27/10/2021 - 06:26

Làn sóng tị nạn khí hậu 

Bất kể kết quả của Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26, khai mạc tại Anh vào cuối tháng này), nhiều người trên khắp thế giới vẫn sẽ tiếp tục rời bỏ nhà cửa, đất nước để đi lánh nạn do những hiện tượng thời tiết cực đoan.

Người dân Bangladesh quan sát tình trạng sạt lở tại bờ sông Padma. Ảnh: AFP

Người dân Bangladesh quan sát tình trạng sạt lở tại bờ sông Padma. Ảnh: AFP

“Nhà của tôi hoàn toàn bị nhấn chìm trong một trận lũ lụt. Nó diễn ra quá nhanh, đỉnh mái nhà biến mất chỉ trong vài phút”, bà Bibi Salma nhớ lại khi còn ở trên đảo Bhola, cách thủ đô Dhaka 300km về phía Nam. Sau 3 lần mất nhà, gia đình Salma quyết định dọn đến sống trong một khu ổ chuột ở Dhaka. Họ nằm trong số hàng triệu người Bangladesh phải đi lánh nạn vì thiên tai.

Trong 2 năm qua, chính quyền thành phố Dhaka đã xây hàng chục ngàn căn nhà, với phân nửa trong số này dành cho những người tị nạn khí hậu. Năm nay Bangladesh có kế hoạch xây thêm 10.000 căn nhà cho họ. Nghiên cứu của Trung tâm Dịch vụ Thông tin Địa lý và Môi trường (CEGIS) chỉ ra kể từ năm 2004, mỗi năm có 50.000 người sống dọc hai con sông Hằng và Brahmaputra mất nhà cửa vì xói mòn. Nếu cộng dồn những người mất nhà vì xói mòn ở các con sông khác, số nạn nhân hàng năm sẽ lên tới hơn 100.000.

Với việc bão tố kết hợp với lũ lụt và sạt lở bờ sông diễn ra thường xuyên hơn, nhiều người đã không thể trụ lại được. Theo Trung tâm Giám sát di cư quốc tế, gần 5 triệu người Bangladesh đã phải đi lánh nạn trong nước giai đoạn 2008-2014, chủ yếu chuyển đến Dhaka hoặc thành phố Chittagong. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính sẽ có thêm 13,3 triệu người nối gót họ vào năm 2050. Ngoài ra, hàng năm có khoảng 700.000 người Bangladesh ly hương để kiếm việc làm tại các nước Trung Đông và Đông Nam Á. Giới chuyên gia cảnh báo đất nước 170 triệu dân này có thể sẽ đối mặt với một cuộc di cư lớn nhất trong lịch sử loài người do biến đổi khí hậu.

Nhận thức về tị nạn khí hậu được nâng cao

Kể từ năm 2008, thảm họa liên quan đến thời tiết đã buộc hơn 21 triệu người trên toàn cầu rời bỏ nhà cửa, tương đương 1 phút có 41 người ly hương. Thống kê này chưa bao gồm những trường hợp dời đi vì các tác động khởi phát chậm của biến đổi khí hậu như sa mạc hóa và nước biển dâng. Năm ngoái, số người di cư mới trong nước trên thế giới đã lên tới 40,5 triệu (cao kỷ lục trong thập niên qua) với 75% trong số đó là do thảm họa thiên nhiên.

Công ước về người tị nạn năm 1951 không công nhận những người di cư vì môi trường là “người tị nạn”, nhưng nhận thức của thế giới về vấn đề này đang lớn dần. Thỏa thuận toàn cầu về Người tị nạn năm 2018 đã thừa nhận rằng “sự suy thoái môi trường, khí hậu và những thảm họa ngày càng tương tác với dòng người tị nạn”. Thực tế hồi cuối năm ngoái, dòng người di cư từ các quốc gia Trung Mỹ như Honduras, Guatemala và El Salvador do bị ảnh hưởng bởi hai cơn bão lớn đã vượt qua Mexico để vào Mỹ tị nạn.

Mực nước biển dâng cao cũng là một mối đe dọa. Trong hơn 3 thập niên qua, số người sống tại các vùng duyên hải có nguy cơ cao trước tình trạng nước biển dâng đã tăng từ 160 triệu lên 260 triệu người. Trong đó, 90% đến từ những nước đang phát triển và những đảo nhỏ. Ở Bangladesh chẳng hạn, ước tính 17% lãnh thổ nước này sẽ bị chìm dưới nước biển vào năm 2050 và 20 triệu người sẽ mất nhà cửa. Trên phạm vi toàn cầu, Viện Kinh tế và Hòa bình của Úc ước tính các dạng thời tiết cực đoan có thể đẩy ít nhất 1,2 tỉ người rời bỏ nhà cửa vào giữa thế kỷ này.

Hồi tháng rồi, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres lưu ý rằng 90% người tị nạn đến từ những quốc gia thiếu khả năng thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu nhất. Afghanistan, Bangladesh, Philippines, Haiti và Senegal là 5 nước chứng kiến những cuộc di cư vì khí hậu lớn nhất. Cuối năm 2019, hơn 1 triệu người Afghanistan đã rời bỏ nhà cửa do thảm họa thiên nhiên, nhiều hơn bất cứ quốc gia nào. Philippines đối mặt với khoảng 20 cơn bão mỗi năm, nhiều nhất thế giới. Chỉ trong năm ngoái, 4,4 triệu người dân quốc gia Đông Nam Á này đã di tản nội địa vì thiên tai.

HẠNH NGUYÊN (Theo AFP, TRT World)

Chia sẻ bài viết