 |
Thủ tướng Brian Cowen (trái) và Bộ trưởng Tài chính Brian Lenihan trong cuộc họp báo
ngày 21-11. Ảnh: AP |
Sau nhiều tuần lưỡng lự, Thủ tướng Ireland Brian Cowen ngày 21-11 thông báo nước này đã yêu cầu sự giúp đỡ của quốc tế trong nỗ lực đối phó với khủng hoảng tài chính có nguy cơ lan rộng ra khu vực. Các bộ trưởng tài chính khu vực đồng euro trong cuộc họp từ xa cùng ngày cũng đã đón nhận quyết định của Dublin, cho rằng sự viện trợ của quốc tế là cần thiết giúp khu vực này duy trì sự ổn định. Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) thông qua Bộ trưởng Tài chính Canada cũng hoan nghênh hành động của chính quyền Ireland trước yêu cầu cấp thiết phải chấp nhận sự hỗ trợ của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Theo kế hoạch dự kiến của EU, Ireland sẽ nhận gói tài trợ “không hơn 100 tỉ euro”. Còn theo một “nguồn tin cấp cao” được hãng tin Anh Reuters trích dẫn, gói viện trợ này dao động từ 80 đến 90 tỉ euro. Nếu muốn biết con số chính xác, theo hãng tin Pháp AFP, thì phải chờ đến cuối tháng 11 này sau cuộc họp chung giữa EU và IMF. Nếu được phê chuẩn, Ireland là thành viên khu vực đồng euro đầu tiên nhận khoản vay từ quỹ bình ổn tài chính 750 tỉ euro của EU và IMF được lập nên hồi tháng 6-2010 sau khi Hy Lạp được bảo trợ vượt qua khủng hoảng nợ.
Nhưng dù 80 hay 100 tỉ euro, số tiền đó sẽ được hiểu theo hai nghĩa khác nhau: vừa nhiều lại vừa ít. Nó được coi là khổng lồ, bởi Ireland là một quốc gia có nền kinh tế cỡ nhỏ và dân số chỉ hơn 4,5 triệu người. So với gói viện trợ trị giá 110 tỉ euro dành cho Hy Lạp cách đây 7 tháng, thì nợ vay mới của Ireland cao hơn nếu tính theo tỷ suất GDP. Hy Lạp có GDP năm 2008 hơn 260 tỉ euro, còn của Ireland khoảng 195 tỉ euro. Nợ công của Hy Lạp trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính chiếm hơn 126% GDP, so với gần 100% GDP của Ireland. Tuy nhiên, gói viện trợ cho Ireland cũng tạm gọi là ít so với hệ thống ngân hàng trị giá hơn 1.310 tỉ euro đang bị điêu đứng của nước này vì thị trường bất động sản sụt giảm mạnh (50-60%). Một phần vốn không nhỏ của các ngân hàng Ireland được vay từ các nước châu Âu, như từ Anh với gần 163 tỉ euro và Đức với hơn 150 tỉ euro. Từ đầu năm đến nay, chính phủ Ireland cũng đã bơm 50 tỉ euro cho các ngân hàng, khiến thâm hụt ngân sách quốc gia đã tăng vọt từ 15% GDP lên 32% GDP năm 2010 này.
Cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ireland rõ ràng không đơn thuần về mặt tài chính mà còn về thị trường bất động sản. Nói cách khác, Ireland đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kép về tài chính và bất động sản. Vì thế, các nhà phân tích cho rằng hệ thống ngân hàng ở Ireland sẽ không thể sớm vượt qua khó khăn về tài chính, vì thị trường bất động sản quá dư thừa được đầu tư quá lớn so với nhu cầu thực tế ở nước này.
Nền kinh tế Ireland được mệnh danh là “Con hổ vùng Celtic”, bởi những thành công kỳ diệu trong hơn một thập niên qua nhờ chính sách thuế thấp nhất châu Âu, thu hút nhiều nhà đầu tư đa quốc gia. Tuy nhiên, Ireland hiện chỉ còn là cái bóng của chính mình khi GDP năm 2009 giảm 7%, thất nghiệp chiếm 14% dân số, nợ nần chồng chất. Và để được EU và IMF cho vay, Ireland đã phải chấp nhận một loạt biện pháp “thắt lưng buộc bụng” mới nhằm tiết kiệm 15 tỉ euro (gần 10% GDP) trong 4 năm tới.
Giới quan sát cho rằng sở dĩ Ireland thời gian qua vẫn lần lữa trong việc xin cứu trợ vì lo ngại một quyết định như vậy có thể làm suy yếu vị thế của Ireland trên trường quốc tế. Nay phải chấp nhận chính sách được áp đặt từ bên ngoài, “Con hổ vùng Celtic” xem ra đã mất đi “nanh vuốt” kiêu hãnh của mình.
PHÚC NGUYÊN (Tổng hợp)