15/06/2020 - 06:22

Kiếm tiền triệu mỗi ngày nhờ trồng mãng cầu dai “khổng lồ” 

Hơn tháng nay, có dịp đi ngang tuyến tỉnh lộ 918, đoạn qua xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, nhiều người không khỏi ngạc nhiên, thích thú với những trái mãng cầu dai khổng lồ được bày bán ngay trước cửa nhà ông Hồ Văn Màu, 62 tuổi, ngụ ấp Thới An, xã Giai Xuân. Mỗi trái nặng trung bình từ 400gr đến trên 1kg, được vợ chồng ông Màu bán với giá 70.000 đồng/kg. Dù sản lượng thu hoạch chưa nhiều nhưng ông Màu đã kiếm được nguồn thu nhập đều đặn từ 1-1,2 triệu đồng/ngày từ loại trái cây này.

Ông Màu bên cây mãng cầu dai hoàng hậu đang cho trái.

Hơn 4 giờ chiều, ông Màu vẫn lui cui ngoài vườn chăm sóc cây mãng cầu dai hoàng hậu. Vừa cắt cành, tỉa bông, ông vừa quan sát đặc tính loài côn trùng ăn bông mãng cầu để tìm cách diệt trừ. Ông Màu cho biết: “Cây này dễ trồng nhưng khó giữ vì cây hay bị rệp sáp, bọ gây hại. Trong đó, bọ ăn bông khiến cây mất năng suất, tôi chưa tìm được cách trị”. Chỉ tay về phía mảnh vườn hơn 1,5 công đang trồng 140 cây mãng cầu dai hoàng hậu, ông Màu cho biết, 4 năm trước, khoảnh đất này vẫn còn là ruộng lúa. Vì canh tác lúa cho thu nhập không cao nên ông Màu quyết tâm chuyển đổi giống cây trồng. Biết ông đam mê các loại cây ăn trái ngon, lạ, con gái lớn của ông khi đó đang làm nghề mua bán trái cây đã lân la hỏi thăm, biết, rồi giới thiệu với ông trái mãng cầu dai “khủng” này. Năm 2017, ông Màu lặn lội tới xã Phú Hựu, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp tìm mua 170 cây giống về trồng. Theo ông Màu, giống mãng cầu dai này có nguồn gốc từ Thái Lan, hay còn được gọi là na hoàng hậu. Cây có nhiều ưu điểm: trái to gấp 3-5 lần mãng cầu dai thường, ít hạt, thịt nhiều, dai và có vị ngọt đậm, thơm mát. Vì thế, có rất nhiều khách hàng đã “phải lòng” trái mãng cầu này chỉ sau một lần dùng thử. “Tuy nhiên, mới trồng cũng “chua” lắm. Do tôi chưa biết cách chăm sóc, lỡ bón phân hơi nhiều và không phát hiện rệp sáp đeo gốc nên vườn bị hao hụt chừng 30 cây. Hiện nay, vườn còn khoảng 140 cây đang tuổi cho trái, nhưng mấy trận mưa vừa rồi cũng làm gãy, chết thêm vài cây” - ông Màu cho biết.

Sau 18 tháng trồng, cây mãng cầu bắt đầu cho trái. Cây khỏe có thể để từ 15-20 trái/vụ. Tính từ lúc cây ra hoa đến trái chín mất khoảng 5 tháng. Trong thời gian này, nhà vườn cần quan sát, tiễn bớt hoa hoặc trái xấu, chỉ để lại những trái đẹp và số lượng phù hợp với sức của cây để trái đủ lớn và cây không quá mất sức. Khi trái lớn tầm quả trứng gà thì tiến hành bao trái để hạn chế sâu bệnh và không bị ảnh hưởng bởi thuốc bảo vệ thực vật. Trái lớn, nhà vườn bao thêm lớp mút xốp để trái không bị giập khi va chạm với nhánh cây. Dấu hiệu nhận biết trái chín là vỏ trái căng bóng, có màu vàng nhạt, mắt nở thẳng. Đã vào cuối vụ thu hoạch nhưng vườn mãng cầu dai hoàng hậu của ông Màu vẫn còn khá nhiều trái. Ông cẩn thận lấy cây chống đỡ để mãng cầu không bị gãy nhánh trong lúc mang trái. Mỗi năm, cây mãng cầu chỉ cho trái được 2 vụ, tuy nhiên, theo ông Màu, nhà vườn linh hoạt, vẫn có thể để nhiều lứa trái để có thể thu hoạch rải rác liên tục trong năm. Ông Màu bật mí: “Chỉ cần chọn cành đủ lớn để mang trái, cắt cành và 2 lá đầu tiên gần mối cắt là cây sẽ đâm tược và trổ bông”.

Trái mãng cầu dai hoàng hậu nặng 700gr.

Dạo một vòng vườn mãng cầu, ông Màu hái trái mãng cầu chín cây, mời khách thưởng thức ngay tại vườn. Đúng như lời giới thiệu của ông Màu, mãng cầu dai khổng lồ rất ít hạt, từng múi mãng cầu ngọt lịm, thơm dịu, rất ngon. Ông Màu cho biết: “Trái chín cây thịt mềm, ít dai nên không ngon bằng hái trái già, để thêm 3-4 ngày, ăn khi trái vừa chín tới thịt dai và ngon hơn nhiều. Vì thế, trái mãng cầu này được nhiều khách chọn mua làm quà tặng. Có điều đặc biệt là, với trái chín cây, có hạt nảy mầm sẵn bên trong trái nhưng đem ươm lại không phát triển tốt. Vì thế, muốn trồng giống cây này, chỉ có cách mua cây giống”. Ông Màu chia sẻ: “Có vài người thấy trái mãng cầu lớn, tò mò, tới hỏi mua. Nhưng khi biết giá bán, họ chê mắc. Nhưng cũng có nhiều người đã từng ăn, khen ngon thì cứ tới mua đều đều, mỗi lần mua 3-5kg”.

Hơn tháng nay, sáng nào ông Màu cũng ra vườn hái mãng cầu đem vô cho vợ bày bán ngay trước cửa nhà, thu về từ 1-1,2 triệu đồng. Ông Màu nói: “Tôi cố gắng vừa trồng vừa đúc kết kinh nghiệm để cải thiện sản lượng, chất lượng trái mãng cầu nhiều hơn. Đây là loại trái cây ngon, giá trị kinh tế cao, tôi rất mong thời gian tới có thể mở rộng diện tích trồng để tăng sản lượng, đưa được loại trái cây này vào siêu thị để tăng thu nhập. Biết nhà tôi có trồng giống mãng cầu độc, lạ và ngon này, một số nhà vườn xung quanh cũng hỏi thăm, nhờ tôi chỉ chỗ mua cây giống. Ngày 10-6 vừa qua tôi đi Đồng Tháp, mua 180 cây giống mãng cầu dai cho người cháu và tôi cũng “tậu” thêm 100 cây giống cho vườn nhà”. Mấy ngày nay, ông Màu dự định “làm trái”, để bông lại nhằm đón đầu nhu cầu khách hàng mùa Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Ngoài giống mãng cầu dai hoàng hậu, vườn nhà ông Màu còn có 1,5 công sầu riêng đã cho trái được 1 vụ, vài chục gốc hạnh lấy ngắn nuôi dài, đảm bảo cuộc sống và nuôi cháu ngoại đang học Đại học ở TP Hồ Chí Minh.

Bài, ảnh: Mỹ Tú

Chia sẻ bài viết