30/01/2021 - 06:58

Khổ như phi công thời COVID-19 ! 

Theo khảo sát công bố ngày 28-1, hơn phân nửa số phi công trên thế giới hiện không còn theo nghề, cho thấy mức độ tàn phá của đại dịch COVID-19 đối với công việc từng được xem là “hào nhoáng” này.

Greg Harper (trái) từng là phi công của Qantas Airways (Úc), giờ đây phải làm trong một chuỗi siêu thị. Ảnh: WSJ

Greg Harper (trái) từng là phi công của Qantas Airways (Úc), giờ đây phải làm trong một chuỗi siêu thị. Ảnh: WSJ

Qua thăm dò gần 2.600 phi công trên khắp thế giới, Hãng tuyển dụng hàng không Goose và đối tác FlighGlobal phát hiện chỉ 43% phi công còn duy trì công việc. Trong khi đó, 30% phi công đang thất nghiệp, 17% tạm thời nghỉ làm, 6% chuyển sang công việc khác trong ngành nhưng không bay và 4% hoàn toàn từ bỏ ngành hàng không.

Tuy nhiên, những trường hợp còn theo nghề cũng không tránh khỏi ảnh hưởng của đại dịch, khi phải đối mặt với điều kiện làm việc ngày càng tệ. Ngành hàng không gần như “đóng cửa bầu trời”, hàng ngàn máy bay nằm đất nên lương phi công giảm thê thảm. Đơn cử như Cathay Pacific Airways (Hong Kong) đã cắt giảm lương cố định của phi công tới 58%, trong khi Turkish Airways (Thổ Nhĩ Kỳ) và Singapore Airlines tạm thời hạ lương. Lượng lớn phi công đang cảm thấy bất an về công việc của họ, lo sợ bị nhiễm COVID-19, trong khi ngày càng nhiều người dự tính tìm việc làm mới trong năm nay.

Thật ra, nhiều đồng nghiệp của họ cũng đã phải chuyển xuống mặt đất làm những công việc hoàn toàn mới như lái xe hoặc nhân viên siêu thị. Ở Thụy Sĩ chẳng hạn, Carlos Spruengli là một trong những phi công đầu tiên được bố trí lái xe lửa. Hiệp hội Phi công Thụy Sĩ Aeropers đang hỗ trợ những thành viên muốn chuyển đổi nghề trong bối cảnh quốc gia này thiếu hụt tài xế xe lửa. Aeropers hy vọng cách làm của họ có thể truyền cảm hứng cho các quốc gia khác tại châu Âu.

Quên thao tác do nghỉ việc quá lâu

Ngày 15-9-2020, một máy bay A330 của Lion Air (Indonesia) chở 307 hành khách cùng 11 thành viên phi hành đoàn trên hành trình tới thành phố Medan đã trượt khỏi đường băng sau khi hạ cánh. Điều tra cho thấy cơ trưởng có chưa tới 3 giờ bay trong vòng 3 tháng trước đó, còn cơ phó không có chuyến bay nào kể từ ngày 1-2-2020.

Vụ việc trên tuy không gây thương vong nhưng làm dấy lên lo ngại về nguy cơ mất an toàn hàng không, khi mà các hãng phải ngừng khai thác và thu hẹp hoạt động trong đại dịch, tước đi cơ hội bay của nhiều phi công, dẫn đến “thui chột” kỹ năng. Ủy ban An toàn Hàng không Quốc gia Indonesia đánh giá đại dịch đã khiến các phi công gặp khó khăn trong việc duy trì phong độ, kinh nghiệm bay. Do Lion Air không có hệ thống mô phỏng cho máy bay A330 nên phi công của hãng được huấn luyện bay tại các cơ sở đào tạo của bên thứ ba ở Indonesia, Malaysia và Singapore. Thế nhưng những hạn chế đi lại do COVID-19 đã khiến hoạt động này bị đình trệ.

Sự bất cẩn của phi công cũng được cho là một trong những nguyên nhân gây ra vụ tai nạn của Hãng Hàng không Quốc tế Pakistan (PIA) hồi tháng 5, khiến 2 trong số 99 người trên máy bay thiệt mạng. “Các phi công của chuyến bay dường như không thông thạo thao tác. Nếu không được bay trong 3-6 tháng, họ cần phải được tái đào tạo để có thể làm việc trở lại”, Patrick Ky, Giám đốc Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh châu Âu, nói về sự cố của PIA. Ngoài việc đào tạo lại, các phi công được cho sẽ mất 1 tháng bay thường xuyên để lấy lại tự tin và kỹ năng.

Đại dịch COVID-19 đã “thổi bay” 1.300 tỉ USD doanh thu của ngành du lịch trên toàn cầu trong năm ngoái, theo thống kê của Tổ chức Du lịch Thế giới trực thuộc Liên Hiệp Quốc. Con số này cao hơn 11 lần so với mức thiệt hại mà ngành công nghiệp không khói từng ghi nhận trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2009. Số lượt khách du lịch quốc tế năm ngoái giảm 1 tỉ, tương đương 74%. Do vậy, 2020 được coi là “năm tệ hại nhất trong lịch sử ngành du lịch”.

HẠNH NGUYÊN (Theo Bloomberg)

Chia sẻ bài viết