Truyện ngắn: LÊ QUANG TRẠNG
Lần nào về tới ngã ba Dòng, tía cũng kêu tôi gọi má. Lúc đó ánh mắt tía đậu lại nơi chậu cúc trắng trước mũi ghe, rồi ngoái nhìn ngã ba sông cho đến khi nơi đó chỉ còn là những con sóng xa vô tận. Những cây cúc tía gieo trong chậu từ hồi trước Chạp, mặc cho sóng nước chòng chành, vẫn trổ bông trắng ngần lên tầng lá xanh xanh.
Gia đình tôi có nhiều chuyện gắn với mùa bông. Tía má tôi khi xưa gặp nhau trong chợ bông. Rồi sau đó một năm, ngay ngày mồng Một Tết, lúc chợ bông vừa tan cũng là lúc tía má tôi được ông bà hai bên làm lễ cưới. Rồi năm sau, tôi ra đời ngay lúc má đang mang bầu ngồi bán ở sạp bông. Có lẽ vậy mà tía má tôi chọn nghề thương hồ đi ghe hàng bông. Mùa trồng bông bắt đầu vào hai tháng cuối của năm, rộn ràng dần dần trên mảnh đất tía má gieo trồng, gieo cả những mồ hôi, nước mắt vui buồn. Mảnh đất trước nhà, nơi tía má làm không công cho chủ; chăm sóc những luống bắp, khoai. Sau mùa thu hoạch, người ta sẽ để lại cho tía má tôi mảnh đất ấy để gieo trồng đến sau ngày Tết. Má tôi nói, đất nó đã gồng mình suốt một năm trời, năm mới mình cũng phải để cho nó nghỉ ngơi. Bởi vậy mà tía tôi trồng bông. Ít vốn, không hư đất mà lại thấy mát lòng trong những ngày rộ nở.
Tía chăm sóc bông một cách kỳ công, chăm chút từng cây và hồi hộp chờ ngày rộ nở. Những lúc rảnh tay, ngồi trên bờ đê, tía với má thả mắt nhìn những cánh bông vừa đâm nụ. Lần nào cũng vậy, cứ sau khi đưa Ông Táo về trời, tía má lại thắp một cây nhang ở bờ đê. Đó là nghĩa cử cảm tạ đất đai và những cánh bông đã đơm cho tía má tôi thành quả và niềm hy vọng.
Có lần, khi tía má ôm đến cái chậu bông cuối cùng xuống ghe, tôi chạy lại ôm chân má khóc. Má dỗ dành tôi: “Con ngoan, ngoan nè, ở nhà với nội, Ba Mươi Tết má về, má mua bánh mứt, quần áo mới cho con nghen”. Chắc má nghĩ, tôi chỉ là muốn má ở nhà. Nhưng má có biết đâu, năm ấy, năm tôi mười hai tuổi ấy, tôi thấy hoang mang khi mớ bông trước nhà bị nhổ hết đem đi, chỉ còn mấy cây cúc trắng gầy guộc, lẻ loi ở bờ sông gió đông giật xuôi giật ngược…
Trong những khóm bông tía má trồng ở bên sông, má quý nhất cúc trắng. Má nói, đó là loài hoa trắng ngần tự nhiên. Má nghĩ rằng, người ta cũng thấy bông cúc trắng đẹp và tinh khôi, nên sẽ mua về chưng nhà cho có gì đó êm đềm và nhẹ nhàng. Nhưng má có biết đâu, người ta chọn mua cúc đỏ, cúc vàng, cúc tím… chứ đâu ai chọn bông cúc trắng buồn buồn và thơ dại này chi… Bởi vậy năm nào, những chậu cúc trắng của má dù to rẻ đến cách mấy cũng khó mà bán hết được. Phần đó má gửi tặng lại mấy bạn hàng ngồi gần, họ cũng chối từ. Nên năm nào nhà tôi cũng có bông cúc trắng chưng Tết. Duy nhất một năm là không, đó là năm má đi bán bông và không về nữa…
Năm đó, thấy mấy ngọn đèn ở hai bên bờ sông sáng lấp lánh, má tôi suốt ruột nên nói với tía: “Hay năm nay mình về sớm cúng ông bà. Còn mấy chậu bông cúc trắng này, mình đem về cho tụi nhỏ mừng”. Má về với sự nhẹ nhõm trong lòng, bông đã bán xong, mớ tiền kiếm được đủ để lấp đầy những thiếu hụt năm sau. Má gọi điện về nhà: “Má có mua mấy ái áo mới cho hai đứa, bộ ấm trà mới cho nội. Nói nội đừng lo, chừng ba tiếng nữa tía má về tới nhà”…
Nhưng sông Dữ có lúc hung, mà lần này sông lại hung ngay mùa Tết đến. Những con sóng lưỡi búa làm cho chiếc ghe loạng choạng khi qua ngã ba Dòng. Chiếc ghe long đong, chậu cúc trắng kế bên chỗ má ngồi bất chợt rơi xuống sông. Tiếng rơi nghe như người ta đánh rơi ước mong của mình xuống đó. Má vói tay theo chụp lại, nhưng không kịp. Con sóng hung hãn làm nên một chuỗi liên miên. Tía cũng không kịp tay với lấy má trước khi chiếc ghe và người mỗi lúc mỗi xa, chia thành ba ngã…
Người ta cứu được tía tôi, tìm được chiếc ghe trôi lạc xuống đuôi cồn trong đêm, nhưng mãi đến hôm sau mới tìm được má. Lúc đó, má vẫn còn cầm trong tay mấy cây bông cúc trắng trơ ra cọng, những cánh bông đẹp đẽ, tinh khôi chở những ước mơ đã rơi mất ở dọc đường của má.
