29/11/2009 - 22:17

Làm gì để nâng cao chất lượng, giá trị gạo Việt Nam?

Đó là nội dung xoay quanh Hội thảo quốc tế “Lúa gạo Việt Nam xuất khẩu và hội nhập” với sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia quốc tế, doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo Việt Nam, được tổ chức vào ngày 29-11-2009, trong khuôn khổ Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ I tại Hậu Giang. Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, hạt gạo Việt Nam đã tiến xa hơn về chất lượng trên thị trường quốc tế trong 3 năm qua và có phân khúc thị trường, giá trị cũng cao hơn... Báo Cần Thơ xin trích giới thiệu một số ý kiến của chuyên gia nhằm tạo dựng thương hiệu hạt gạo Việt Nam với chất lượng, giá trị cao và bền vững...

ÔNG RICHARD MOORE- CHUYÊN GIA THƯƠNG HIỆU THẾ GIỚI:

 

Giá gạo liên quan đến chất lượng gạo và phương cách giao hàng. Nâng cao giá trị hạt gạo cần sự đầu tư lớn về tiếp thị, bao bì và bán hàng. Xây dựng thương hiệu hạt gạo từ sản phẩm thông thường khi gắn lên bao bì một thương hiệu là gắn với tạo dựng uy tín và liên hệ với khách hàng trên thị trường. Thái Lan làm thương hiệu rất tốt nên họ vẫn là nước xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới và giá trị luôn cao hơn Việt Nam. Hiện nay, xu hướng tiêu dùng thế giới là sự chọn lựa chủ yếu tập trung vào sản phẩm có thương hiệu được phổ biến rộng rãi và tạo được cảm xúc trong lòng khách hàng. Nếu không có thương hiệu sẽ chịu thiệt nhất định khi chen chân vào thị trường xuất khẩu. Trong tạo dựng thương hiệu ngoài bao bì, đóng gói bắt mắt, chất lượng phải đảm bảo bằng cam kết thiết thực và tạo được cảm xúc với khách hàng thì gạo Việt Nam sẽ có vị trí vững chắc hơn.

ÔNG HERBY NEUBACHER - CỐ VẤN TẬP ĐOÀN TRUYỀN THÔNG CHUYÊN NGÀNH LƯƠNG THỰC VÀ THỰC PHẨM CHÂU ÂU:

 

Hạt gạo Việt Nam hiện qua nhiều khâu trung gian, cần rút ngắn khoảng cách này để tiền phải chảy vào túi nông dân chứ không thể ở khâu trung gian, như vậy mới kích thích sản xuất và tiêu thụ của các ngành khác. Người tiêu dùng đi siêu thị như là trải nghiệm và họ muốn chọn bao bì sản phẩm bắt mắt. Có ý kiến cho rằng, gạo ra thế giới phải tốn rất nhiều tiền, nhưng tôi cho rằng không phải như vậy, nếu biết tận dụng những công cụ có của mình. Dân số Việt Nam là dân số trẻ với độ tuổi trung bình 25-30 tuổi, thực phẩm Việt Nam có thể được chuyển tải bằng sức trẻ để phát huy lợi thế ở đấu trường quốc tế. Nhiều sản phẩm được chế biến từ gạo như: bột, bún, bánh... của Việt Nam rất ngon.

Nâng cao giá trị hạt gạo, không thể chạy theo số lượng mà hãy nghĩ đến giá trị dịch vụ của hạt gạo. Thế giới phương tây không hiểu hết qui trình sản xuất của hạt gạo Việt Nam bắt nguồn từ đồng ruộng, từ những con người trẻ đầy sáng tạo... Do vậy, cần tái hiện cho họ thấy những hình ảnh này. Hiện nay, gạo Việt Nam xuất khẩu với những cái tên rất đơn giản: gạo trắng, gạo hạt dài, gạo thơm... Phải nghĩ đến hạt gạo Việt Nam xanh, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, phải mạnh dạn cho thế giới biết gạo này đến từ Việt Nam. Xây dựng thương hiệu bắt đầu từ vùng lúa của Việt Nam là Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tôi nghĩ rằng, thế giới biết đến cái tên vùng ĐBSCL nhiều hơn là Việt Nam, họ biết hình ảnh người dân đi bằng xuồng ba lá, cần cù... Khi có thương hiệu, hạt gạo của Việt Nam sẽ đủ sức so kè với các đối thủ cạnh tranh lớn...

G.B - T. T (Lược ghi)

Chia sẻ bài viết