin AP còn cho biết nhiều nước khác sẵn sàng “nhảy vào” Libye thời hậu Gadhafi, thậm chí cho rằng thế giới sẽ “vạch kế hoạch tương lai” của Libye. Chính quyền Anh sẽ sớm giải ngân số tiền mặt phong tỏa của ông Gadhafi cho NTC để giúp “thiết lập trật tự” và Pháp sẽ tổ chức hội nghị quốc tế thảo luận về tương lai Libye. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon cho biết cũng đang dự định họp với các tổ chức quốc tế khác và Liên minh châu Âu (EU) đưa ra kế hoạch riêng.

Các công ty dầu rục rịch trở lại Libye

Libye có trữ lượng dầu lớn nhất châu Phi với khoảng 47 tỉ thùng và sự thay đổi chế độ sẽ tạo ra cơ hội phân phối lại quyền khai thác dầu giữa nhiều công ty quốc tế. Một số người cho rằng đây là mục tiêu chính của việc phương Tây phế truất Gadhafi.

Sau khi có tin Tripoli thất thủ, Ý là nước đầu tiên đưa đại diện tới Benghazi, thành lũy của NTC ở phía Đông Libye, để đàm phán về các dự án dầu tương lai. Ngoại trưởng Ý Franco Frattini ngày 22-8 xác nhận công ty năng lượng Eni của nước này đã cử đoàn tới gặp giới lãnh đạo NTC ở Benghazi.

Người phát ngôn công ty Total của Pháp thì nói họ đang quan sát chặt chẽ tình hình để quyết định khi nào có thể nối lại hoạt động ở Libye. Hãng OMV của Áo cho biết họ đã tiếp xúc với NTC hồi cuối tháng 6, nhưng cũng “theo dõi tình hình và nhất là những diễn biến gần đây”. Công ty BP của Anh đã đàm phán với NTC hồi tháng 7 với yêu cầu khôi phục hoạt động khai thác tại cơ sở ngoài khơi lưu vực Ghadames.

Về phía NTC, họ cam kết dành nguồn dầu cho các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), còn các nước như Nga, Trung Quốc và Brazil sẽ không được phần. Nga, Trung Quốc và Brazil đã không ủng hộ các biện pháp trừng phạt do Mỹ và đồng minh phương Tây áp đặt đối với chính quyền Gadhafi.

Trước khi xung đột bùng phát hồi tháng 2, sản lượng dầu Libye khoảng 1,6 triệu thùng/ngày và 15 triệu khối khí đốt/năm.

THIÊN QUỐC
(Theo Reuters, Fox News, WSJ)

 

Chia sẻ bài viết