Trái cây ở ÐBSCL dù vẫn còn những “khúc cua” về thị trường, “được mùa, rớt giá” nhưng nhà vườn đã bắt đầu nhìn lại những cái được, mất của nhiều năm qua. Họ đã định vị lại vùng trồng, không chạy theo số lượng, mà dần chuyển sang chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Trồng bưởi hữu cơ ở Tổ hợp tác bưởi da xanh Hiệp Lợi, xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Ảnh: V.Công
Thay đổi lối canh tác cũ
Ở tỉnh Bến Tre, bưởi da xanh là một trong 5 cây trồng chủ lực của tỉnh Bến Tre, với diện tích hơn 7.200ha, được trồng tập trung ở huyện Châu Thành, Mỏ Cày Bắc, Giồng Trôm, TP Bến Tre và Chợ Lách. Sản lượng gần 60.000 tấn trái/năm và dẫn đầu ÐBSCL về cây trồng này. Ðể phát triển thương hiệu bưởi da xanh, tỉnh đã thành lập Hợp tác xã (HTX) Bưởi da xanh Bến Tre, bước đầu đã quy tụ các thành viên HTX, tổ hợp tác chuyên canh về bưởi da xanh ở huyện Châu Thành tham gia trồng bưởi VietGAP, Global GAP và đang mở rộng thêm ra các vùng trồng khác trên toàn tỉnh. Nhà vườn tham gia vào HTX không chỉ được tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn sản xuất an toàn, mà còn được kết nối thị trường tiêu thụ với doanh nghiệp (DN).
Ông Huỳnh Quang Ðức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bến Tre, cho biết: “Sản xuất sạch, an toàn là hướng đi mà ngành Nông nghiệp tỉnh đã và đang thực hiện. Tỉnh đã xây dựng 8 chuỗi giá trị cây trồng, vật nuôi; trong đó có chuỗi giá trị bưởi da xanh. Bưởi da xanh Bến Tre đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Tới đây, tỉnh sẽ đầu tư, vận hành chỉ dẫn địa lý vào thực tế sản xuất, giúp nhà vườn sản xuất theo hướng an toàn, sạch để có vùng bưởi đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, đồng thời kết hợp du lịch vườn”. Theo ông Ðức, ngành Nông nghiệp tỉnh đã khuyến khích hai hình thức liên kết trong chuỗi cây bưởi là giữa HTX với HTX, HTX với DN. Ðồng thời hỗ trợ HTX phát triển theo chiều sâu, chế biến những sản phẩm phụ từ bưởi tươi, tạo giá trị tăng thêm. Hiện nay, HTX Bưởi da xanh Bến Tre ngoài kinh doanh quả tươi, còn sản xuất nước ép, vỏ bưởi sấy khô,... Ðây là những bước đi đúng hướng, giúp cho cây bưởi da xanh phát triển bền vững.
Từ những diễn biến thị trường, nhà vườn đã nhận ra chỉ có liên kết mới có thể giúp họ giải quyết tình trạng “được mùa, rớt giá”. Ông Vương Thành Công, Tổ trưởng Tổ hợp tác bưởi da xanh Hiệp Lợi, xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, cho biết: “Tổ có 76 thành viên, diện tích canh tác 33,2ha, trong đó trên 19ha của 35 thành viên được chứng nhận VietGAP. Trong tổ có 26 hộ tham gia vào HTX Bưởi da xanh Bến Tre và 3 hộ đã được chứng nhận Global GAP, diện tích 3,8ha. Ðây là tín hiệu tốt, vì chứng nhận Global GAP mới có thể xuất khẩu đi nước ngoài, chứ tiêu thụ trong nước bấp bênh lắm, nếu hàng dư thừa. Tổ đang vận động thêm các thành viên tham gia HTX để mở rộng diện tích trồng bưởi Global GAP”. Theo ông Công, năng suất bưởi từ 15-20 tấn/ha, riêng năm 2020, Tổ cung cấp cho công ty hơn 280 tấn trái. Tổ duy trì liên kết đầu vào với các công ty phân bón, đảm bảo giá cả hợp lý, giảm chi phí đầu vào cho nhà vườn. Tổ đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty Hương Miền Tây trong 5 năm qua.
Nhà vườn đã thấy điều lợi lâu dài nhất là ngoài xây dựng được thương hiệu nông sản, còn đảm bảo an toàn cho cả người trồng và người tiêu dùng. “Sử dụng phân, thuốc hóa học lâu ngày đất bị chai, năng suất cây trồng kém hơn, mà sức khỏe của cả người trồng và người ăn cũng bị ảnh hưởng. Trồng bưởi hữu cơ khó và cực ở giai đoạn ủ phân vi sinh, nhưng được cái năng suất cao hơn, sản phẩm đạt chất lượng tốt hơn. DN bao tiêu hết, nhà vườn rất an tâm sản xuất”- ông Trần Văn Hời, thành viên Tổ hợp tác bưởi da xanh Hiệp Lợi, nói.
Tạo khác biệt
Thực tế đã chứng minh, trong chuỗi giá trị nông sản, có sự tham gia của DN đã tạo nên nhiều khác biệt. Nhà vườn ở ÐBSCL đã “sửa sai” trên mảnh vườn của mình, tăng cường sử dụng phân vi sinh bón cho cây trồng, giảm phân thuốc hóa học, trả lại cho đất những chất vi sinh đã mất. Ông Nguyễn Hoàng Cung, Giám đốc Công ty TNHH Nông sản sạch Ðại Thuận Thiên, TP Cần Thơ, cho rằng: “Trái cây ở ÐBSCL rất ngon, nhưng thiếu sản lượng đồng nhất, nên khó mở rộng thị trường xuất khẩu. Nhìn thấy được tiềm năng này, cả nhà vườn và DN đều muốn tạo nên sự khác biệt cho mô hình liên kết. DN đang cố gắng giải quyết từ gốc, bắt tay cùng nông dân xây dựng vùng trồng an toàn để tạo ra sản phẩm đồng nhất, đảm bảo chất lượng và sản lượng”. Ðã có một số loại trái cây mà DN liên kết với nhà vườn trồng như: bưởi da xanh, bưởi Năm Roi, sầu riêng… được xuất đi các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Mỹ, châu Âu.

Sầu riêng là trái cây đặc sản của ĐBSCL. Ảnh: G.B
Nói về hành trình liên kết với DN, ông Nguyễn Văn Lanh, Giám đốc HTX nông nghiệp Phú Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, cho biết: “Trong 2 năm qua, nhờ sự hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu đầu ra của Công ty TNHH Nông sản sạch Ðại Thuận Thiên ở TP Cần Thơ. Chúng tôi chăm sóc bưởi theo quy trình an toàn, lượng phân thuốc hóa học được thay bằng phân vi sinh. Hiệu quả kinh tế tăng rõ rệt và cam kết bao tiêu hết sản lượng thu hoạch đã làm thay đổi tư duy của nhà vườn. Tháng 11-2020, chúng tôi cùng nhau góp vốn thành lập HTX nông nghiệp Phú Thành, với 15 thành viên, diện tích canh tác 40ha, năng lực cung cấp ra thị trường khoảng 1.000 tấn trái/năm”. Trong 2 năm canh tác theo quy trình hữu cơ, nhà vườn đã tự tin nắm vững kỹ thuật. Ðiểm mới của HTX là có thành viên là DN, nên liên kết này sẽ làm nên chuyện, xây dựng được thương hiệu bưởi Phú Thành. Ðây là HTX nông nghiệp thứ 15 trên địa bàn huyện Trà Ôn và được nhận định là mô hình điểm để nhân rộng. Ông Nguyễn Thanh Triều, Bí thư Huyện ủy Trà Ôn, cho biết: “Huyện rất quan tâm đến mô hình kinh tế hợp tác, đây là nền tảng cho liên kết, đưa công nghệ sản xuất vào, có DN bao tiêu. Người dân sản xuất trong mô hình này sẽ định lượng được thu nhập của mình. Tới đây, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo mở rộng thêm mô hình liên kết kiểu mẫu này”.
Có thể nói, năm 2020 là năm nhiều dấu ấn cho trái cây đặc sản của ÐBSCL , khi có nhiều lô hàng xoài, vú sữa, sầu riêng, thanh long, dừa… của các HTX được thu mua xuất đi Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản… Ðây cũng là động lực để nông dân mạnh dạn tham gia mô hình kinh tế hợp tác. Ðiều này còn tạo thuận lợi cho các nhà quy hoạch định vị lại vùng trồng. Như tại TP Cần Thơ, thành phố có nhiều trái cây đặc sản và có thương hiệu, với các vùng trồng tập trung như: vùng trồng xoài khoảng 2.469ha, nhãn 996ha, vú sữa 975ha, sầu riêng 789ha, dâu Hạ Châu 443ha… Hiện có 268ha cây ăn trái của 339 hộ dân thuộc các HTX và tổ hợp tác đạt chứng nhận VietGAP, Global GAP… Nhà vườn ở TP Cần Thơ rất hăng hái tham gia mô hình hợp tác.
Ông Lý Văn Tịnh, Giám đốc HTX Trường Trung A, xã Tân Thới, huyện Phong Ðiền, TP Cần Thơ, cho biết: “HTX có 19 thành viên, với 12,7ha trồng sầu riêng đạt chứng nhận VietGAP. Trước đây, xã viên bán cho thương lái bên ngoài, thường xuyên bị ép giá. Còn cuối năm 2020, chúng tôi đã ký được hợp đồng bao tiêu với Công ty TNHH Nông sản sạch Ðại Thuận Thiên, thời gian trong 3 năm. Năm 2021, HTX sẽ đầu tư nhà xưởng, kho lạnh để thu mua trái cây không chỉ cho HTX mà còn cho nhà vườn trong huyện Phong Ðiền, nếu đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP. Hiện có nhiều nhà vườn xin vào HTX, vì đã có DN bao tiêu và hàng có thể xuất khẩu đi nước ngoài nên nhiều người muốn vào”.
Mặc dù trái cây ÐBSCL đã tạo nên sự khác biệt rất lớn trong 3 năm gần đây, nhưng để mở rộng thị trường xuất khẩu thì vẫn còn là câu chuyện dài và cần có ngành công nghiệp bảo quản, chế biến sâu hỗ trợ. TS Ðoàn Hữu Tín, Phó Giám đốc Trung tâm chuyển giao khoa học - kỹ thuật (Viện Cây ăn quả Miền Nam), khẳng định: “ÐBSCL có nhiều loại trái cây ngon nhưng chưa đủ cho cạnh tranh ở thị trường lớn hơn. Vì vậy, các địa phương cần rà soát lại toàn chuỗi giá trị và giải quyết các điểm nghẽn trong chuỗi để nâng cao giá trị mới cạnh tranh thắng lợi. Bây giờ rất nhiều thị trường yêu cầu khắt khe hơn”. Còn GS.TS Võ Tòng Xuân thì cho rằng, để có nền nông nghiệp bền vững, các nhà quy hoạch các ngành, lĩnh vực và địa phương phải cùng ngồi chung với nhau. DN phải được đào tạo tử tế, để làm thị trường, kéo nông dân vào mô hình liên kết, kiểm soát chất lượng vùng trồng, làm nông “tử tế” không sợ bí đầu ra.
Diện tích trồng cây ăn trái ở ĐBSCL có trên 362.000ha, hằng năm cung cấp cho thị trường khoảng 5 triệu tấn trái. Hiện nhiều giống cây ăn trái bản địa ngon nổi tiếng như bưởi da xanh, bưởi Năm Roi, vú sữa, sầu riêng, dừa… đã được cấp chỉ dẫn địa lý và được DN bao tiêu đầu ra.
GIA BẢO - KHÁNH TRUNG
Bài cuối: Tạo “cú huých” đổi mới