19/02/2011 - 20:43

Lễ cầu an ở Cần Thơ

Ông Võ Văn Nên, 62 tuổi, Trưởng Ban Tế tự Miễu Bà Xóm Chài và chiếc bè tống ôn năm Canh Dần 2010.

Là vùng sông nước nên từ xa xưa cư dân Đồng bằng sông Cửu Long có tục “tống ôn” (còn gọi tống gió). Theo nghĩa đen, “tống ôn” nhằm tống khứ những rủi ro, bệnh tật, tai ách v.v ... theo những chiếc bè tre ra khỏi xóm làng trên các dòng nước để có những sự tốt lành, bình an cho gia đình và chòm xóm trong suốt một năm mới. Tục lệ này xưa kia diễn ra hầu như khắp cả các tỉnh của lưu vực Đồng bằng sông Cửu Long, ngày nay chỉ còn diễn ra tại một số nơi.

Tại Cần Thơ, tục này diễn ra ở một vài địa phương dọc theo sông Cần Thơ và một số chi lưu của nó thuộc quận Cái Răng và huyện Phong Điền. Ông Lê Văn Nhen, 62 tuổi, ở ấp Mỹ Hòa, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, cho biết lễ tống ôn có từ xa xưa, khi ông sơ ông từ Cái Thia (Cái Bè, Tiền Giang) đến Mỹ Hòa khai đất mở làng. Đó là thời: “Xứ đâu có xứ lạ lùng/Con chim kêu cũng sợ con cá vùng cũng kinh”. Lúc bấy giờ, vùng này sơn lam chướng khí đầy dẫy, rắn rít, muỗi mòng đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của con người, thường gây ra dịch bệnh. Với hiểu biết ít ỏi của những lưu dân chỉ biết lấy sức mình làm kế sinh nhai thuở ấy, người ta chỉ còn biết dựa vào lực siêu nhiên bằng cách tổ chức lễ tống ôn.

Ông Trần Ngọc Lầu, 65 tuổi, ấp Nhơn Lộc 1, thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, cho biết: xưa kia lễ tống ôn người ta làm bè rất lớn với nhiều lễ vật xứng đáng. Có người vẽ mặt, mặc quần áo theo phong tục Tàu, thủ vai Quan Công, Châu Xương và Quan Bình đứng trên ghe tống tiễn ôn binh dịch lệ ra Nam Hải. “Thủ vai ba vị này là ba pháp sư cao tay ấn”. Theo ông Lầu - “Trước khi xuống bè, có lễ khao binh. Ông Châu Xương làm dữ lắm, phải múa gươm có khi cả giờ đồng hồ mới được thầy chùa cho phép xuống ghe. Ghe kéo bè đi thỉnh bài vị các xã, ra tới khúc cồn Ấu trước bến Ninh Kiều bây giờ mới thả bè, cùng lúc pháo thăng thiên bắn ào ào tiễn đưa. Có chiếc bay lên trời, có chiếc nghịch ngợm xẹt vô bè phát hỏa”. Ông Võ Thành Hưng, 65 tuổi, Hội trưởng Hội Việt Hoa hiệp, quận Cái Răng, kể rằng lễ tống ôn có tại đây từ hàng trăm năm trước, nhân dân gọi là lễ tống gió, cúng bình yên bổn phố. Tối 18 tháng Giêng, các thầy pháp (pháp sư giỏi bùa Lỗ Ban, còn các tay thầy pháp yếu nghề không dám nhận) thủ vai Quan Công, Châu Xương và Quan Bình dặm mặt vẽ mày, phục trang nghiêm chỉnh “lên” tại Hiệp Thiên Cung (chùa Ông). Dịp này tại chùa có hát chầu tới khuya. Khoảng 12 giờ trưa hôm sau, Quan Công một tay bắt ấn, một tay cầm đao ngồi trên xe “nghinh” dài theo các con đường trong chợ. Theo hầu Quan Công là Quan Bình ôm bình bát, Châu Xương vừa huơ gươm vừa kêu lớn: “Bớ ôn binh Đại Càng về đây phù hộ bá tánh được bình yên, điều dữ tống đi, điều lành mang đến cho bá tánh trăm họ được an lành, phát đạt”.

