17/01/2023 - 09:07

Khai mạc Hội nghị WEF lần thứ 53 

HẠNH NGUYÊN (Theo AFP, Guardian)

 

Ngày 16-1, Hội nghị thường niên lần thứ 53 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã khai mạc tại thị trấn Davos (Thụy Sĩ) với chủ đề “Hợp tác trong một thế giới phân mảnh” và dự kiến sẽ kéo dài đến ngày 20-1.

Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab phát biểu tại Davos. Ảnh: EPA-EFE

Trên 2.700 nhà lãnh đạo trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế và tài chính quy tụ tại Davos năm 2023 để thảo luận về thế giới ngày nay và tương lai trong bối cảnh nhiều cuộc khủng hoảng đang diễn ra đòi hỏi phải có những hành động tập thể táo bạo.

Chương trình của Hội nghị WEF năm nay tập trung vào các giải pháp và hợp tác công tư để giải quyết những thách thức cấp bách nhất của thế giới. Davos 2023 khuyến khích các nhà lãnh đạo thế giới hợp tác với nhau về các vấn đề liên quan đến năng lượng, khí hậu và tự nhiên; đầu tư, thương mại và cơ sở hạ tầng; công nghệ tiên tiến và khả năng phục hồi của ngành; việc làm, kỹ năng, di động xã hội và sức khỏe; và hợp tác địa chính trị trong một thế giới đa cực.

Hội nghị diễn ra vào thời điểm quan trọng khi thế giới đang phải đối mặt hàng loạt cuộc khủng hoảng. Sau những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng y tế do đại dịch COVID-19, nền kinh tế thế giới chưa kịp hồi phục thì phải vật lộn với những cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, bao gồm khủng hoảng an ninh lương thực và năng lượng. Tình trạng biến đổi khí hậu cũng là vấn đề nóng mà thế giới phải đương đầu.

Kêu gọi giảm phân nửa số lượng tỉ phú

Trong ngày khai mạc WEF, tổ chức cứu trợ quốc tế Oxfam đã đề nghị đến năm 2030 phải giảm phân nửa số lượng tỉ phú thông qua việc tăng thuế và áp dụng các chính sách khác để giúp thế giới công bằng hơn.

Trong báo cáo “Sự tồn tại của những người giàu nhất” công bố hôm 16-1, Oxfam cho rằng tài sản của các tỉ phú đã tăng gấp đôi trong 10 năm qua. Những người siêu giàu ngày càng giàu hơn trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt nảy sinh từ đại dịch và giá cả lương thực, năng lượng tăng cao sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine hồi tháng 2-2022.

Ðược biết, 63% (26.000 tỉ USD) trong tổng số tài sản tăng thêm trên toàn cầu kể từ khi đại dịch bùng phát đã rơi vào túi của nhóm 1% người giàu nhất. Chỉ có 37% (16.000 tỉ USD) về tay phần còn lại của thế giới. Kể từ năm 2020, tài sản của các tỉ phú đã tăng 2,7 tỉ USD mỗi ngày ngay cả khi lạm phát vượt mặt tiền lương của ít nhất 1,7 tỉ công nhân trên toàn thế giới. Báo cáo lưu ý lợi nhuận của các công ty lương thực và năng lượng đã tăng hơn gấp đôi trong năm qua.

Qua đó, Oxfam kêu gọi đánh thuế ở các mức làm sao để giúp phân phối lại tài sản và giảm tình trạng bất bình đẳng cực đoan. “Thế giới cần hướng tới mục tiêu giảm phân nửa lượng tài sản và số lượng tỉ phú từ nay đến năm 2030, bằng cách vừa tăng thuế đối với 1% người giàu nhất thế giới vừa thực thi các chính sách kiềm chế tỉ phú”, tài liệu kêu gọi. Những bước đi này sẽ đưa số lượng tỉ phú và tài sản của họ về mức của năm 2012 (gần 1.300 tỉ phú). Tổ chức này tính toán nếu áp thuế 5% đối với các triệu phú và tỉ phú thì các chính phủ có thể thu về 1.700 tỉ USD mỗi năm, đủ để giúp 2 tỉ người thoát khỏi nghèo đói.

Oxfam viện dẫn tài liệu của trang tin điều tra ProPublica (Mỹ) cho rằng nhiều người giàu nhất hành tinh gần như không nộp thuế. Ðơn cử như tỉ phú Mỹ Elon Musk đối mặt “mức thuế thực” chỉ 3,2% giai đoạn 2014-2018, trong khi nhà sáng lập Tập đoàn Amazon Jeff Bezos đóng thuế chưa tới 1%. Ngược lại, Aber Christine, một người bán bột mì ở Uganda, kiếm được 80USD/tháng nhưng phải chi trả mức thuế 40%.

Chia sẻ bài viết