23/12/2017 - 17:23

LHQ siết chặt cấm vận kinh tế đối với Triều Tiên 

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) hôm 22-12 đã thông qua nghị quyết siết chặt trừng phạt mới đối với CHDCND Triều Tiên do Mỹ đề xuất với tỷ lệ 15-0. Nghị quyết 2397 hạn chế Bình Nhưỡng tiếp cận các sản phẩm xăng dầu tinh chế và dầu thô, đồng thời yêu cầu công dân Triều Tiên đang làm việc ở nước ngoài trở về nước.

Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley cùng với các thành viên khác của HĐBA LHQ đưa tay thông qua nghị quyết lệnh trừng phạt mới đối với Triều Tiên. Ảnh: Reuters

Nghị quyết trên là phản ứng của HĐBA trước vụ bắn thử tên lửa đạn đạo liên lục địa mới của Triều Tiên hôm 29-11. Theo lệnh trừng phạt mới, lượng xăng dầu tinh chế mà Triều Tiên có thể nhập khẩu mỗi năm sẽ bị cắt giảm tới 89%, chỉ còn 500.000 thùng/năm, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt nhiên liệu của Bình Nhưỡng. Theo nghị quyết, tất cả các nước được yêu cầu ngừng vận chuyển những nguồn cung ứng dầu phi pháp tới Triều Tiên bằng đường biển cũng như bị cấm mua bán than và xuất khẩu máy móc công nghiệp, thiết bị vận tải, sắt, thép và kim loại khác tới Triều Tiên. Nghị quyết yêu cầu khoảng 100.000 lao động Triều Tiên đang làm việc ở nước ngoài, gồm khoảng 50.000 người ở Trung Quốc và khoảng 30.000 người ở Nga, phải được gửi trả về nước trong vòng 24 tháng kể từ ngày thông qua nghị quyết. Ngoài ra, Triều Tiên cũng bị cấm xuất khẩu thực phẩm và các sản phẩm nông nghiệp, máy móc, thiết bị điện tử, đất, đá và gỗ trong khi tất cả các nước bị cấm nhập khẩu những mặt hàng này từ Triều Tiên.

Giới phân tích cho rằng các biện pháp trừng phạt tăng cường này có thể tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế Triều Tiên. Bởi lẽ nếu được thực thi lệnh hạn chế xuất khẩu dầu mỏ sẽ là thảm họa đối với ngành công nghiệp Triều Tiên, trong khi việc buộc phải hồi hương lao động ở nước ngoài sẽ cắt đứt nguồn ngoại tệ sống còn không chỉ đối với chính phủ nước này mà cả nền kinh tế thị trường mới nổi lên của Triều Tiên. Phản ứng sau khi nghị quyết mới của HĐBA LHQ được thông qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ca ngợi việc thông qua các lệnh trừng phạt mới này và cho rằng cộng đồng quốc tế đã và đang nỗ lực vì hòa bình với Triều Tiên. “Thế giới muốn hòa bình chứ không phải sự chết chóc”, ông Trump viết trên trang mạng xã hội Twitter của mình.

Tuy nhiên, nghị quyết trên không bao gồm các biện pháp khắc nghiệt mà chính quyền Trump đã đề xuất nhằm phong tỏa tài sản quốc tế của chính phủ và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Theo hãng tin CNN, tại cuộc bỏ phiếu thông qua lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên, đại diện các nước đều mong muốn Bình Nhưỡng sớm ngồi vào bàn đàm phán. Đại sứ Pháp tại LHQ Francois Delattre cho biết Paris “hoan nghênh việc nối lại các cuộc đàm phán càng sớm càng tốt”, trong khi đại diện Uruguay nói rằng các cuộc đàm phán nên sớm được đưa ra “trước khi quá muộn”. Còn đại sứ Hàn Quốc Cho Tae-yul nhấn mạnh rằng các biện pháp trừng phạt không phải là giải pháp cuối cùng nhưng đó là một biện pháp hiệu quả để thúc đẩy Triều Tiên tham gia vào “một giải pháp ngoại giao hòa bình”. Trong khi đó, Phó Đại sứ thường trực của Trung Quốc tại LHQ Ngô Hải Đào cho rằng biện pháp trừng phạt Triều Tiên mới nhất đã phản ánh “sự đồng lòng của cộng đồng quốc tế”. Ông kêu gọi Bình Nhưỡng không tiến hành thêm bất kỳ vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa nào, đồng thời yêu cầu các nước tìm cách nối lại đàm phán với Triều Tiên. Ông này khẳng định rằng không có bất kỳ giải pháp quân sự nào được đưa ra nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên.

Đây là lệnh trừng phạt thứ 3 của HĐBA LHQ đối với Triều Tiên trong năm nay. Trước đó, HĐBA LHQ hồi tháng 8 áp đặt lệnh trừng phạt cấm Triều Tiên xuất khẩu than, sắt, quặng sắt, chì, quặng chì và thủy sản. Một tháng sau đó, HĐBA LHQ cấm Bình Nhưỡng xuất khẩu các sản phẩm may mặc và không được nhập khẩu dầu, đồng thời  kêu gọi công tác kiểm tra các tàu ghé qua các cảng của Triều Tiên. Trong khi đó, trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 11, Mỹ đã tiến hành các biện pháp đơn phương nhằm chống lại Triều Tiên.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết