|
Thu hoạch cà phê ở Tây Nguyên. Ảnh: Argo |
Giá cà phê đang biến động bất thường theo hướng giảm mạnh trong 2 tuần qua. Ngày 25-6, cà phê giao dịch trên thị trường thế giới giảm chỉ còn 1.335 USD/tấn, từ mức cao nhất 1.700 USD/tấn hồi đầu năm nay. Theo đà giảm của thế giới, giá cà phê trong nước cùng ngày rơi xuống còn 21.800 - 21.900 đồng/kg, so với mức 25.400 đồng/kg hồi cuối tháng 5. Đây là mức giá cà phê thấp nhất trong vòng ba năm qua, sau khi đạt mức cao nhất 42.000 đồng/kg hồi đầu năm 2008. Lo sợ giá cả biến động bất thường, các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê tạm thời ngưng mua vào, khiến cho thị trường cà phê càng trở nên ảm đạm.
Đáng lo là giá cà phê trên thị trường thế giới biến động với khoảng cách chênh lệch quá cao chỉ trong thời gian ngắn, thậm chí theo từng ngày. Ví như hôm 16-6, giá cà phê tại thị trường Luân Đôn giảm 69 USD/tấn còn 1.446 USD/tấn, so với mức 1.515 USD/tấn ngày 15-6. Đến ngày 17-6, giá cà phê lại tăng 34 USD/tấn lên 1.470 USD/tấn. Thế nhưng, xu hướng chung là giá cà phê giảm, chỉ trong 2 tuần giữa tháng 6, cà phê rớt giá tới 232 USD/tấn.
Nguyên nhân khiến giá cà phê thế giới biến động mạnh là do các nhà đầu cơ đang thao túng thị trường. Họ tạm dừng mua vào một thời gian để đẩy giá xuống thấp, gây hoang mang trong giới kinh doanh cà phê. Sau đó, họ thu vào số lượng lớn, rồi bán ra với giá cao khi thị trường khan hiếm hàng. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp trong nước phải chịu lỗ nặng do thu mua cà phê nguyên liệu lúc giá cao, nhưng khi xuất khẩu thì giá thị trường thế giới giảm đột ngột. Theo tính toán của các doanh nghiệp, nếu ký hợp đồng xuất khẩu trong ngày giá cà phê giảm mạnh như hôm 16-6, họ bị mất tới 1,2 triệu đồng/tấn so với ký hợp đồng ngày hôm trước.
Trong khi đó, thống kê 5 tháng đầu năm nay cho thấy cả nước xuất khẩu được 680.000 tấn cà phê, đạt kim ngạch 1 tỉ USD, với giá bình quân 1.499 USD/tấn. So với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng xuất khẩu cà phê vẫn tăng 37%, nhưng tổng giá trị giảm do giá cà phê thế giới xuống thấp.
Tuy nhiên, xuất khẩu cà phê không phải hoàn toàn “màu xám”. Cà phê Việt Nam hiện đã có mặt ở hơn 28 nước trên thế giới. Một số thị trường chính như Bỉ, Đức và Mỹ tăng nhẹ cả về lượng và giá trị. Theo số liệu thống kê, Bỉ là thị trường tiêu thụ cà phê hàng đầu của Việt Nam, với lượng cà phê xuất sang thị trường này 5 tháng đầu năm nay đạt hơn 120.000 tấn, có giá trị trên 170 triệu USD, tăng gần 200% so với cùng kỳ năm trước. Đức vẫn là một trong những thị trường truyền thống, với kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt hơn 20 tỉ USD, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng cà phê thế giới niên vụ 2009-2010 ước đạt 127,4 triệu bao (bao 60 kg), giảm 7,3 triệu bao (5%) so với niên vụ trước. Quốc gia giảm nhiều nhất là Brazil, nhà xuất khẩu cà phê đứng đầu thế giới, giảm sản lượng xuống còn 43,5 triệu bao, thấp hơn 8 triệu bao so với niên vụ trước. Sản lượng cà phê của Việt Nam, ước giảm 1,3 triệu bao, xuống còn 18,4 triệu bao niên vụ này. Brazil và Việt Nam là hai nước chiếm gần 50% tổng sản lượng cà phê thế giới. Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cũng dự báo sản lượng toàn cầu vụ cà phê năm nay đạt khoảng 131 triệu bao, trong khi nhu cầu tiêu dùng khoảng 128 triệu bao. Nguồn cung cà phê thế giới năm nay không hơn nhiều so với nhu cầu, và theo quy luật khi cung và cầu gần ngang nhau, giá cà phê có thể sẽ đứng ở mức cao.
Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa) dự báo giá xuất khẩu cà phê Việt Nam nửa cuối năm 2009 có thể tăng trở lại và đạt mức bình quân cả năm khoảng 1.800 USD/tấn. Với tổng lượng xuất khẩu ước đạt 980.000 tấn, ngành cà phê sẽ mang về khoảng 1,7 tỉ USD. Với mức đó, kim ngạch xuất khẩu cà phê giảm 8,6% về lượng và giảm 17,4% về giá trị so với năm 2008.
N.MINH