17/01/2009 - 21:18

Lân râu bạc Cần Thơ

Ngày nay, việc múa lân chúc phúc ngày Tết khá phổ biến nhưng rất hiếm có đội lân xuất sắc như ngày xưa.
Ảnh: LÊ KA

Tổ chức múa lân đã có từ xã hội phong kiến ở Việt Nam. Đến cuối khoảng thế kỷ XVIII, dân số, kinh tế, văn hóa phát triển, đời sống tinh thần cũng được đặt ra, trong đó yêu cầu tổ chức múa lân phục vụ các lễ hội cấp quốc gia, lễ hội của các quan lại, của Đình Chùa, đến hộ dân cư, nhứt là những ngày Tết Nguyên đán hàng năm càng trở nên thịnh hành...

Do đó, vào những dịp lễ, Tết... các hội quán, võ đường tổ chức múa lân như một hình thức kinh doanh. Mỗi đoàn lân có trưởng, phó đoàn. Có người chuyên đánh trống, phèng la, chập chã. Có người múa lân, vũ đuôi lân, địa dẫn lân. Có người biểu diễn võ thuật, đưa lân lên múa cao và số lo giao tế, hậu cần. Bình quân mỗi đoàn lân có từ 25 đến 50 người hoạt động suốt ngày lễ hội, ngày Tết.

Xưa kia, các đoàn lân lập ra múa trong tỉnh nhà, sau đó múa ra ngoài tỉnh gặp các đoàn lân khác thương lượng địa bàn hoạt động lân, nếu không đồng thuận thì dẫn tới xung đột bạo lực, có khi phải đổ máu... Họ không nhờ chính quyền giải quyết, nhưng thường là đoàn lân tại chỗ có nhiều ưu thế giành thắng lợi hơn và sự tranh chấp của các đoàn lân cứ tiếp diễn suốt một thời gian dài.

Thế kỷ XIX, chính quyền một số tỉnh Nam bộ muốn tránh xung đột giữa các đoàn lân, nên có đặt ra qui ước phân định đẳng cấp của ba hạng lân là: lân Râu Bạc hạng I, lân Râu Đỏ hạng II, lân Râu Đen hạng III và theo nguyên tắc lân râu đen đi múa gặp mặt lân râu đỏ - lân râu bạc thì phải cúi chào đi qua. Lân râu đỏ gặp lân râu bạc cũng phải cúi chào đi qua.

Nếu lân đồng hạng, đồng cấp đi múa gặp mặt thì cũng phải chào hỏi và thương lượng với nhau về địa bàn hoạt động lân. Thỏa thuận với nhau xong thì khu vực địa bàn của ai nấy múa, nếu không đồng ý thì cuối cùng có thể xảy ra xung đột, giải quyết bạo lực. Từ khi có qui ước về đẳng cấp, phân hạng của các đoàn lân, có sự quản lý Nhà nước, các đoàn lân hoạt động đã hạn chế xung đột giữa các đoàn lân với nhau...

Lân “Râu Bạc” Cần Thơ ra đời (1930 - 1945) từ đoàn lân Đình Bình Thủy - Long Tuyền có đủ điều kiện được xã trưởng, quận trưởng và tỉnh trưởng Cần Thơ cho phép lập đoàn lân “Râu Bạc” do ông võ sĩ Nguyễn Bá Tòng làm trưởng đoàn, Hương quản Đính phó Đoàn. Đoàn từ 40 đến 50 người, giỏi về nghệ thuật múa lân, mạnh về võ thuật, được dân ủng hộ.

Võ sĩ Nguyễn Bá Tòng mỗi lần dẫn đoàn đi múa lân thì có các võ sĩ (đàn em) gánh theo rương đồ nghề như là bù lon sắt, kiếm Nhựt, mặt nạ sắt, dao búa v.v...

Khoảng năm 1936 - 1945 phong trào tổ chức múa lân rộng khắp, có nhiều đoàn lân “Râu Bạc” của các tỉnh từ phía Vĩnh Long qua, từ An Giang xuống múa lân ở thị xã Cần Thơ trong các ngày Tết Nguyên đán gặp đoàn lân “Râu Bạc” Bình Thủy - Long Tuyền, Cần Thơ phải chào hỏi thương lượng đồng thuận với nhau về địa bàn hoạt động.

Đoàn lân “Râu Bạc” Bình Thủy - Long Tuyền hoạt động trong thời gian năm 1930 - 1945 có 50 người múa lân giỏi múa võ giỏi, được dân ủng hộ trở thành lực lượng nòng cốt của 28 đoàn lân nghiệp dư của tỉnh Cần Thơ, hoạt động đến ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Đa số anh em trong đoàn lân Bình Thủy - Long Tuyền theo kháng chiến chống thực dân Pháp. Võ sĩ Nguyễn Bá Tòng trưởng đoàn lân “Râu Bạc” Bình Thủy - Long Tuyền, hy sinh 1953, góp phần xương máu của mình cho kháng chiến thắng lợi.

Giờ đây, hễ mỗi năm Xuân về Tết đến thì người dân Bình Thủy - Long Tuyền lại nhớ đến Đoàn Lân “Râu Bạc” thuở xưa.

ĐINH CÔNG TAM

Chia sẻ bài viết