Truyện ngắn: Nhật Hồng
Con lộ mới được trải nhựa thẳng tắp, đi ngang qua cánh đồng lúa vàng ươm. Cánh đồng bao la đầy nắng gió. Trên đường, người và xe qua lại tấp nập. Cây trâm trước kia đứng chơ vơ giữa đồng nay nhờ con đường xẻ ngang mà nằm cặp bên lề lộ, trở thành điểm hội tụ vui chơi. Ban ngày người dân ở đây đem bắp nấu, trái cóc, trái ổi ra gốc cây bày bán, bao nhiêu cũng được khách bộ hành mua hết. Rồi có người sáng kiến đem bàn ghế che dù bán nước mía, nước chanh, thật đắt khách. Cô Lý, người trong làng bày mấy chiếc bàn con bán cà phê, sẵn tiện chiều chiều đem can rượu đế, bắc bếp lửa than với vài con khô cá đuối, cá kèo. Quán cây trâm rộn rã tiếng cười nói.
Lão Tám- người ta gọi như vậy vì lão tự giới thiệu là Tám- không biết từ đâu lang thang đến đây, ban ngày làm thuê làm mướn khắp nơi, tối ngủ bờ ngủ bụi. Lần đầu tiên lão đến đây dốc hết tiền trong túi vỏn vẹn hai mươi ngàn đồng. Khi cô Lý dọn dẹp đồ đạc, lão xin ở lại ngủ ngoài gốc cây. Sáng ra người ta đánh thức lão dậy, lão lại lên đường, ai thuê gì làm nấy, với gói hành lý bụi bặm, đôi chân gầy gò trong đôi dép mòn như chiếc lá. Lâu dần người làng cũng nhận ra lão luôn di chuyển xoay tròn xung quanh vùng này, với tâm là cây trâm. Thế nên người làng mới hỏi lão, cây trâm này có gì đặc biệt, để rồi mở ra một câu chuyện dài.
|
|
Theo lời lão Tám, cây trâm đã có từ lâu lắm, từ lúc lão còn con nít, cây trâm đã có rồi. Lúc ấy gốc cây đã to bằng người ôm, da sần sùi. Đến mùa Giêng hai thợ gặt đem cơm vào gốc cây ngồi ăn, ngủ nghỉ. Cây trở thành nơi che nắng, mưa cho dân làm ruộng. Khi buồn tay những thợ gặt trẻ tuổi dùng lưỡi hái khắc tên họ, ngày tháng năm, ghi dấu ấn yêu đương trên da cây để kỷ niệm. Có người nông nỗi đi bắt rắn, bắt chuột; ủ rơm đốt cây trâm cháy trơ trụi vậy mà cây vẫn không chết, khi mưa xuống lại đâm chồi nẩy lá.
Lão Tám còn kể khi người Pháp đặt quyền hành tại xứ sở này, cây trâm làm cột mốc của đồn điền. Một hôm quan Tây và hương chức hội tề đi thăm ruộng đến gốc cây trâm ngồi nghỉ. Bỗng có con rắn to từ trên đọt cây bay xuống quấn cổ làm quan Tây ngất xỉu, nên từ đó quan không dám bén mảng ra thăm đồng. Đến thời Ngô Đình Diệm kéo máy chém khắp nơi, bọn lính lùng sục tìm bắt cán bộ mình đem ra đây tra khảo, sát hại. Kể đến đây, lão Tám chợt trầm ngâm, bởi lão đang kể về người đồng đội: Lần đó, Vân là cán bộ cơ sở chẳng may bị bắt, giặc đem ra đây xử tử. Tổ chức tìm mọi cách cứu Vân, trong đó lão Tám được giao nhiệm vụ chính, nhưng không thành.
Qua lời lão Tám, người làng mới biết hồi đánh Mỹ, quân ta dùng cây trâm làm ám hiệu và túi dựng tin tức. Trên đọt cây trâm có hốc to, kín đáo, không ai biết, nên vẫn dùng làm hộp thư. Lúc nào có giặc đi càn hoặc phục kích thì trên cây trâm có thêm cây rơm khô, hoặc chiếc nón lá cũ rách. Đơn giản vậy mà xuyên suốt thời chiến tranh không bị lộ, nhiều bước chân cán bộ chiến sĩ bình yên ngang qua đây.
Nghe lão Tám kể đến đây, người ta mới nhận ra cây trâm như có tình người. Mùa khô người lớn, trẻ con tới lui, thì cây tươi vui trổ hoa kết trái. Đến mùa nước ngập, người vắng tới lui cây buồn ủ rũ. Những đêm giông bão cây trâm lầm lì chịu đựng sấm chớp. Cây cô đơn với những tháng năm mất mùa. Người làng còn thấy hình như cây rướm máu khi bị giặc bắn phá tơi bời, thường khóc trong đêm qua kẽ lá, ru buồn với gió.
Xen giữa những câu chuyện, lão Tám nói bà con nên đem cây trái, rau quả, lúa gạo và mấy sản phẩm đan lác bán tại đây. Lão nhận định: Điểm này thuận lợi cho bà con mình mở cái chợ nho nhỏ mua bán nông sản mình làm ra. Không ai để ý đến lời của lão Tám, chỉ có cô Lý chủ quán cà phê kiêm quán rượu nghe theo. Khi cô Lý đóng cái sạp để bán rau trái và cái tủ hàng xén, xe qua lại và người chung quanh ghé vào mua. Vài tháng cô mở rộng thành cái tiệm lớn hơn. Người ta thấy được, cũng mở tiệm và các dịch vụ khác cũng thuận theo thành hình. Chợ Cây Trâm hình thành từ đó.
Chợ nằm trên trục lộ giao thông gánh hai đầu: một bên là quận một bên là huyện, cũng là con đường huyết mạch về thành phố nên giao thông ngày một đông đúc. Chợ nằm giữa thôn xóm dân cư đông đúc, đã từ lâu bị bịt lối bởi chỉ có đường sông ra chợ mất nửa ngày đi và về. Nay lộ nhựa ngang qua, mở ra cuộc sống mới cho cả một vùng nông nghiệp trù phú. Lúc này người chợ mới nhìn lại: Chợ vừa đông, thì lão Tám cũng biến đâu mất.
***
Một buổi sớm có chiếc xe giảm tốc độ rồi đậu vào lề đường, trên xe một nam, một nữ trẻ tuổi bước xuống lễ phép hỏi cô Lý:
-Thưa cô, nghe nói ở đây có một ông lão tóc râu bù xù, xưng là lão Tám thường ghé gốc cây trâm phải không cô?
- Đã mấy tháng nay không thấy ông ấy nữa
Xin hỏi hai cháu tìm ông ấy có gì gấp không, để cô và người làng phụ giúp
- Ông ấy là ba con. Trên đầu vẫn còn miểng pháo ngày xưa chưa lấy ra được, nên lúc tỉnh lúc mê, thường hay trốn khỏi nhà đi tìm đồng đội xưa. Lần theo nhật ký của ba tụi con đi khắp nơi tìm, đọc tới đoạn cây trâm và cô Vân, tụi con mới tìm đến đây
Nghe vậy người làng túa đi tìm lão Tám, chắc hẳn rằng lão không đi đâu xa, lão vẫn lấy cây trâm làm tâm, có lẽ để tìm mộ phần của người nữ chiến sĩ tên Vân