06/12/2013 - 20:14

“LIFE OF PI- CUỘC ĐỜI CỦA PI”

Kiệt tác mới của điện ảnh thế giới

Bộ phim 3D "Life of Pi" (chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Canada Yann Martel) của đạo diễn Lý An đã thành công vang dội khi đạt doanh thu thế giới trên 600 triệu USD; đoạt 4 giải Oscar năm 2012 và "Nhạc phim hay nhất" của giải "Quả cầu vàng" lần thứ 70. Nội dung hấp dẫn cùng với kỹ xảo tuyệt vời đã góp phần giúp "Life of Pi" được giới chuyên môn đánh giá là kiệt tác mới của điện ảnh thế giới.

Phim phát sóng lúc 20 giờ, thứ bảy, ngày 7-12-2013 trên kênh Star Movies.

Pi và chú hổ Richard Parker trên chiếc xuồng bé nhỏ lênh lênh trên biển cả. Ảnh: rushlane.com 

Cậu bé Piscine Molitor Patel- thường gọi là Pi sống cùng cha mẹ và anh trai ở Ấn Độ. Gia đình Pi kinh doanh một vườn thú lớn. Do biến động xã hội, năm Pi 16 tuổi, gia đình cậu bán vườn thú và di cư sang Canada cùng một số con thú đặc biệt trên một chiếc tàu chở hàng của Nhật. Con tàu bị đắm lúc nửa đêm trong một cơn bão lớn. Chỉ một mình Pi may mắn thoát chết trên một chiếc xuồng cứu hộ cùng với một con ngựa vằn bị gãy chân, một con khỉ cái, một con linh cẩu và một con hổ dữ. Các con thú lần lượt tàn sát lẫn nhau đến khi trên xuồng chỉ còn Pi và con hổ nặng hơn 2 tạ tên Richard Parker. Hơn 7 tháng trời lênh đênh trên biển Thái Bình Dương, Pi đã vận dụng toàn bộ trí tuệ, sức lực, sự hiểu biết về loài vật cùng nghị lực phi thường để sống sót trong những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất. Cuối cùng, cả hai trôi dạt vào bờ biển Mexico, con hổ về với rừng rậm còn Pi trở lại cuộc sống đời thường.

Câu chuyện siêu thực với những tình tiết kỳ ảo, tưởng như chỉ có thể biểu đạt bằng ngôn từ của tác phẩm văn học nay đã được đạo diễn người Đài Loan Lý An kể lại thành công qua ngôn ngữ điện ảnh và công nghệ 3D kỳ thú. Xem phim, khán giả bị mê hoặc và choáng ngợp trước những cảnh quay lung linh, kỳ vĩ về trời mây, biển cả. Ấn tượng nhất là chú hổ Richard Parker. Kỹ thuật số CGI tiên tiến đã tạo nên một sinh vật sống động như thật dựa trên tư liệu về hình ảnh và vật lý từ bốn chú hổ Bengal. Đặc biệt, công nghệ 3D đã giúp khán giả hòa mình vào không gian đa chiều để cảm nhận sâu sắc sự lạc lõng, bơ vơ, cô đơn của 2 nhân vật trên chiếc xuồng bé nhỏ giữa mênh mông biển trời.

Phim chuyển tải những thông điệp ý nghĩa: có trải qua khó khăn, thử thách, con người mới trưởng thành hơn. Đặc biệt là bản năng sinh tồn của con người rất lớn, người ta có thể làm bất cứ điều gì có thể để sống sót. Pi là một minh chứng thuyết phục nhất. Từ một cậu bé ăn chay, sùng đạo, Pi buộc phải chiến đấu với các loài thú và ăn cá sống để sinh tồn. Đáng sợ nhất là Pi phải luôn đối phó với con hổ dữ để không bị nó ăn thịt. Lúc đầu, Pi tận dụng áo phao, mái chèo trên xuồng cứu hộ để làm một chiếc bè, tạo khoảng cách an toàn với hổ, bắt hải sản để ăn và chia phần cho nó. Về sau, Pi tìm cách huấn luyện và chế ngự con hổ để có thể chung sống với nó trên một chiếc xuồng. Có lẽ khoảnh khắc lắng đọng nhất chính là lúc Pi và con hổ đều kiệt sức sau cơn bão. Con hổ nằm yên trên đùi Pi để mặc cậu vuốt ve, tâm sự. Khi đối diện với cái chết, cả hai đã không còn ranh giới, khoảng cách giữa người và thú dữ mà chỉ còn sự đồng cảm, sẻ chia…

So với tiểu thuyết, phim có phần thi vị hóa và lược bớt những chi tiết dữ dội nên đôi lúc chưa làm khán giả thấy hết sự khắc nghiệt của chuyến hành trình đầy gian nan, thử thách. Hình tượng nhân vật hổ Richard Parker cũng chưa toát hết được ý nghĩa: là động lực, là người bạn an ủi tinh thần để Pi có mục tiêu sống tiếp.

Cát Đằng

Chia sẻ bài viết