21/07/2024 - 07:41

Kiểm soát đái tháo đường thai kỳ 

Mới đây, TS Swinbourne Richard Roy - chuyên gia đến từ Tổ chức trao đổi giáo dục y tế MEET (Hoa Kỳ) đã tập huấn, trao đổi với đội ngũ cán bộ Bệnh viện (BV) Phụ sản TP Cần Thơ về chủ đề “Đái tháo đường (ĐTĐ) thai kỳ - Quản lý tập thể dục và chế độ ăn uống”. TS Swinbourne Richard Roy cho biết, chế độ vận động và dinh dưỡng có hiệu quả tích cực đối với việc ngăn ngừa, kiểm soát ĐTĐ thai kỳ và các nguy cơ của bệnh.

TS Swinbourne Richard Roy hướng dẫn các cán bộ y tế về chế độ ăn uống liên quan bệnh ÐTÐ thai kỳ. Ảnh: BV cung cấp

Theo các thống kê y tế, vài năm trở lại đây, tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ gia tăng nhanh chóng trên thế giới. Đây là một trong những bệnh lý gây nguy hiểm cho cả thai phụ và thai nhi nếu bệnh không được kiểm soát tốt. Thông qua chương trình tập huấn, TS Swinbourne Richard Roy chia sẻ và hướng dẫn hơn 50 học viên về các chủ đề: vai trò quan trọng của hoạt động thể chất và chế độ dinh dưỡng lành mạnh giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn, hạn chế sử dụng thuốc điều trị.

Chuyên gia nhấn mạnh đến các tác hại và nguy cơ của ĐTĐ thai kỳ đối với thai phụ và thai nhi. Cụ thể, người mẹ bị ĐTĐ trong thai kỳ sẽ gia tăng nguy cơ sinh non, tiền sản giật; dễ bị ĐTĐ mạn tính sau khi sinh; nhiễm trùng vết khâu, vết khâu/vết mổ lâu lành, viêm thận, viêm bể thận, băng huyết sau sinh. Nếu không điều trị và kiểm soát đường huyết tốt, ĐTĐ thai kỳ cũng có những biến chứng như bệnh ĐTĐ, dẫn đến các bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim và đột quỵ, suy thận, giảm thị lực, hôn mê do đường huyết quá cao... Đối với thai nhi, tiểu đường thai kỳ làm tăng nguy cơ bị sẩy thai, thai lưu hoặc thai đột tử trong bụng mẹ; dị dạng thai, dị tật bẩm sinh về thần kinh, cơ… Ngoài ra, trẻ sinh ra với cân nặng lớn dễ gặp chấn thương như gãy xương, trật khớp; hạ đường huyết, suy hô hấp, hạ canxi ngay sau sinh; nguy cơ cao bị ĐTĐ do di truyền.

TS Swinbourne Richard Roy cho biết, tập thể dục và dinh dưỡng là những liều thuốc giúp ngăn ngừa, điều trị bệnh ĐTĐ thai kỳ. Tập thể dục giúp cơ bắp hấp thụ glucose, đốt cháy glucose tiêu hóa từ bữa ăn. Chỉ cần đi bộ sau bữa ăn, đặc biệt là sau bữa tối, có thể làm giảm đáng kể lượng đường trong máu để giữ cho mẹ và bé khỏe mạnh.

Một nghiên cứu cụ thể cho thấy đi bộ 3 lần mỗi ngày, mỗi lần 10 phút, có thể làm giảm 23% lượng đường trong máu. Tương tự, dinh dưỡng cũng có ảnh hưởng đến việc kiểm soát cân nặng lành mạnh, đảm bảo mẹ và bé có năng lượng và chất dinh dưỡng để tăng trưởng, phát triển và khỏe mạnh; đồng thời, giúp duy trì lượng đường trong máu ở mức khỏe mạnh.

Bác sĩ khuyến cáo, các thai phụ có thể ưu tiên ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau củ, kiểm soát khẩu phần ăn gạo và bánh mì, đồng thời bổ sung đều đặn 15ml giấm trong bữa ăn giúp kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn. Sự kết hợp giữa tập thể dục và dinh dưỡng là những công cụ hữu hiệu để chị em có một thai kỳ khỏe mạnh, giúp thai nhi phát triển khỏe mạnh.

Qua lớp tập huấn, đội ngũ cán bộ y tế BV Phụ sản TP Cần Thơ chú trọng hơn hoạt động truyền thông cũng như tư vấn, hướng dẫn thai phụ quan tâm các hoạt động thể chất, vận động phù hợp khi mang thai và thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý nhằm kiểm soát tốt đường huyết, cải thiện sức khỏe cũng như bảo đảm an toàn cho thai phụ và thai nhi.

THU SƯƠNG

 

Chia sẻ bài viết