Những năm gần đây, trên địa bàn huyện Thới Lai xuất hiện ngày càng nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, giúp nông dân có thu nhập hàng trăm triệu đồng, hàng tỉ đồng từ những cây trồng, vật nuôi quen thuộc. Trong đó, ông Nguyễn Văn Bé, sinh năm 1971, nông dân ấp Ðông Hòa B, xã Thới Tân, đã thành công với mô hình trồng ổi ruột hồng.
Ông Nguyễn Văn Bé trên vườn ổi ruột hồng của gia đình.
Năng động nắm bắt nhu cầu thị trường
Sau nhiều năm cần cù lao động, tìm tòi, đổi mới phương thức và mô hình làm ăn, ông Nguyễn Văn Bé, ấp Ðông Hòa B, xã Thới Tân đã thành công trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và giàu lên từ trồng cây ổi ruột hồng. Ông Bé được vinh danh là một trong những nông dân tiêu biểu của địa phương.
Ðưa chúng tôi ra thăm vườn ổi ngay sau nhà, cành lá xanh tốt, trái sai oằn, ông Bé kể: “Gia đình tôi trước đây thuộc diện khó khăn. Nhờ chịu khó tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu thị trường, học hỏi những mô hình hiệu quả và cần cù lao động, tôi đã bước đầu thành công với mô hình trồng ổi ruột hồng”.
Theo ông Bé, ông lập gia đình, ra ở riêng năm 1996. Lúc bấy giờ, ông được cha mẹ cho 2.000m2 ruộng. Ðể đảm bảo cuộc sống gia đình, hằng ngày, ngoài chăm sóc 2 công đất trồng lúa, ông Bé làm thuê nhiều việc, từ chạy máy suốt, làm cỏ lúa, dặm lúa, đến làm thợ xây dựng… Nhờ chịu khó làm lụng, chi xài tiết kiệm, cuộc sống gia đình ông Bé không chỉ đủ ăn mà còn có vốn tích lũy. Mỗi năm, ông Bé dành dụm mua thêm ruộng để sản xuất. Tính đến đầu năm 2024, gia đình ông đã sở hữu được 2,5ha ruộng, 1ha vườn tại ấp Ðông Hòa B, xã Thới Tân.
Ðể nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập, nâng cao đời sống gia đình, đầu năm 2017, ông Bé thuê máy đào 4.000m2 đất ruộng đắp thành bờ cao ráo để trồng ổi ruột hồng. Ông đến Công ty Cổ phần vườn trái cây Cửu Long (ở Khu Công nghiệp Trà Nóc) mua 400 cây giống ổi ruột hồng về trồng. Ðồng thời, học tập kỹ thuật trồng và chăm sóc ổi ruột hồng của Công ty, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty. Nhờ thực hiện đúng quy trình, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ổi ruột hồng, nên chỉ sau 8 tháng, vườn ổi đã cho trái. Nhận thấy trồng ổi ruột hồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, năm 2019, ông Bé tiếp tục chuyển đổi thêm 6.000m2 ruộng lúa không hiệu quả lên bờ để trồng thêm 500 gốc ổi ruột hồng. Ông cũng kết hợp trồng xen 300 gốc chanh không hạt. Ðến nay, ông Bé có tổng diện tích 1ha vườn trồng 900 gốc ổi ruột hồng và 300 gốc chanh không hạt.
Ông Bé chia sẻ: “Bốn năm nay, giá ổi được Công ty Cổ phần vườn trái cây Cửu Long bao tiêu 5.000 đồng/kg, giá chanh bán cho thương lái bình quân được 12.000 đồng/kg. Ước tính, mỗi năm gia đình tôi thu hoạch trên 80 tấn trái ổi ruột hồng, huê lợi trên 400 triệu đồng và thu hoạch 4 tấn chanh không hạt, thu vào 200 triệu đồng. Nhờ vậy, cuộc sống gia đình tôi ngày càng khấm khá hơn”.
Hỗ trợ mọi người cùng làm giàu
Ðiều đáng quý ở ông Nguyễn Văn Bé là ông tận tình hướng dẫn nhiều nông dân ở các ấp Ðông Hòa B, Thới Phước A và Thới Phước B (xã Thới Tân) xây dựng thành công mô hình trồng ổi ruột hồng, vươn lên khá, giàu. Ông Bé cho biết, khi tổ chức tuyên truyền, vận động, được các nông dân đồng ý, ông hướng dẫn họ đến Công ty Cổ phần vườn trái cây Cửu Long mua giống ổi, học hỏi kỹ thuật trồng và chăm sóc. Ông cũng sẵn sàng chia sẻ, truyền đạt những kinh nghiệm trồng, chăm sóc mà ông đã tích lũy được sau nhiều năm trồng ổi ruột hồng.
Năm 2019, ông Bé thành lập Tổ hợp tác trồng ổi ruột hồng xã Thới Tân. Ðến đầu năm 2023, Tổ hợp tác được nâng lên thành Hợp tác xã nông nghiệp ổi ruột hồng Thới Tân, do ông làm Giám đốc. Tham gia Tổ hợp tác, Hợp tác xã, các thành viên được vay vốn ngân hàng, quỹ hỗ trợ nông dân để cải tạo đất, mua giống cây trồng, phân bón; hỗ trợ nhau trong kỹ thuật trồng và chăm sóc cây; được hỗ trợ trồng ổi theo quy trình VietGAP, xây dựng sản phẩm ổi ruột hồng đạt OCOP 3 sao. Ðồng thời được ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm ổi ruột hồng với Công ty Cổ phần vườn trái cây Cửu Long và các công ty khác ở tỉnh Long An, tỉnh Tiền Giang, tỉnh An Giang và tỉnh Bến Tre…
Nhờ có sự đoàn kết, tương trợ nhau trong sản xuất, mô hình trồng ổi ruột hồng của Hợp tác xã nông nghiệp ổi ruột hồng Thới Tân hiện nay có 31 thành viên, với 29ha, mỗi năm cung cấp cho thị trường trên 700 tấn trái ổi ruột hồng. Năm 2024, Hợp tác xã phấn đấu cung cấp cho các doanh nghiệp và thị trường trên 1.200 tấn trái ổi ruột hồng. Hiện nay, nhiều thành viên trong hợp tác xã đang có kế hoạch mở rộng diện tích trồng ổi ruột hồng thêm 5ha để tăng nguồn thu nhập, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Từ mô hình ổi ruột hồng do ông Nguyễn Văn Bé khởi xướng, những năm gần đây, mỗi thành viên trong Hợp tác xã nông nghiệp ổi ruột hồng Thới Tân đều có mức thu nhập từ 100 đến trên 300 triệu đồng/năm. Ông Lương Duy Khanh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thới Lai, cho biết: “Ông Nguyễn Văn Bé là một trong những tấm gương hội viên nông dân cần cù lao động, năng động, làm kinh tế giỏi điển hình của huyện Thới Lai. Ông luôn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm làm ăn với bà con địa phương cũng như các địa phương lân cận khi họ đến tham quan, học hỏi để cùng nhau vươn lên làm giàu chính đáng”.
Bài, ảnh: ANH DŨNG