Tía hay rầy: “Chuyện cũ rồi, con đau làm chi, má con buồn”. Ông an ủi tôi đó thôi, chứ lòng ông cũng mênh mông và trơ trọi. Tôi nói với tía, hay mình bán chiếc ghe đi, chiếc ghe này có “huông”. Tía ngồi trên bờ đê nhìn mớ đất cũ sắp vào mùa xới, ông im lặng đến mức nghe cả tiếng gió đi trên sông. Tôi lại nói tiếp: “Năm nay tía cũng yếu hơn rồi. Hay là mình đừng đi bán nữa, ở nhà với tụi con cho Tết ấm cúng nha tía”. Lúc này thì tía có vẻ giận, ông im lìm không nói, rồi lủi thủi đi về phía dòng sông. Tôi nghe mắt mình hơi xót, hình như tấm lưng tía còng đi vì cõng nhiều nỗi niềm ký ức…
Đó là những ngày tôi ý thức rõ sức khỏe tía bắt đầu có những dấu hiệu yếu dần. Gần nhất là lần tía choáng váng khi đang cuốc đất, rồi quỵ té trên đê. Sau đó là những bước chân có lúc không vững nữa. Tôi thuyết phục tía bán chiếc ghe, bỏ nghề hàng bông trôi nổi những ngày đông. Nhưng tía cương quyết không chịu, ông nói đời ông mỗi năm chỉ mong có mấy ngày chờ Tết, bắt tía không đi bán nữa thì ông chết sướng hơn. “Nhưng tía ơi, nhà mình đâu còn nghèo khó nữa đâu, con đã đi làm trên thị xã, thằng Út làm nghề sửa xe trước nhà, đã có tiền đủ cho nhà mình no ấm. Tía đâu cần phải chật vật mưu sinh”. Nhưng tía không chịu, ông có vẻ như van xin chúng tôi cho ông được tiếp tục trồng và bán bông: “Tía nhớ sông, nhớ hàng bông, nhớ chợ”. Tôi nói với thằng Út, năm này nữa thôi, năm sau nhất định không để tía đi nữa. Thằng Út cũng đồng ý, Út bỏ sửa xe những ngày cuối Chạp, đi theo tía…
Những ngày như vậy, tía mừng vui. Ông trồng cả cánh đồng ven sông bông thọ, bông cúc, bông huệ… Và vẫn không quên vun trồng một hàng bông cúc trắng ở phía bờ sông. Những bông cúc trắng thơ ngây từ xứ quê mùa, được lên phố đứng xem dòng người qua lại, rồi lại về quê khi đời của cúc trắng sắp bước vào mùa tàn.
Tía đứng ở bến chợ Hàng Bông thị xã, gọi điện cho tôi: “Bữa nay tía bán đến tám giờ tối rồi thôi. Con tranh thủ ra đi ghe về chung, khỏi đi xe đò chi cho tốn tiền”. Chiếc ghe năm xưa là cả một không gian tuổi thơ tôi, giờ đây có phần hơi chật. Tôi nằm bên tía, ngó lên nóc mái che, như thấy gương mặt tôi và thằng Út những năm theo tía lên chợ bán bông, đến gần giao thừa vẫn còn chạy lông nhông đợi tía bán xong, réo gọi: “Về nhanh đi, bận áo mới nè”.
Tía ngó ra ngoài, trời tối đen như mực, rồi lại quay vào: “Tới chợ Mương Tịnh rồi đó, chỗ này năm xưa tía với má mầy gặp nhau. Năm đó má của tụi con đi bán xoài, tía đi bán bông. Má con mê bông cúc trắng nên về với tía…”. Đoạn hồi lâu, tía ngó ra sông rồi lại nói: “Tới chợ Bà Vệ rồi đó, hồi đó má đau bụng đẻ thằng Hai ngay bữa Ba Mươi Tết, đang lúc bán bông. Tía để thí mớ bông lại đó, đưa má đi đẻ. Đến sáng bữa sau mới lại, có người mua gửi tiền lại cho người này người kia, có người lấy bông không biết đâu mà hỏi. Nhưng mấy chậu bông cúc trắng không ai lấy, má con nghe vậy thôi cũng nửa vui, nửa buồn; má con mê bông cúc trắng lắm”… Vừa dứt câu chuyện, tía ngó ra sông: “Này là tới ngã ba Dòng, con ngồi dậy kêu má về ăn Tết đi con”. Tôi lật đật ngồi dậy, mắt hơi xốn xốn, tôi nói nhỏ, “Má ơi, con nè má, má về nhà ăn Tết, má ơi”. Tía lắng nghe tôi nói, rồi lắng nghe thằng Út gọi má ngoài sau lái. Lắng tai nghe cho rành rọt rồi, tía nói vói theo: “Tui chừa mấy chậu bông cúc trắng, trắng tinh à, đẹp dữ lắm bà ơi”.
Ngã ba sông Dữ lúc nào mà không có sóng, sóng làm chiếc ghe chòng chành. Tía nói: “Sóng chỗ này dữ lắm, sông mà, phải có sóng chứ. Nhưng mình phải sống với nó, đừng để sóng nó làm lòng mình chòng chành, rơi ngã, chìm nghỉm theo”. Tôi ngó mấy bông cúc trắng, trong chập choạng ánh đèn cà na ở trên cây bẹo, dòng sông vẫn không ngớt sóng; bông cúc trắng vươn thân thẳng, bông ngẩng cao những cánh trắng tinh khôi làm lòng mình trong lắng đến lạ kỳ. Hình như tôi thấy má đang cười với tía con tôi, tôi thấy những ký ức tuổi thơ đang ùa về, những tiếng nói cười đẹp và lung linh, chở cho tôi ký ức tuổi thơ và những nỗi niềm…