Lễ “tống ôn” ở Mỹ Hòa diễn ra ngay sau khi kết thúc mùa lúa nên thu hút nhiều người. Bán lúa xong, nhà nào cũng dư dả nên ăn chơi thoải mái: đánh bài, bầu tôm cá cọp, đá gà ì xèo suốt ngày đêm. Chơi ở địa phương chưa đã, người ta còn theo “tàu lô” (tàu cây chở hành khách) hoặc bơi xuồng theo đám “tống ôn” ra chợ Cần Thơ chơi xả láng. Ông Nguyễn Văn Thọ, 58 tuổi, ấp Mỹ Hòa, hồi tưởng: lễ được tổ chức long trọng, vui vẻ trong suốt 3 đêm với đờn ca hát xướng, múa lân rôm rả, nên người dân địa phương tham gia rất đông. Riêng ở Cái Răng thì đám rước vang rền trong tiếng trống tiếng kèn của dàn nhạc lễ của người Việt và dàn nhạc “tùa lầu cấu” của người Hoa...

Ngày nay, lễ “tống ôn” ở thành phố Cần Thơ gọi là lễ “cầu an”. Hiện nay, lễ “tống ôn” phần nào đã loại trừ yếu tố mê tín dị đoan như các hình thức “ông lên bà xuống” hay tình trạng bài bạc, nhậu nhẹt lu bù. Lễ diễn ra khoảng trung tuần tháng Giêng Âm lịch, vào các giờ khác nhau theo con nước tại các chùa miếu ở các địa phương sau: Huyện Phong Điền có: ấp Nhơn Lộc 1, Nhơn Ái, Trường Long, Giai Xuân, Cầu Nhiếm... (thị trấn Phong Điền); quận Cái Răng tại Hiệp Thiên Cung (chùa Ông) và Xóm Chài (phường Hưng Phú). Các nơi này đều thiết lập bè tống ôn bằng sườn tre phất giấy màu đặt trên chiếc bè chuối. Sau khi lễ cúng, đám rước bắt đầu diễu hành quanh các phố, dẫn đầu là con lân với trống chiêng rộn rã. Dài theo các con đường, lối phố, người dân lập bàn thờ với vật lễ và nhang đèn cúng bái. Người ta đốt lá khô (thường là lá chuối, nếu không thì đốt lò than) rồi thảy từng nhúm muối vào, tượng trưng xua đuổi tà khí. Tiếng muối nổ lốp bốp hòa trong khói bếp bay tỏa khắp không gian cùng tiếng thanh la chập chã của đám rước tạo nên không khí linh thiêng huyền hoặc. Lễ vật người dân cúng (muối, gạo, gà, vịt,...) được cho lên bè tống ôn. Đến bờ sông, đám rước lên ghe ra sông lớn. Đông vui nhất là buổi lễ diễn ra ở Xóm Chài vào trưa ngày 14 tháng Giêng. Đám rước hàng bốn năm chục chiếc tàu, có đoàn lân hộ tống, đưa tàu chở bè tống ôn khởi hành ngược xuống cầu Quang Trung rồi trở lộn ra xuôi theo dòng sông Hậu cặp bờ Xóm Chài, vượt qua cầu Cần Thơ, tới đuôi cồn. Trong tiếng trống lân, tiếng reo hò inh tai, trẻ con tạt nước vào nhau tạo nên sinh khí ngày lễ hội thật vui nhộn. Lễ kết thúc bằng việc đưa bè tống ôn xuống dòng nước vừa mới giựt ròng.

Lễ “tống ôn” hay lễ “cầu an” là nét đẹp tâm linh còn lưu lại đã trở thành sự cuốn hút đối với khách nước ngoài về giá trị văn hóa dân gian của thành phố Cần Thơ. Nó là nét tâm linh truyền thống được kết tinh từ quá trình lao động sáng tạo từ thời mở đất. Hiện nay, lễ “tống ôn” đã trở thành lễ “cầu an”, bớt màu sắc mê tín dị đoan nhưng vẫn còn giá trị văn hóa tâm linh xưa.

Bài, ảnh: CÁT LỘC

Chia sẻ bài viết