12/11/2009 - 14:44

Khó khăn chờ đón Tổng thống Obama trong chuyến thăm châu Á

Tổng thống Obama (phải) hội đàm với cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu tại Nhà Trắng hồi tuần rồi. Ảnh: AP

Theo kế hoạch, hôm nay, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ bắt đầu chuyến công du kéo dài 8 ngày đến Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc và Hàn Quốc. Chuyến đi được Nhà Trắng xem là để tăng cường quan hệ đối tác gần gũi với Trung Quốc và các nước vành đai Thái Bình Dương, nhằm củng cố các lợi ích của Mỹ. Với chuyến công du này, ông Obama sẽ lập “kỷ lục” là vị tổng thống đầu tiên của nước Mỹ thăm nhiều quốc gia nhất (20 nước) trong năm đầu cầm quyền. Tuy nhiên, hãng tin Mỹ AP nhận định rằng chuyến công du Đông Á lần này của ông Obama không nhiều thuận lợi như Nhà Trắng mong muốn.

Từ khi lên nắm quyền hồi đầu năm nay, Tổng thống Obama đã thể hiện quyết tâm cải thiện quan hệ với các cường quốc Đông Á nhằm tăng cường ảnh hưởng ở khu vực này, nhất là khi Trung Quốc nổi lên trở thành thế lực kinh tế và quân sự. Trong cuộc hội đàm với ông Obama tại Nhà Trắng hồi tuần rồi, cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu cho rằng nếu không giữ được vị thế ở Thái Bình Dương, Mỹ không thể là “nhà lãnh đạo thế giới”. Tuy nhiên, các quan chức Nhà Trắng nhận ra rằng nói thì dễ nhưng làm rất khó, nhất là những vấn đề như thương mại.

Những phản ứng gay gắt trước chuyến đi của Tổng thống Obama xuất phát từ Nhật Bản, đồng minh gần gũi của Mỹ ở khu vực châu Á. Ngày 8-11, hàng chục ngàn người biểu tình đã tuần hành ở đảo Okinawa và Tokyo, kêu gọi chính phủ Nhật Bản đóng cửa căn cứ Futenma của Quân đoàn Thủy quân lục chiến Mỹ ở phía Nam Okinawa, nơi đồn trú khoảng một nửa trong số 50.000 binh sĩ Mỹ ở Nhật. Những người biểu tình cũng kêu gọi Nhật ngưng việc xây dựng sân bay quân sự mới của Mỹ ở phía Bắc Okinawa, theo thỏa thuận giữa hai nước hồi năm 2006. Cuộc biểu tình diễn ra sau khi Ngoại trưởng Nhật Katsuya Okada cho biết Thủ tướng Nhật Yukio Hatoyama sẽ không thảo luận vấn đề trên trong cuộc hội đàm với Tổng thống Obama ngày 12-11.

Dừng chân 4 ngày tại Trung Quốc bắt đầu từ 15-11, nhưng theo các nhà quan sát, ông Obama có thể sẽ không nhận được sự chào đón nồng nhiệt như ở các khu vực khác. Nhà Trắng thời Obama đã hạn chế một số mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, buộc Bắc Kinh phải có hành động đáp trả. Căng thẳng mới đây nhất là việc Mỹ điều tra nhập khẩu giấy bìa bóng và một số loại muối từ Trung Quốc hôm 6-11. Đáp lại, Bắc Kinh tuyên bố sẽ tiến hành điều tra chống bán phá giá đối với các loại ô tô mui kín và xe đua nhập từ Mỹ. Trung Quốc đặc biệt nhạy cảm với những tranh chấp thương mại vì nước này phụ thuộc vào xuất khẩu cho tăng trưởng kinh tế. Do đó, các cuộc tranh cãi thương mại đã làm sụt giảm uy tín của ông Obama ở Trung Quốc. Thậm chí có người cho rằng Obama đã không đủ sức cải tổ hệ thống tài chính Mỹ, gây lo ngại cho Trung Quốc vì nước này là “chủ nợ” lớn nhất của Mỹ.

Trong quan hệ với Hàn Quốc, Mỹ đã ký hiệp định sơ bộ về thương mại tự do năm 2007, nhưng đến nay Thượng viện Mỹ vẫn chưa thông qua. Hàn Quốc đã áp dụng thuế 8% đối với ô tô nhập khẩu từ Mỹ. Thỏa thuận sơ bộ này sẽ thực hiện việc áp thuế đó tuy nhiên liên đoàn ô tô và các nhà sản xuất ô tô Mỹ vẫn đang cố gắng thúc đẩy sự mở cửa hơn nữa tại thời điểm khó khăn đối với ba đại gia của Mỹ là General Motors, Ford và Chrysler. Các nhà đàm phán Hàn Quốc cho rằng người tiêu dùng nước này chỉ đơn giản là không thích ô tô Mỹ. Phía Hàn Quốc đang muốn tránh mở lại các cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại này do đã gây ra các cuộc biểu tình lớn xung quanh những lo ngại về vấn đề an toàn thịt bò Mỹ. Trong khi đó, ông Myron Brilliant, thuộc Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Hàn, phàn nàn rằng các doanh nghiệp Mỹ đang chịu bất lợi khi Hàn Quốc vừa ký một hiệp định thương mại với Liên minh châu Âu (EU). Quốc hội Hàn Quốc cũng vừa thông qua thỏa thuận thương mại tự do với Ấn Độ hồi tuần rồi. Xem ra, Washington đã lỡ đà trong quan hệ thương mại với Hàn Quốc, khiến chuyến công du Đông Á của ông Obama thêm phần khó khăn.

N. MINH (Theo AFP, Washingtonpost, WSJ, AP)

Chia sẻ bài viết