24/03/2009 - 08:50

Làm gì để "kích cầu" văn hóa đọc?

Giá sách cao, chất lượng sách cho giới trẻ còn thiếu và yếu, hình thành thương hiệu cho các nhà xuất bản và vấn đề bản quyền trong hoạt động xuất bản… là những nội dung “nóng”được đưa ra bàn trong 2 ngày (từ 19 đến 20-3) diễn ra Hội nghị Tổng kết hoạt động xuất bản và phát hành xuất bản phẩm toàn quốc tại TP Cần Thơ. Dưới đây là một số ý kiến của các đại biểu quanh vấn đề làm thế nào để “kích cầu” văn hóa đọc:

Ông Phạm Minh Thuận - Tổng Giám đốc Công ty phát hành sách (Fahasa):

 

Sự bùng nổ của công nghệ thông tin tác động mạnh mẽ đến thị trường sách và các xuất bản phẩm. Năm 2008, giá giấy trên thị trường tăng cao hơn 30% nên trực tiếp tác động đến công tác in ấn, xuất bản. Song song đó chi phí sản xuất cũng liên tục tăng. Về sách, bình quân tăng từ 150 đến 200đồng/ trang in. Chính vì thế, số đầu sách và số lượng in trong 7 loại đề tài xuất bản là: Sách chính trị – pháp luật; Sách Văn hóa- xã hội, nghệ thuật tôn giáo; Sách văn học; Sách khoa học- công nghệ, kinh tế ; Sách giáo khoa, tham khảo và từ điển; Sách thiếu niên, nhi đồng và các loại xuất bản phẩm khác thì chỉ có sách văn học tăng 20%, Sách giáo khoa tham khảo và từ điển tăng 1%, còn lại đều giảm, đặc biệt là sách cho thiếu niên, nhi đồng giảm 28,9% số cuốn, 14,8% số bản.

Tuy nhiên, nguyên nhân suy giảm các xuất bản phẩm không hẳn là do khủng hoảng kinh tế bởi càng thất nghiệp người lao động càng cần sách để nâng cao kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn. Điều chúng tôi băn khoăn là hiện nay giá sách còn quá cao so với mặt bằng chung. Sách là sản phẩm văn hóa đặc thù mà khách hàng nếu chỉ quan sát độ dày, hình thức trình bày thì không thể biết ngay được giá trị. Chỉ khi đọc xong, độc giả mới có thể biết được quyển sách mình mua có xứng đáng với đồng tiền đã bỏ ra không. Đề nghị Nhà nước nên có một cơ chế quản lý giá sách để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Cục xuất bản nên có cuộc điều tra xã hội học về xu thế và thị hiếu của độc giả để có cái nhìn toàn diện và thực tế hơn.

Ông Chu Hảo - Giám đốc Nhà xuất bản Tri Thức:

 

Nhà xuất bản Tri Thức có 5 kiến nghị về cơ chế, chính sách của ngành xuất bản trong thời gian tới:

1/ Muốn đổi mới, cải tiến cơ chế chính sách của ngành xuất bản thì trước hết nhận thức, tư duy của các cấp quản lý và cán bộ quản lý phải theo kịp và phù hợp với quan điểm của pháp luật và Nhà nước được thể hiện trong Chỉ thị 42 và Luật Xuất bản đó là: “Xuất bản là một ngành hoạt động trong lĩnh vực văn hóa -tư tưởng, vừa kinh doanh vừa thực hiện mục đích chính trị”.

2/ Đề nghị Bộ Tài chính chấp nhận kiến nghị của Bộ Thông tin- Truyền thông về việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp của ngành xuất bản từ 25% hiện nay xuống còn 10% và áp dụng mức thuế giá trị gia tăng như đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa. Bộ Tài Chính nên nghiên cứu giảm thuế nhập khẩu cho loại giấy tái sinh có tỷ trọng nhẹ và độ trắng rất thích hợp cho in sách (mà ở nước ta hình như chưa sản xuất đại trà được) thì sẽ góp phần đáng kể kéo giá sách xuống gần hơn với thu nhập trung bình của người dân hiện nay.

3/ Một trong những yếu tố tạo nên giá sách cao hiện nay là tỷ lệ chiết khấu phát hành quá cao: từ 40 đến 60% giá bìa. Các nhà xuất bản đều không hài lòng với tỷ lệ chiết khấu này còn các công ty phát hành nghiêm chỉnh cũng không có ý đồ trục lợi trong việc này. Đề nghị Cục Xuất bản nghiên cứu kỹ về cơ chế quản lý giá sách cũng như hướng dẫn giá sách hợp lý, gián tiếp điều chỉnh tỷ lệ chiết khấu.

4/ Nạn in lậu và xâm phạm bản quyền ngày càng quyết liệt và tinh vi hơn. Mặc dầu đã có khá đủ các khung hình phạt nhưng trên thực tế chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính với mức tối đa là 30 triệu đồng như hiện nay thì đó không phải là hình thức ngăn chặn mà có tác dụng gần như khuyến khích hành vi phạm tội theo kiểu đặt trước sự việc đã rồi, “chịu phạt để tồn tại”. Phải coi sách in lậu và vi phạm bản quyền là hàng giả và truy cứu trách nhiệm hình sự.

5/ Bộ Thông tin- Truyền thông nên phối hợp với Bộ Văn hóa- Thể thao – Du lịch lập lại trật tự trong việc đưa sách có giá trị, đặc biệt là sách phổ biến kiến thức, sách phục vụ nghiên cứu và giảng dạy vào các thư viện, thư viện các trường học. Hiện nay, tình trạng thu chiết khấu cao và hóa đơn không minh bạch để mua các sách ế, sách ít có giá trị đã trở nên phổ biến ở rất nhiều thư viện trên cả nước.

Ông Lê Phước Dũng - Phó Chủ tịch thường trực Hội Xuất bản Việt Nam:

 

Những người làm công tác xuất bản đang có nỗi băn khoăn chung là các mức thuế phải chịu như những ngành kinh doanh khác trong khi ngành xuất bản là ngành tư tưởng- văn hóa. Rõ ràng giữa chủ trương của Đảng và việc thể hiện bằng chính sách là vẫn còn khoảng cách. Nhà nước cần có những chế độ, chính sách ưu đãi hơn để cho giá thành của các xuất bản phẩm rẻ hơn và nhiều người có cơ hội tiếp cận với sách hơn. Hàng năm, Nhà nước đều có khoản trợ giá cho các xuất bản phẩm do Nhà nước đặt hàng có giá trị về chính trị tư tưởng hay những tác phẩm có giá trị văn hóa cao (khoảng 7 tỉ đồng/ năm cho 55 nhà xuất bản) khuyến khích các nhà xuất bản ra được nhiều quyển sách có giá trị (nhưng phải thừa nhận loại sách này kén người đọc). Cái khó nhất của các nhà xuất bản hiện nay là thói quen đọc sách người dân còn quá ít.

Để sách có thể đến được với nhiều người hơn, song song với việc thực hiện các chính sách “kích cầu” văn hóa đọc, các Công ty phát hành sách cũng cần xây dựng những hiệu sách thích hợp trong hẻm nhỏ, ở các huyện, xã vùng sâu vùng xa, góp phần giảm chi phí để phục vụ tốt hơn những độc giả yêu sách.

VŨ CHÂU (ghi)

Chia sẻ bài viết