|
Ông Wulff (phải) và bà Merkel đã không thể tiếp tục “cùng nhìn về một hướng”. Ảnh: Zeit |
Hãng tin Reuters của Anh ngày 17-2 nhận định sự ra đi của Tổng thống Christian Wulff liên quan đến các cáo buộc tham nhũng là một đòn giáng mạnh đối với Thủ tướng Angela Merkel, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu vẫn đang diễn biến phức tạp.
Trong một tuyên bố kéo dài chỉ 5 phút tại dinh tổng thống Bellevue, ông Christian Wulff thừa nhận rằng ông đã đánh mất niềm tin của người Đức và không thể tiếp tục vị trí mang ý nghĩa danh dự này nữa. Thủ tướng Merkel nói rằng bà lấy làm tiếc trước quyết định này và sẽ thảo luận với các đảng đối lập để tìm ứng viên thay thế ông Wulff.
Ông Wulff là tổng thống thứ hai từ chức trong vòng chưa đầy hai năm. Người tiền nhiệm của ông, cựu Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Horst Koehler cũng đã bất ngờ từ chức hồi tháng 5-2010, sau khi bị chỉ trích vì lời bình luận về sứ mệnh của quân đội Đức ở Afghanistan và không nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ bà Merkel. Đến cuối tháng 6, Thủ tướng Merkel đã đưa ông Wulff, khi đó là thành viên của Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) cầm quyền lên làm tổng thống.
Bê bối của Tổng thống Christian Wulff, 52 tuổi, bắt đầu từ cuối năm ngoái, khi tờ Bild tiết lộ ông đã nhận một khoản vay lãi suất thấp trị giá 500.000 euro từ một người bạn là doanh nhân trước khi trở thành Tổng thống Đức. Tháng trước, ông thừa nhận đã phạm một “sai lầm nghiêm trọng” khi đe dọa tổng biên tập của tờ Bild nếu cho đăng tải thông tin về các giao dịch tài chính cá nhân của ông. Kể từ đó, hàng loạt thông tin liên quan xuất hiện trên mặt báo làm ảnh hưởng đáng kể đến uy tín của ông. Ngày 16-2, các công tố viên ở thành phố Hannover đã yêu cầu Quốc hội Đức bãi bỏ quyền miễn trừ truy tố tổng thống để họ tiến hành điều tra các cáo buộc tham nhũng đối với ông Wulff. Đây là lần đầu tiên các công tố viên muốn điều tra một tổng thống Đức và động thái này đã khiến các đảng đối lập trực tiếp kêu gọi ông Wulff từ chức.
Giới phân tích cho rằng việc tìm kiếm người kế nhiệm ông Wulff có thể khiến bà Merkel mất tập trung trong khi chính phủ của bà đang tham gia các cuộc đàm phán căng thẳng về gói cứu trợ thứ hai cho Hy Lạp. Bằng chứng là ngày 17-2, bà Merkel đã phải hoãn chuyến đi tới Rome (Ý), nơi bà dự kiến có cuộc hội đàm với Thủ tướng Mario Monti về cuộc khủng hoảng nợ ở khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), để giải quyết vấn đề của Tổng thống Wulff. Sự mất tập trung này kéo dài trong bao lâu tùy thuộc vào quá trình chọn ra người kế nhiệm ông Wulff hoàn tất sớm hay muộn. Dự kiến, Quốc hội Đức sẽ tiến hành cuộc bỏ phiếu bầu chọn tân tổng thống trong vòng một tháng, chậm nhất là ngày 18-3 tới. Được biết, các ứng viên tiềm năng cho vị trí mang tính nghi thức này gồm có Bộ trưởng Lao động Ursula von der Leyen, Chủ tịch Hạ viện Norbert Lammert, Bộ trưởng Quốc phòng Thomas de Maiziere, Bộ trưởng Tài chính Wolfgang Schaeuble.
Quyết định từ chức của Tổng thống Christian Wulff “không thể không gây hậu quả cho bà Merkel, danh tiếng của bà sẽ bị ảnh hưởng” - Gerd Langguth, nhà khoa học chính trị tại Đại học Bonn, nhận định. Còn nhà kinh tế Carsten Brzeski thì cho rằng tuy sự kiện này có thể không ảnh hưởng lớn đến các cuộc đàm phán về gói cứu trợ dành cho Hy Lạp, nhưng “áp lực chính trị trong nước đối với bà Angela Merkel có thể lại gia tăng và sẽ không khiến cuộc sống của bà dễ chịu”, đặc biệt là khi đảng của bà đang đối mặt với cuộc cạnh tranh để duy trì quyền lực ở các bang Saarland và Schleswig-Holstein trong các cuộc bầu cử khu vực vào tháng 3 và tháng 5 tới.
THANH TRÚC
(Theo Reuters, Bloomberg)