16/11/2020 - 20:51

Khủng hoảng chính trị ở Peru leo thang 

Ngày 15-11, Tổng thống lâm thời Peru Manuel Merino từ chức chưa đầy một tuần sau khi lên nắm quyền, qua đó đẩy cuộc khủng hoảng chính trị ở quốc gia Nam Mỹ lên nấc thang mới.

Quyết định trên được đưa ra vài giờ sau khi Chủ tịch Quốc hội Peru Luis Valdez tuyên bố tất cả các đảng phái chính trị trong Quốc hội nước này nhất trí yêu cầu Tổng thống lâm thời Merino từ chức “ngay lập tức”. Ông Valdez cảnh báo Quốc hội sẽ khởi động tiến trình luận tội nếu ông Merino không đáp ứng.

Tổng thống lâm thời Merino thông báo từ chức. Ảnh: AP

Tổng thống lâm thời Merino thông báo từ chức. Ảnh: AP

Phát biểu trên truyền hình, Tổng thống lâm thời Merino cho rằng để tránh tình trạng “khoảng trống quyền lực”, 18 bộ trưởng mới tuyên thệ nhậm chức sẽ tiếp tục tại nhiệm mặc dù hầu hết trong số họ đã “trả ghế” sau cuộc biểu tình gây thương vong cuối tuần qua. Nhân vật 59 tuổi này được chỉ định giữ chức tổng thống lâm thời hôm 10-11 sau khi Quốc hội do phe đối lập chiếm đa số bỏ phiếu luận tội Tổng thống Martin Vizcarra vì cáo buộc tham nhũng gần 640.000USD thời còn làm thống đốc vùng. Ông Vizcarra đã không nhận được sự bảo vệ từ đảng phái nào trong Quốc hội khi các công tố viên Peru mở cuộc điều tra các cáo buộc tham nhũng. Sau cuộc bỏ phiếu luận tội, Vizcarra đã từ chức khi mà nhiệm kỳ của ông mãi đến tháng 7-2021 mới kết thúc. Những người ủng hộ Tổng thống Vizcarra giận dữ trước cái gọi là cuộc thâu tóm quyền lực trái phép tại Quốc hội. Từ đó, làn sóng biểu tình đã nổ ra trên khắp cả nước và kéo dài trong 6 đêm liên tiếp, trong đó có ít nhất 2 người thiệt mạng và 94 người bị thương hôm 14-11.

Những cuộc biểu tình rầm rộ “thổi bay” ghế của ông Merino chủ yếu nhằm thể hiện sự phẫn nộ đối với các lực lượng chính trị đã bất ngờ phế truất Tổng thống Vizcarra. Ðối với hàng triệu người dân Peru, đặc biệt là thanh niên, ông Merino là “bộ mặt của tầng lớp chính trị tham nhũng” cố thủ trong Quốc hội và tìm cách cản trở nỗ lực của Tổng thống Vizcarra nhằm kết thúc sự nghiệp chính trị của họ. Những quy định ông Vizcarra từng thông qua bất chấp sự phản đối của Quốc hội bao gồm cấm các ứng viên đã bị kết án ra tranh cử và chấm dứt việc tái đắc cử liên tiếp đối với các nghị sĩ. Tổng thống Vizcarra đang nỗ lực bãi bỏ quyền miễn trừ tại Quốc hội bởi nó đã giúp 68/130 nghị sĩ vẫn giữ được ghế mặc dù họ là mục tiêu của các cuộc điều tra hình sự vì nhiều cáo buộc, từ rửa tiền cho đến giết người, theo báo New York Times. Thăm dò của Hãng Ipsos cho thấy 78% người được hỏi phản đối hành động phế truất Tổng thống Vizcarra và 54% chấp nhận chính phủ của ông. Trong khi đó, chỉ có 22% ủng hộ ông Merino khi còn làm Chủ tịch Quốc hội.

Tương lai nào cho Peru?

Theo Hiến pháp Peru, người lên thay Manuel Merino sau khi vị này từ chức là Chủ tịch Quốc hội Valdez. Tuy nhiên, Quốc hội Peru cùng ngày đã triệu tập cuộc họp khẩn để thảo luận về việc chỉ định tổng thống mới. Sau cuộc bỏ phiếu đầu tiên chứng kiến nghị sĩ Rocio Silva-Santisteban không giành được đa số phiếu ủng hộ để được chỉ định làm tổng thống lâm thời, Quốc hội tiến hành bầu lần hai. Trước đó có thông tin nói nhiều khả năng cơ quan lập pháp sẽ chọn một trong số 19 nhân vật đã bỏ phiếu phản đối luận tội Tổng thống Vizcarra hôm 10-11. Hãng tin AP còn nêu kịch bản Quốc hội Peru có thể tìm cách phục chức cho ông Vizcarra.

Về phần mình, ông Vizcarra cảnh báo người dân không để cho các nghị sĩ một lần nữa quyết định ai là lãnh đạo tiếp theo của Peru. Thay vào đó, Vizcarra muốn Tòa án Hiến pháp nước này lập tức xác định hành động luận tội ông có hợp pháp hay không. Theo kế hoạch, bầu cử tổng thống Peru sẽ diễn ra vào tháng 4-2021.

Tổng thống Peru giai đoạn 2016-2018 Pedro Pablo Kuczynsk và người tiền nhiệm Ollanta Humala (2011-2016) đều dính líu đến vụ bê bối hối lộ lớn liên quan Công ty xây dựng Odebretch của Brazil. Nhiều nhà quan sát lo ngại Peru đối mặt với giai đoạn bất ổn chính trị tăng cao khi mối đe dọa bị luận tội luôn treo lơ lửng trước mặt các lãnh đạo tương lai của quốc gia sản xuất đồng lớn thứ hai thế giới này.

HẠNH NGUYÊN

Chia sẻ bài viết