13/08/2011 - 22:00

Không biết thì đừng làm !

Gần đây, đề tài nhà báo được khai thác nhiều trên phim truyền hình Việt Nam. Tuy nhiên, hầu như phim nào cũng bị chê là “không giống nhà báo”, thậm chí một số phim còn làm hình ảnh của người làm báo méo mó.

Nhân vật phóng viên, nhà báo xuất hiện trong một số phim truyền hình từ khá lâu. Gần đây có nhiều phim khai thác sâu về đề tài này như: “Đèn vàng”, “Phóng viên thử việc”, “Nghề báo”... và mới hơn là: “Hạnh phúc có thật”, “Cô nàng bất đắc dĩ”, “Tin vào điều không thể”, “Gia đình số đỏ”, “Cuồng phong”... Nhưng khán giả màn ảnh nhỏ từ thất vọng đến bực mình vì phải xem những lệch lạc về nghề báo.

Xem “Tin vào điều không thể”, khán giả chỉ thấy Tổng biên tập Tường Vi lãng đãng chuyện tình ái còn anh chàng phóng viên tập sự lỉnh kỉnh đồ nghề nhưng không để làm gì. Ảnh: dantri.com. 

Hầu hết các bộ phim về đề tài này có nội dung, cách thể hiện nghèo nàn, thiếu thuyết phục. Chẳng hạn như phim truyện “Tin vào điều không thể” nói về cô Tổng biên tập Tường Vi và tạp chí Sáng Tạo. Tuy nhiên, suốt bộ phim dài 28 tập chỉ thấy cô quanh quẩn chuyện yêu đương với một người đàn ông đã có gia đình chứ không thấy cô ta làm nghề. Khi gặp khó thì cô chỉ biết khóc và nhờ... anh phóng viên thử việc gỡ khó (!) Còn phim “Cô nàng bất đắc dĩ” làm người xem khó chịu với cách sinh hoạt, làm báo của tạp chí “Hào hoa”. Tòa soạn chỉ có mấy người, mà ai cũng có chức: Tổng biên tập, Phó Tổng biên tập, thư ký tòa soạn, thiết kế - nhiếp ảnh gia... nhưng không thấy có một phóng viên nào. Họ không lo làm báo mà suốt ngày chỉ lo cãi vã, hãm hại nhau và ăn chơi, cờ bạc (!).

Nhân vật nhà báo được xây dựng với khuôn mẫu: Hễ là nhà báo thì nhất định phải mặc áo ghi-lê nhiều túi, vác máy ảnh, máy quay phim, máy ghi âm... đi đường khệnh khạng. Nếu là nhà báo chính diện thì “dở dở ương ương”, ngờ nghệch như trong phim “Tin vào điều không thể”. Còn nhà báo phản diện thì không khác gì trong giới giang hồ như nhân vật Quang Sinh trong “Nghề báo” hoặc ông Tổng biên tập trong “Chạy án”. Phần nhiều những nhân vật nhà báo trong phim mở miệng là dạy đời, lý sự huyên thuyên.

Một công thức khá quen là hễ là nhà báo thì bị đổ vỡ hạnh phúc riêng. Nhất định phải có cho “bằng được” chi tiết vợ, chồng hay người yêu không thông cảm với nghề nghiệp hay các nhà báo thì lại yêu vợ, chồng của người khác.

Trong phim “Nghề báo”, có chi tiết phóng viên Đỗ Hòa giả dạng dân chơi xâm nhập vào một ổ mại dâm. Nhưng khi bị phát hiện, anh kêu lên: “Tôi là nhà báo, tôi vô đây để viết bài”, thế là được thả ra (?!). Cùng phim này, nhà báo Thúy Bình được xây dựng là nhà báo giỏi, có nhiều kinh nghiệm nhưng viết bài điều tra mà không hề có một tài liệu nào, chỉ hỏi qua đồng nghiệp để viết (!)...

Việc phim ảnh dù khen hay phản ánh là chuyện bình thường, nhưng làm phim, xây dựng nhân vật một cách thiếu hiểu biết về nghề như vậy càng làm bức tranh phim Việt thêm loang lổ.

ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết