Tại cuộc gặp với các quan chức Ấn Độ trong khuôn khổ chuyến thăm 2 ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta hôm 6-6 đã lên tiếng thúc giục quốc gia Nam Á tăng cường thắt chặt hơn nữa quan hệ quân sự với Mỹ, tuy nhiên các nhà lãnh đạo Ấn Độ có vẻ như chỉ muốn cải thiện quan hệ quân sự và mua vũ khí từ Washington hơn là trở thành đồng minh chiến lược của họ.
Các quan chức cấp cao của Ấn Độ đã nêu quan điểm của họ về vấn đề trên trong hai ngày diễn ra đàm phán khi cho rằng New Delhi sẽ tiếp tục thiết lập quan điểm đường lối của họ đối với những ưu tiên cho an ninh quốc gia của Mỹ, bao gồm việc cô lập Iran và xây dựng lực lượng an ninh giúp Afghanistan, đôi khi cùng hợp tác với Washington và cũng có lúc lại không. Người đứng đầu Lầu Năm Góc miêu tả việc thúc đẩy hợp tác quốc phòng như “một yếu tố then chốt” trong chiến lược quân sự mới của Mỹ tại châu Á. Tuy nhiên, phía Ấn Độ lại cho thấy quan điểm rõ ràng trong chính sách ngoại giao độc lập qua hàng thập kỷ cũng như phản ứng của họ đối với “thiện chí” của Mỹ là khá lạnh nhạt. “Chúng tôi sẽ chẳng bao giờ là đồng minh của Mỹ”- Lalit Mansingh, nhà phân tích và là cựu Đại sứ Ấn Độ tại Washington nhấn mạnh.
Mỹ vẫn còn duy trì tàu chiến loại lớn và các trang thiết bị hỗ trợ tàu ngầm cũng như căn cứ không quân trên hòn đảo Diego Garcia thuộc vùng biển Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, Washington không đặt bất cứ căn cứ quân sự nào của họ tại Ấn Độ. Chiến lược quân sự mới của Mỹ nhằm phục hồi sự hiện diện quân đội của họ trên khắp khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhưng không phải bằng cách tạo dựng các căn cứ kiên cố lâu dài hay triển khai lực lượng hùng hậu nơi đây. Thay vào đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh Washington sẽ hướng đến việc xây dựng mối quan hệ hợp tác về quân sự với các quốc gia thân cận thông qua việc mua bán vũ khí cũng như các đợt tập trận chung cùng nhau sẽ được triển khai luân phiên. Thông điệp trên được đưa ra nhằm mục đích tái cam kết với các quan chức Ấn Độ, những người đang nóng lòng muốn hiện đại hóa lực lượng quân đội vũ trang của họ, nhưng có vẻ như vẫn còn do dự trở thành đồng minh toàn diện với Washington.
Ấn Độ là quốc gia đứng đầu thế giới trong việc nhập vũ khí. Năm rồi, New Delhi đã khiến Washington thất vọng khi từ chối bản hợp đồng mua 126 chiếc phản lực trị giá 12 tỉ USD. Ấn Độ vẫn luôn phàn nàn về việc Mỹ dành cho họ những công nghệ chế tạo máy bay cũ kỹ. Giới chức nước này cũng thể hiện sự giận dữ khi cho rằng Mỹ có thái độ miễn cưỡng khi chuyển giao công nghệ nhạy cảm khác cho Ấn Độ, cũng như việc Washington khắt khe trong kiểm tra, giám sát các loại thiết bị vũ khí bán cho Ấn Độ. Tuy nhiên, thời gian gần đây đã có những tín hiệu cho thấy New Delhi và Washington đang nỗ lực cải thiện niềm tin khi nhiều bản hợp đồng mua bán vũ khí với tổng giá trị lên tới 8 tỉ USD đã được ký kết, dù như giới phân tích nhận định, vẫn còn một khoảng cách khá lớn để hai bên trở thành đồng minh chiến lược của nhau.
THANH LIÊM (Theo LA Times)