16/05/2021 - 19:13

Làm mẹ kế chưa bao giờ là dễ 

Truyện dài thiếu nhi “Má và con” (NXB Văn hóa - Văn nghệ) của nhà văn Nguyễn Thái Hải mang lại nhiều cảm xúc cho độc giả qua hành trình hòa hợp giữa người mẹ kế với con chồng. Làm mẹ kế chưa bao giờ là dễ bởi thành kiến và nhiều nguyên do, nhưng nếu kiên trì và thật lòng yêu thương, sẽ thu về “trái ngọt”.

Câu chuyện được kể với góc nhìn và suy nghĩ của Còm, cậu bé sớm mồ côi mẹ lúc mới lên 6. Mẹ Còm mất sau khi sinh em Út được 3 tháng. Bà ngoại phải lên phụ tiếp ba Còm chăm sóc cho 5 đứa cháu ngoại đang tuổi ăn, tuổi lớn. Trên Còm có anh Hai và dưới Còm là 3 em trai. Nhà nghèo nên mấy anh em đều ngoan ngoãn, biết phụ tiếp việc nhà. Đến năm Út được 2 tuổi, ba Còm đưa một người phụ nữ về nhà, nói anh em Còm gọi bằng má. Anh Hai kiên quyết không chịu gọi má mà chỉ gọi bằng dì, bị ba tát một cái. Từ đó Còm và mấy anh em rất ghét và ngấm ngầm chống đối “dì ghẻ” bằng mọi cách…

Kể về chuyện mẹ kế - con chồng, tác giả rất khéo léo khi khắc họa tâm lý, suy nghĩ của những đứa trẻ mới lớn, đặc biệt là Còm, cậu bé thông minh, học giỏi nhất nhà, nhưng cũng ương bướng không ai bằng. Không đao to búa lớn, những tình huống đưa ra nhẹ nhàng, bình dị, gần gũi với đời sống hằng ngày, cộng thêm giọng văn tự nhiên, hợp với lứa tuổi thiếu nhi khiến câu chuyện thêm lôi cuốn.

Người “dì ghẻ” ấy rất chăm lo cho những đứa trẻ. Bà chu toàn mọi việc nhà cửa, cơm nước, chăm sóc các con để bà ngoại yên tâm về ở với vợ chồng cậu Ba. Bà sống rất có trước có sau, nói năng lại nhẹ nhàng, hợp lý, vậy mà không hiểu sao, Còm vẫn không ưa nổi. Trừ thằng Út chưa hiểu chuyện chịu gọi bằng má, 4 anh em Còm đều gọi bằng dì, sau lưng thì gọi bằng “bà kia”. Theo thời gian, những điều Còm khó hiểu dần xuất hiện: anh Hai ngày càng tỏ vẻ bênh và nghe lời dì ra mặt, còn la rầy Còm khi cậu nói xấu dì; thằng Tư và Năm thì còn nhỏ và ba phải, lúc này lúc khác. Chỉ có Còm là kiên định: không ai thay thế được má ruột của nó. Cho đến khi nhà Còm xảy ra nhiều biến cố: ba bị mất việc, gánh nặng kinh tế dồn lên vai của dì, cùng nhiều chuyện khác… Lúc này, qua mỗi cách dì ứng xử, tận tâm lo lắng cho gia đình, Còm dần thay đổi cách nhìn, cách nghĩ về người mẹ kế. Để rồi cuối cùng, nó buộc miệng gọi dì bằng “má” lúc nào không hay…

Cứ thế, từng chút một, tác giả dẫn dắt người đọc đi theo tình cảm và suy nghĩ của cậu nhóc bướng bỉnh với nhiều cung bậc cảm xúc. Đồng thời, mỗi nhân vật khác từ ba, bà ngoại, mẹ kế, anh Hai… đều được khắc họa rõ ngoại hình, tính cách phù hợp. Lý do ba lấy vợ mới, nguyên nhân anh Hai thay đổi cho đến khi Còm chấp nhận người mẹ kế… đều được giải quyết rất thuyết phục. Ngoài ra, những tình huống dễ thương, hài hước cũng mang lại tiếng cười nhẹ nhàng, duyên dáng cho truyện.

Điều quan trọng nhất chính là sự chân thành và tình yêu thương của người mẹ kế đã làm lay động được tình cảm của tất cả những người trong nhà, góp phần tạo nên một mái ấm tuy đơn sơ nhưng hạnh phúc. “Má và con” vì thế đậm tính nhân văn và là tác phẩm đáng đọc cho tất cả mọi người.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết