07/06/2018 - 07:17

Khủng hoảng vùng Vịnh có nguy cơ leo thang 

Cuộc khủng hoảng ngoại giao tại vùng Vịnh đến nay đã tròn một năm. Nền kinh tế Qatar nhìn chung đã vượt qua cơn bão phong tỏa từ các nước láng giềng, nhưng thách thức mới đang xuất hiện.

Qatar vẫn đứng vững trong cơn bão cấm vận. Ảnh: AA
Qatar vẫn đứng vững trong cơn bão cấm vận. Ảnh: AA

Vượt qua bão cô lập

Hiện chưa có thống kê đầy đủ về những tổn thất kinh tế sau một năm các nước Saudi Arabia, Các Tiểu Vương quốc A-rập Thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập áp đặt chính sách phong tỏa kinh tế lên Qatar. Tuy nhiên, theo tập đoàn nghiên cứu và tư vấn kinh tế Capital Economics có trụ sở tại Luân Đôn (Anh), trong 6 tháng đầu tiên kể từ lệnh cấm vận  được thực thi, giá bất động sản tại Qatar sụt giảm 10%, khách du lịch giảm 20% và doanh thu du lịch tổn thất 600 triệu USD, các chuyến bay đến Thủ đô Doha giảm 25%. Riêng Qatar Airways mất 20% chuyến bay, ước tính tổn thất khoảng 3 tỉ USD.

Ngoài ra, Qatar còn phải đổ hàng tỉ USD để bù đắp số tiền gửi ngân hàng giảm sút và hệ thống tài chính chao đảo khi cuộc khủng hoảng ngoại giao bùng phát. Chính quyền Doha thất thu hàng tỉ USD do các công ty phải dừng triển khai nhiều dự án do thiếu nguyên vật liệu nhập khẩu. Vốn đầu tư của Qatar vào lĩnh vực bất động sản tại UAE bị thiệt hàng trăm triệu USD. Chính phủ Qatar còn chi nhiều tiền hơn để đảm bảo nguồn cung thực phẩm thay thế với cái giá đắt đỏ vì phải sử dụng đường giao thông dài hơn từ lệnh phong tỏa hàng không, đường bộ và đường biển của các nước trên.

Bên cạnh những thiệt hại về kinh tế do bị phong tỏa, giá dầu mỏ giảm cũng khiến chính quyền Doha gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, theo giáo sư Andreas Krieg thuộc Đại học King’s College London của Anh, khó khăn của Qatar chỉ là ngắn hạn và Qatar đã chuyển cuộc khủng hoảng ngoại giao thành cơ hội đa dạng hóa nền kinh tế. Bất chấp nhiều trở ngại, tăng trưởng kinh tế của Qatar vẫn duy trì mức 2,1% trong năm 2017 và dự kiến sẽ tăng lên 2,6% trong năm nay theo dự báo của IMF.

Thách thức mới

Nhà phân tích Trung Đông Neil Partrick cho rằng “thành công kinh tế” của Qatar trong cơn bão cấm vận của các nước A-rập là nhờ sự giúp sức của Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Oman. Tuy nhiên, chính nhờ nguồn thu xuất khẩu khí đốt và dầu mỏ không bị gián đoạn cộng với việc tung quỹ dự trữ quốc gia và bán bớt tài sản đầu tư nhà nước tương đối lớn đã giúp Qatar đứng vững trong giông bão. Là quốc gia nhỏ với dân số chưa đến 2,7 triệu người, nhưng Qatar có trữ lượng khí đốt thiên nhiên lớn thứ 3 thế giới, chỉ sau Iran và Nga, đồng thời cũng sở hữu các giếng dầu cỡ lớn.

“Chúng tôi có quỹ đầu tư quốc gia với số tài sản chiếm đến 250% GDP, chúng tôi có nguồn dự trữ của Ngân hàng Trung ương và chúng tôi có cả dự trữ chiến lược của Bộ Tài chính” – Bộ trưởng Tài chính Ali Sharid Al-Emadi từng hùng hồn tuyên bố. Theo IMF, trước khi khủng hoảng xảy ra, quỹ đầu tư nhà nước của Qatar có tổng tài sản trên khắp thế giới trị giá khoảng 318 tỉ USD. GDP tính trên đầu người của Qatar đứng thứ 2 thế giới, đạt khoảng 124.900 USD năm 2017.

Hôm 5-6, viết trên trang xã hội Twitter nhân một năm ngày bùng nổ khủng hoảng ngoại giao với các nước láng giềng, Ngoại trưởng Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani tuyên bố “Qatar và nhân dân của mình đang mạnh mẽ hơn sau một năm” và trở thành đối tác quốc tế đáng tin cậy. Ông bác bỏ cái gọi là “chiến thắng tưởng tượng” của các đối thủ. Cùng ngày, kênh truyền hình AL Jazeera của Qatar tuyên bố Doha sẽ tiếp tục theo đuổi việc mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga bất chấp đe dọa của các láng giềng.

Hồi đầu năm nay, đại sứ Qatar tại Nga nói rằng kế hoạch mua S-400 của Doha đang trong “giai đoạn tiến triển”. Đến đầu tháng 6, tờ Le Monde (Pháp) cho biết Quốc vương Saudi Arabia Salman đã gởi thư cho Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, trong đó cảnh báo rằng Riyadh có thể tấn công Qatar nếu chính quyền Doha nhất quyết mua và triển khai S-400. Quốc vương Salmon đồng thời nhờ ông Macron can thiệp kế hoạch trên của Qatar.

Tuy nhiên, Qatar tỏ ra không nao núng bởi nước này đang có các chỗ dựa khá vững. Tháng 3-2018, Qatar và NATO ký thỏa thuận an ninh cho phép lực lượng NATO trung chuyển hoặc mượn căn cứ quân sự. Trong khi đó, Mỹ vừa có mối quan hệ gần gũi với Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập, vừa duy trì căn cứ quân sự với 10.000 quân đóng tại Qatar. 

ĐỨC TRUNG

Chia sẻ bài viết