11/04/2020 - 06:14

Không cấm bán hàng qua mạng nhưng phải quản lý chặt chẽ 

Những ngày gần đây, rộ lên thông tin cấm bán hàng trên các trang mạng xã hội khiến nhiều người buôn bán online đứng ngồi không yên, nhất là trong tình hình do ảnh hưởng dịch COVID-19, việc mua bán nói riêng, đời sống nói chung đang gặp không ít khó khăn.

Buôn bán thức ăn vặt qua zalo, facebook ngày càng phổ biến.

Sau Tết Nguyên đán, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều người lao động phải tạm giảm việc, nghỉ việc, dẫn đến giảm thu nhập, mất thu nhập. Buôn bán qua mạng trở thành kế mưu sinh tạm thời. Nhiều người khéo tay làm bánh, nấu các món ăn, nấu nước mát... rao bán trên facebook, zalo.

Chị P.T.T.Trang, bảo mẫu một trường tiểu học trên địa bàn quận Ninh Kiều, chia sẻ: “Học sinh nghỉ học vì dịch COVID-19, chúng tôi không có lương. Tôi làm bánh bán qua mạng để kiếm thu nhập. Nay nghe về việc cấm bán hàng online, tôi không biết tính sao nữa”. Chị Như - một người bán đồ ăn vặt qua mạng - cũng băn khoăn: “Tôi bán đồ ăn vặt qua zalo, facebook mấy năm nay, nhưng bây giờ nghe nói cấm bán hàng online, do ảnh hưởng dịch COVID-19, tôi rất lo lắng”. Còn chị Trinh, một người thường mua hàng trên mạng, ở quận Ninh Kiều, cũng băn khoăn: “Nghe thông tin về việc cấm bán hàng online, trong khi thực hiện cách ly xã hội, người dân được khuyến cáo hạn chế ra đường, vậy mua hàng cách nào?”.

 Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương TP Cần Thơ, không có việc cấm bán hàng qua mạng. Tuy nhiên, người bán hàng qua mạng phải có trang thương mại điện tử được đăng ký. “Còn đối với việc bán hàng qua trang mạng xã hội zalo, facebook hiện nay, nếu bán thực phẩm, phải công bố chất lượng sản phẩm” - ông Vinh nói.

Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP về hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh, thì cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại không phải đăng ký kinh doanh gồm: buôn bán rong (buôn bán dạo); buôn bán vặt là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định; bán quà vặt là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, nước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định... Bên cạnh đó, tại Điều 6, Thông tư 47/2014/TT-BCT quy định về quản lý website thương mại điện tử, quy định các mạng xã hội có một trong những hình thức hoạt động như: website cho phép người tham gia được mở các gian hàng trên đó để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ; website cho phép người tham gia được lập các website nhánh để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ; website có chuyên mục mua bán trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ thì phải tiến hành đăng ký với Bộ Công thương dưới hình thức sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT).

Người bán trên các mạng xã hội phải tuân thủ những quy định: cung cấp đầy đủ và chính xác thông tin (tên, địa chỉ, số điện thoại của người bán, mã số thuế cá nhân (nếu có)…) cho chủ sàn giao dịch TMĐT khi đăng ký sử dụng dịch vụ; cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa, dịch vụ theo quy định khi bán hàng hóa; đảm bảo tính chính xác, trung thực về thông tin của hàng hóa, dịch vụ cung cấp hàng hóa trên sàn giao dịch TMĐT; tuân thủ quy định của pháp luật về thanh toán, quảng cáo, khuyến mãi, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các quy định của pháp luật có liên quan khác khi bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên sàn giao dịch TMĐT; cung cấp tình hình kinh doanh của mình khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ hoạt động thống kê TMĐT; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật.

Theo Sở Công thương thành phố, hiện nay chưa có quy định pháp luật về quản lý những đối tượng bán hàng qua zalo, facebook. Những quy định về website TMĐT chủ yếu là áp dụng cho doanh nghiệp. Sở đã có đề xuất UBND thành phố ban hành quy định về việc bán hàng trên các trạng mạng xã hội zalo, facebook theo quy định pháp luật để quản lý việc buôn bán này được chặt chẽ hơn.

Bài, ảnh: S.HÀ

Chia sẻ bài viết