|
Cảnh sát Ấn Độ đưa người sống sót khỏi hiện trường nhà ga Chhatrapati Shivaji.
Ảnh: Reuters |
Rạng sáng 27-11, thành phố Mumbai của Ấn Độ rung chuyển vì một loạt vụ đánh bom khủng bố nhằm vào người phương Tây. Theo cảnh sát, tính tới chiều qua đã có ít nhất 101 người chết, 250 người bị thương và 100 người khác đang bị các tay súng (tình nghi là Hồi giáo cực đoan) bắt làm con tin. Các chuyên gia đánh giá đây là cuộc tấn công liều lĩnh nhất ở Ấn Độ từ trước đến nay.
Tiếng súng và các vụ nổ xảy ra ở 16 địa điểm khắp Mumbai, bắt đầu từ nhà ga Chhatrapati Shivaji. Sau đó là vụ tấn công và bắt cóc xảy ra tại 2 khách sạn 5 sao Taj Mahal, nơi đoàn quốc vụ khanh Anh đang lưu trú, và Oberoi Trident. Sau khi các tay súng đột nhập vào bên trong bắt giữ nhiều con tin, lực lượng an ninh Ấn Độ lập tức bao vây 2 tòa nhà này. Một cuộc đọ súng ác liệt đã xảy ra tại khách sạn Taj Mahal làm 11 cảnh sát thiệt mạng, trong đó có đội trưởng đội chống khủng bố thành phố Mumbai. 6 nghi can khủng bố cũng bị tiêu diệt và 9 tên khác bị bắt sống. Còn tại Oberoi Trident, hơn 1.000 người đã được di tản khỏi khách sạn. Trong lúc đó, nhiều cuộc tấn công và đọ súng khác xảy ra tại các bệnh viện, nhà hàng, quán cà phê, một địa điểm gần sân bay quốc tế... Một nhóm tự xưng là Deccan Mujahideen đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ này.
Cuộc tấn công mới nhất cho thấy lực lượng an ninh Ấn Độ đã bất lực trong việc ngăn chặn các âm mưu khủng bố. Còn nhớ sau các vụ đánh bom hàng loạt ở Thủ đô New Delhi hồi tháng 9 gây thương vong cho khoảng 121 người, và tại thành phố Ahmedabad hồi tháng 7 làm 49 người chết, một số thông tin tình báo đã cảnh báo Al- Qaeda có âm mưu tiếp tục tấn công khủng bố ở Ấn Độ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, biện pháp ngăn chặn khủng bố của nước này không hiệu quả. Sau mỗi vụ tấn công, cảnh sát được triển khai khắp các thành phố lớn, tăng cường kiểm tra ngẫu nhiên trên đường phố, sử dụng máy phát hiện kim loại và hệ thống máy quay lắp đặt tại các cửa hàng, trạm xe lửa và các nơi công cộng khác để theo dõi nghi can. Nhưng một nhà phân tích an ninh cho biết chưa có phần tử khủng bố nào bị bắt hoặc quả bom nào được phát hiện trong các cuộc kiểm tra như vậy. Thậm chí, trong 3 năm qua đã có 700 người chết và hàng trăm người khác bị thương trong các vụ khủng bố ở Ấn Độ, nhưng chưa có vụ việc nào được giải quyết và không có bản án nào được tuyên.
Trong khi đó, các nhóm khủng bố ở Ấn Độ tổ chức rất phức tạp. Tất cả các vụ khủng bố được cho là do các nhóm Hồi giáo có quan hệ gần gũi với các tổ chức khủng bố ở Pakistan và Bangladesh gây ra. Những năm gần đây, các tổ chức khủng bố nước ngoài còn tăng cường đặt “cơ sở” tại một số khu vực sinh sống của 130 triệu người Hồi giáo ở Ấn Độ. Các nhóm Hồi giáo như Mujahiddeen Ấn Độ hiện đang nhận được sự trợ giúp từ các nhóm khủng bố ở Pakistan và Bangladesh như Lashkar-e-Toiba (LeT) và Harakata-ul-Jihad-e-Islami (HuJI). Vấn đề nằm ở chỗ quan hệ giữa người Hindu, chiếm 80% dân số hơn 1 tỉ người ở Ấn Độ, với người Hồi giáo, thường xuyên xung đột kể từ khi Ấn Độ và Pakistan hình thành hai nhà nước độc lập vào năm 1947. Bên cạnh đó, những cuộc tranh chấp biên giới giữa nhà hai nước này (như khu vực Jammu & Kashmir) cũng sản sinh ra nhiều nhóm cực đoan. Chính vì vậy, Ấn Độ được xem là nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố kể từ ngày thành lập đến nay.
Trong khi New Delhi còn bối rối trong việc tìm ra biện pháp ngăn chặn khủng bố, Tổng thống đắc cử Mỹ Barack Obama tuyên bố sẵn sàng giúp đỡ chính phủ Ấn Độ và tăng cường quan hệ đối tác nhằm truy quét tận gốc mạng lưới khủng bố. Thủ tướng Anh Gordon Brown cũng nhấn mạnh “các hành động tấn công tàn bạo sẽ vấp phải sự đáp trả dữ dội” và hứa sẽ cung cấp tất cả những hỗ trợ cần thiết cho New Delhi.
N.MINH (Theo AP, Reuters, Guardian)