05/06/2008 - 21:45

Ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công Thương

Kiến nghị với Chính phủ sớm giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp

Theo Sở Công Thương TP Cần Thơ, 5 tháng đầu năm 2008, giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố tăng 19,6% so cùng kỳ năm trước; ước 6 tháng đầu năm, tăng 21,5% so cùng kỳ 2007 và đạt 43,7% so kế hoạch năm 2008. Cùng thời gian này, kim ngạch xuất khẩu của thành phố đạt 55% kế hoạch năm và tăng 55% so cùng kỳ năm 2007. Về kết quả này, trao đổi với phóng viên Báo Cần Thơ, ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công Thương, đánh giá:

- Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, bước tăng trưởng khá của ngành công nghiệp, thương mại của TP Cần Thơ rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, nếu nhìn vào cơ cấu sản xuất hàng hóa thì TP Cần Thơ chưa thật sự có sự chuyển biến mới. Thành phố vẫn chỉ tập trung vào những mặt hàng truyền thống, chưa có mặt hàng mới, chưa có mặt hàng có giá trị gia tăng cao hoặc chế biến sâu. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu dù tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2007, nhưng chủ yếu chỉ do giá cả tăng hơn là tăng về sản lượng. Đáng quan tâm là mặt hàng gạo và thủy sản vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu xuất khẩu của thành phố (chiếm gần 90%). Trong khi đó, hai mặt hàng này, giá cả phụ thuộc nhiều vào yếu tố thị trường, nhất là thị trường thế giới nên khó đảm bảo tính bền vững trong quá trình phát triển.

* Hiện nay, ở TP Cần Thơ cũng như các tỉnh ĐBSCL, trong xuất khẩu thủy sản chủ lực là con cá tra. Nhưng giá cá đang giảm mạnh và nghề nuôi cá đang đứng trước nguy cơ phá sản. Theo ông, làm gì để giải quyết tình trạng này?

- Hiện nay, giá mua cá tra nguyên liệu trong nông dân đang rất thấp. Theo tôi, ở đây có hai nguyên nhân: lãi suất vốn vay ở người xuất khẩu khó khăn, nên người ta phải lựa chọn mua những mặt hàng để xuất khẩu có hiệu quả; chất lượng sản phẩm cá tra của Việt Nam ở thị trường nước ngoài. Hiện nay, Bộ Công Thương đang xem lại quy trình nuôi và cả chế biến cá tra xuất khẩu làm sao đảm bảo yêu cầu của thị trường, nhất là chất lượng. Chúng tôi đã bàn với ngành thủy sản, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) tìm biện pháp cải tiến phương pháp nuôi cũng như làm tốt hơn nữa công tác thị trường ngoài nước.

Đối với cơ chế vay vốn tín dụng, lãi suất ngân hàng... Bộ Công Thương đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại quốc doanh hỗ trợ tối đa tín dụng, lãi suất đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực thu mua chế biến và xuất khẩu hàng nông – thủy sản.

Thu mua gạo chế biến xuất khẩu tại Xí nghiệp Chế biến gạo xuất khẩu Mỹ Khánh (Công ty Mekong). 
Ảnh: KHÁNH TRUNG

Thu mua gạo chế biến xuất khẩu tại Xí nghiệp Chế biến gạo xuất khẩu Mỹ Khánh (Công ty Mekong). Ảnh: KHÁNH TRUNG

* Còn mặt hàng gạo thì như thế nào, thưa ông?

- Đối với mặt hàng gạo, chúng tôi phải nói rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo chưa có sự quan tâm đúng mức trong phát triển thị trường nội địa. Nhất là đợt tăng giá vừa qua, chúng ta không thiếu gạo, nhưng thông tin không chuẩn xác làm tâm lý người tiêu dùng đổ xô đi mua gạo tích trữ khiến thị trường gạo lên “cơn sốt ảo”.

* Nhưng theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, nếu tham gia buôn bán ở thị trường nội địa thì doanh nghiệp phải đóng mức thuế suất VAT 5%, thưa ông?

- Đối với mặt hàng gạo, từ trước đến nay doanh nghiệp chỉ quan tâm đến lợi nhuận từ xuất khẩu mang lại. Bán gạo trên thị trường nội địa doanh nghiệp phải đóng thuế VAT 5%. Trong khi đó, tư thương lại đóng thuế khoán. Vì thế, doanh nghiệp khó cạnh tranh được với tư thương. Chúng tôi cùng với Bộ NN&PTNT đã kiến nghị lên Chính phủ, trình Quốc hội bỏ thuế VAT 5% đối với gạo lưu thông trên thị trường nội địa.

Hiện nay, chúng tôi cũng đã thống nhất với Bộ NN&PTNT trình Chính phủ phương án tạo quỹ bình ổn gạo lưu thông. Theo kế hoạch nguồn quỹ này khoảng 100.000 tấn được chia đều cho phía Bắc và phía Nam. Bộ Công Thương cũng đã giao Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc, Tổng Công ty Lương thực Miền Nam đứng ra đảm bảo nguồn để có thể can thiệp vào thị trường khi có những biến động về giá cả hoặc cung cầu. Nhưng tôi cho rằng, với một nước nông nghiệp như chúng ta, đặc biệt là vụ đông xuân vừa qua cả nước được mùa và dự báo vụ hè thu này năng suất cũng cao, vì thế sẽ đảm bảo cung ứng gạo cho nhu cầu tiêu dùng và cho xuất khẩu.

* Hiện nay, lãi suất ngân hàng tăng cao, trong khi đó các doanh nghiệp xuất khẩu lại không được vay ngoại tệ làm ảnh hưởng lớn đến hiệu quả xuất khẩu. Bộ Công Thương có ý kiến như thế nào về vấn đề này, thưa ông?

- Việc không được vay ngoại tệ, hiện nay đúng là doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Chúng tôi cũng đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển về các giải pháp tạo điều kiện cho doanh nghiệp được vay ngoại tệ, đảm bảo lãi suất thấp so với vay Việt Nam đồng lãi suất cao. Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển cùng Bộ Công Thương đang tiếp tục bàn bạc thống nhất các biện pháp nghiệp vụ để giải quyết sớm. Tuy nhiên, việc này còn đợi chủ trương chung. Vì vấn đề vay ngoại tệ là một hình thức sử dụng ngoại tệ trong lưu thông tiền tệ. Đây lại là vấn đề ở tầm quản lý vĩ mô cần được xin phép của Thủ tướng Chính phủ.

* Xin cảm ơn ông!

Đông Triều (thực hiện)

Chia sẻ bài viết