05/04/2009 - 09:39

Khi dân làng chống tham nhũng

Tại một vùng quê hẻo lánh nằm lọt thỏm giữa những ngọn núi đá ở miền Bắc Afghanistan, một người đàn ông bước ra trước hội đồng làng và cất tiếng hỏi: “Tại sao các ông chi nhiều tiền mua xi măng đến vậy?”. Đây là lần đầu tiên ông ta “dám” công khai chất vấn lãnh đạo làng.

Họp kiểm toán ở làng Kalan Gazar.

Thành viên Ủy ban kiểm toán giải thích cách chi tiêu công quỹ của shura.
Ảnh: Csmonitor

Sau khi coi lại sổ sách và chứng từ, một vị lãnh đạo từ tốn trả lời: “Xi măng đó là loại chất lượng cao và nó là mức giá tốt nhất chúng tôi có thể tìm được”. Nghe xong, người đàn ông tỏ vẻ hài lòng và quay về chỗ ngồi.

Trên đây là một phiên chất vấn và trả lời chất vấn việc sử dụng công quỹ ở làng Kalan Gazar thuộc tỉnh Baghlan, phía Bắc Afghanistan. Cuộc họp thường kỳ dạng này là một phần của chương trình quốc gia phòng chống tham nhũng, lần đầu tiên được thực hiện tại Afghanistan - một trong 5 nước có chỉ số tham nhũng cao nhất thế giới, theo xếp hạng của tổ chức Minh bạch Quốc tế.

Nhằm góp phần xây dựng năng lực phòng chống tham nhũng cho cộng đồng nông thôn ở Afghanistan, Mạng lưới Phát triển Aga Khan (AKDN), một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế, triển khai mô hình “kiểm toán xã hội” - cuộc họp kiểm soát sổ sách của hội đồng làng - tới hơn 400 ngôi làng yên bình ở phía Bắc nước này với sự tài trợ của chính phủ Afghanistan và các tổ chức phi chính phủ. Tham gia chương trình, dân làng Afghanistan được quyền kiểm tra sổ sách chi tiêu của shura (hội đồng làng do dân bầu), cơ quan chịu trách trông coi nhiều ngôi làng và tiếp nhận ngân sách từ trung ương và các tổ chức phi chính phủ để triển khai các dự án phát triển xã hội.

Ủy ban kiểm toán do dân làng bầu, gồm những người có năng lực và uy tín. Sau đó, AKDN tập huấn cho ủy ban cách thức kiểm tra các giao dịch tài chính của shura, từ theo dõi việc sử dụng nguồn quỹ, rà soát chứng từ, tiếp xúc với nhân công cho tới tổ chức chất vấn các thành viên shura. Sau đó, ủy ban trình tài liệu thu thập lên cuộc họp hội đồng làng mở rộng, và mời người dân chất vấn shura. Phiên chất vấn khép lại sau khi dân làng biểu quyết cách giải trình của shura. Quan chức nào khi bị phát hiện “ăn bớt” công quỹ sẽ bị cử tri “hất cẳng” khỏi hội đồng làng.

Mới đây, người dân làng Kalan Gazar tổ chức họp đánh giá việc triển khai dự án nhà máy thủy điện mi-ni và chương trình dạy cắt may cho phụ nữ. Ủy ban kiểm toán thẩm định chất lượng vật liệu xây dựng, tiếp xúc công nhân hỏi về việc chi trả lương. Ngoài ra, ủy ban còn cử người lên tỉnh tìm đến các nhà cung cấp vật liệu cho dự án để đối chiếu giá cả. Đến cuộc họp, sau khi ủy ban đưa ra các con số chi tiêu, người dân chất vấn shura về mọi vấn đề như: “Các ông đã sử dụng bao nhiêu tấn thép?” hay “Tại sao không thực hiện thêm nhiều dự án làm lợi cho phụ nữ?”.

“Lần đầu tiên, chúng tôi có thể chất vấn chính quyền về những gì họ làm”, anh Rahiman ở làng Kalan Gazar bộc bạch. “Trước đây, shura nhận tiền của chính phủ và nguồn tiền đó đi về đâu chúng tôi không hề biết”, một dân làng khác, cho biết. Cuối cuộc họp, ủy ban kiểm toán thông báo không phát hiện có dấu hiệu gian lận, và phần lớn dân làng tán thành cách làm của shura.

Tuy nhiên, không phải shura nào cũng “trong sạch”. Tại một làng nọ, ủy ban kiểm toán phát hiện một thành viên shura chi gần 1.000 USD cho món thịt nướng, gây bức xúc cho dân làng. Trường hợp khác, ủy ban phát hiện trong một chuyến công cán lên Thủ đô Kabul, các thành viên shura nghỉ ở khách sạn hạng sang bằng tiền công quỹ. Theo một quan chức tỉnh Baghlan, “các shura rất “ngán” kiểu giám sát này nên hạn chế được tình trạng lạm dụng quyền hành và công quỹ”. Trong khi đó, theo John Dempsey, chuyên gia luật pháp của Viện Hòa bình Mỹ, những sáng kiến nhằm củng cố năng lực lãnh đạo cấp cơ sở như chương trình kiểm toán xã hội kể trên, sẽ là chìa khóa giúp xây dựng một xã hội dân chủ ở Afghanistan.

MAI NGỌC
(Theo Csmonitor)

Chia sẻ bài viết